(Baonghean) - Như đã nêu ở kỳ trước, bên cạnh việc Đề án phát triển cao su chậm được ban hành, còn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Qua tìm hiểu, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về đất đai và vốn đầu tư...
 
Quyết định 4183/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND tỉnh nêu rõ: Trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng, sử dụng hợp lý và khai thác hiệu quả quỹ đất để đẩy mạnh công tác trồng mới, tiếp tục đầu tư chăm sóc, khai thác diện tích cao su hiện có, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su. Theo đó, huyện Nghĩa Đàn được quy hoạch 4.320 ha (hiện có 2.400 ha, trồng mới 1.920 ha), Thị xã Thái Hòa 1.681 ha (hiện có 1.656 ha, trồng mới 25 ha), Quỳ Hợp quy hoạch 2000 ha (hiện có 1.229 ha, trồng mới 771 ha), huyện Tân Kỳ được quy hoạch 4.500 ha (hiện có 2.346 ha, trồng mới 2.154 ha), huyện Quỳ Châu được quy hoạch 2.480 ha (hiện có 94 ha, trồng mới 2.386 ha), huyện Quế Phong được quy hoạch 2.500 ha (trồng mới 2500 ha), huyện Anh Sơn được quy hoạch 2.600 ha (hiện có 450 ha, trồng mới 2.314 ha), huyện Thanh Chương được quy hoạch 2.582 ha (hiện có 268 ha, trồng mới 2.314 ha). Nắm bắt tình hình ở những địa phương này, trong công tác đất đai, đều ít nhiều gặp khó khăn, vướng mắc.
image_2218310.jpgDù gặp khó khăn về thời tiết, thị trường, người dân xã Tân Phú (Tân Kỳ) vẫn quyết tâm gắn bó với cây cao su.
 
Tại huyện Anh Sơn, nơi cây cao su đã cho thấy những triển vọng tốt đẹp cũng gặp không ít khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Với tổng diện tích cần bàn giao cho nhà đầu tư là 3700 ha, đến nay, huyện Anh Sơn đã bàn giao được 2.100 ha. Khoảng 1.600 ha còn lại, theo ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện, đây nguyên là đất thuộc Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn quản lý, trên đó có 14 hộ dân nguyên là cán bộ, công nhân viên công ty đã nghỉ hưu, đã làm nhà trên diện tích đất nhận khoán (188,54 ha); 6 liên doanh trồng rừng với công ty (1.453 ha); ngoài ra, có 3 hộ đã lập và phê duyệt hồ sơ nhưng chưa nhận tiền. 
 
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án trồng cao su trên địa bàn, UBND huyện đã dành nhiều thời gian gặp gỡ các bên liên quan tìm giải pháp thực hiện, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là các bên bị thu hồi đất chưa thống nhất giá trị bồi thường về đất đai, tài sản trên đất... “Việc bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. UBND huyện Anh Sơn đã giải thích rất nhiều lần với các đối tượng bị thu hồi đất và khẳng định sẽ nhất quán như vậy. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đồng tình...” - ông Nguyễn Hữu Sáng nói. 
 
Gặp gỡ ông Phan Văn Tỵ (xã Phúc Sơn), là người bị thu hồi 12 ha đất rừng (2,5 ha keo, 2,5 ha mét, còn lại là rừng bồ đề và rừng tự nhiên) để thực hiện dự án cao su thì những khó khăn lãnh đạo UBND huyện phản ánh là chính xác. Ông Phan Văn Tỵ ủng hộ việc giao trả đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, ông không đồng tình với mức giá bồi thường về đất, các loại vật dụng, tài sản trên đất. Ông Tỵ nói: “Chúng tôi có đầy đủ các giấy tờ liên quan đến đất đai. Trong quá trình nhận khoán, đã đầu tư không ít tiền của, công sức để trồng rừng. Nếu chỉ được bồi thường mức 3 triệu đồng/ha, sau khi bị thu hồi đất, chúng tôi chỉ còn khoảng 7 sào vườn tạp, sẽ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống...”.
 
Ở huyện Quế Phong, ngay tại vùng cao su được trồng sớm nhất, xã Tiền Phong, lại có không ít thôn, bản phản đối dự án cao su. Bản Bon (xã Tiền Phong) nằm ngay cửa ngõ Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) có 142 hộ, 612 khẩu. Theo Trưởng bản Bon, ông Lô Văn Lâm, vị trí trồng cao su với diện tích 60 ha được thực hiện tại vùng khe Pụng, khe Puộc Mú. Đây là vùng rừng đầu nguồn, đầu con nước phục vụ sản xuất cho 3 xứ đồng Đỉn Đánh, Nà Ương, Na Lạn của người dân bản Bon. Bên cạnh đó, tại khu vực này, người dân đã trồng khoảng 20 ha keo, vì vậy họ rất băn khoăn lo lắng. Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trồng keo trên đồi Puộc Mú và rừng đầu nguồn khe Pụng, ông Lâm cho biết, đã họp toàn thể nhân dân thôn bản để trao đổi về việc trồng cây cao su.
 
Tại cuộc họp, nhiều người cho rằng, nếu trồng cao su sẽ mất đi nguồn nước sản xuất, sinh hoạt; khi công ty phun thuốc sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường; hơn nữa, việc trồng cao su sẽ làm diện tích sản xuất, chăn nuôi bị thu hẹp. Người dân đang gặp nhiều khó khăn, rừng đầu nguồn có quan hệ mật thiết với cuộc sống của dân, từ cây củi, cây măng, đến cả thuốc chữa bệnh cũng vào rừng..., nếu mất rừng thì sẽ ra sao. Là trưởng bản, ông Lâm đã từng được tham quan những vùng trồng cao su, được nghe giới thiệu về lợi ích và biết đã có nhiều lao động ở xã được vào làm việc ở công ty. Tuy nhiên, người dân bản Bon chưa hề được chính quyền huyện, xã cũng như đơn vị thực hiện dự án tuyên truyền về việc trồng cao su trên vùng rừng đầu nguồn do cộng đồng thôn bản quản lý. "Chỉ là trưởng bản, tôi không thể thuyết phục được dân..." - ông Lâm nói.
 
Cũng như người dân bản Bon, 35 hộ, 167 nhân khẩu bản Cói cũng rất băn khoăn khi nghe tin vùng rừng đầu nguồn của bản sẽ được trồng cao su. Ở bản Cói, người dân sống chủ yếu dựa vào 8 ha lúa nước và chăn nuôi trâu bò. Theo Trưởng bản Sầm Văn Chính, công ty cao su dự định sẽ trồng mới khoảng 100 ha cao su tại các vùng rừng đầu nguồn Pú Léo, Pà Lấu, là nơi có các khe Kem Lực, Tà Noi. Tại cuộc họp toàn thể thôn bản, đại diện công ty đã đặt vấn đề trồng cây cao su nhưng người dân phản đối vì sợ sẽ làm cạn kiệt nguồn nước và ô nhiễm môi trường...
 
Theo ông Nguyễn Đình Kiệm - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cây cao su trên đất Tiền Phong đã được trồng khoảng 450 ha. Theo kế hoạch, ở xã Tiền Phong sẽ được trồng mới khoảng 800 ha cây cao su, vậy nhưng tại các bản Bon, Cói, Na Dến người dân chưa đồng tình, nên công ty cao su chưa triển khai trồng. Ông Kiệm cho biết: "Người dân băn khoăn nhưng thực tế thì chưa có hiện tượng gì chứng tỏ trồng cao su làm ảnh hưởng tới nguồn nước, môi trường. Dù vậy, xã đã yêu cầu công ty tạm ngừng trồng ở những khu vực rừng đầu nguồn...".
 
Tại xã Quế Sơn, không ít cán bộ nơi đây cũng băn khoăn khi nghe tin dự án cao su được triển khai. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Quế - cán bộ địa chính xã thì vùng đất UBND tỉnh quy hoạch thực hiện dự án cao su do Lâm trường Quế Phong (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm - nông nghiệp Sông Hiếu) quản lý, tuy nhiên trong nhiều năm qua, khu vực này thường xuyên xảy ra tranh chấp đất đai. "Tôi cũng được tham gia đoàn công tác đối chiếu, rà soát lại diện tích quy hoạch giao cho dự án cao su. Chúng tôi sợ có sự chồng chéo giữa những khu vực đất lâm trường đã giao cho xã quản lý với vùng được quy hoạch dự án. Thực tế qua rà soát, chúng tôi đã đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch một số khu vực..." - bà Quế nói.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Lâm - Trưởng phòng TN&MT huyện Quế Phong, bất cứ dự án kinh tế nào khi triển khai cũng đều sẽ gặp những khó khăn ban đầu. Ông Lâm nói: "Cuộc sống người dân Quế Phong gắn bó mật thiết với rừng, vậy nên triển khai trồng cao su tại những khu vực rừng đầu nguồn khiến người dân băn khoăn là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi cũng từng trao đổi với các cán bộ Công ty CP đầu tư phát triển cao su Nghệ An là làm dự án cao su cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ của nhân dân, nếu người dân không đồng tình thì không thể làm nổi. Theo tôi, cần phải đi từng bước thích hợp, có thể chậm nhưng chắc, khi thấy được hiệu quả chắc chắn nhân dân sẽ theo...".
 
Về những vấn đề ở xã Quế Sơn, ông Lâm cho biết: "Chính quyền hai xã Quế Sơn, Mường Nọc đề nghị thu hồi 811,4 ha đất Lâm trường Quế Phong giao cho địa phương quản lý. Trước kiến nghị của hai xã, đồng thời xét thấy nhu cầu sử dụng đất sản xuất của nhân dân, ngày 10/10/2013, UBND huyện đã có Tờ trình số 267/TTr-UBND trình UBND tỉnh xem xét giải quyết. Tại Công văn số 172/UBND.TN ngày 4/4/2014 về việc thu hồi đất cho Công ty CP đầu tư phát triển cao su Nghệ An thuê đất trồng cao su, UBND huyện Quế Phong tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh xem xét nội dung đã nêu tại tờ trình số 267...". 
 
Thiếu vốn đầu tư
 
Huyện Quỳ Châu được quy hoạch trồng 2.480 ha cao su. Đến nay, tổng diện tích mới đạt được khoảng 110 ha. Theo ông Lô Thanh Sơn, trong diện tích đã trồng có 3 ha là mô hình của Trạm Khuyến nông huyện thực hiện, còn lại là của Lâm trường Cô Ba. "Lâm trường là một chủ rừng được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Khu vực quy hoạch thực hiện trồng mới cao su ở trên vùng đất lâm trường, vì vậy, nhiệm vụ của huyện là tăng cường vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn, đôn đốc chỉ đạo thực hiện trồng mới theo Quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện ra sao lại hoàn toàn do lâm trường và Công ty TNHH MTV Lâm - nông nghiệp Sông Hiếu, đơn vị cấp trên của họ..." - ông Sơn nói.
 
Theo ông Đặng Văn Nghị - Phó Giám đốc Lâm trường Cô Ba, trong số diện tích 6000 ha lâm trường quản lý có 2000 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Tại đây, lâm trường đã trồng 1000 ha rừng và hơn 100 ha cao su. Theo quy hoạch, lâm trường Cô Ba được trồng 1500 ha cao su. Để thực hiện được cần một nguồn vốn rất lớn. Nhưng vấn đề này thì lâm trường hoàn toàn phụ thuộc vào Công ty TNHH MTV Lâm - nông nghiệp Sông Hiếu. Ông Nghị nói: "Cây cao su trên đất Quỳ Châu phát triển rất tốt nên chúng tôi rất muốn được tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, vì phụ thuộc hoàn toàn vào công ty nên lâm trường chỉ thực hiện được khi công ty giao chỉ tiêu...". 
 
Về vùng đất Tân Kỳ, rất nhiều hộ gia đình gắn bó với cây cao su. Nhờ có sự vào cuộc của các Công ty TNHH MTV nông nghiệp Sông Con, Công ty TNHH MTV nông nghiệp An Ngãi, người dân đã yên tâm trước biến động giá cả cao su của thị trường. Theo ông Hồ Sỹ Nguyên - Chủ tịch UBND xã Tân Phú, nơi đây có đến 700 ha cao su, trong đó có 350 ha trong thời kỳ kinh doanh. Từ năm 2013 trở về trước, cao su thực sự đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, còn từ đầu năm 2014 lại nay, do giá mủ cao su xuống thấp nên các hộ dân bị ảnh hưởng không ít. Dù vậy, với các hộ dân Lê Thị Quyên, Trần Xuân Công (trú tại xóm Tân Yên, xã Tân Phú)... việc thị trường cao su biến động cũng là việc bình thường. Bởi vậy, với việc đầu tư của Công ty TNHH MTV nông nghiệp Sông Con, họ hoàn toàn yên tâm dốc sức trồng mới cao su, bên cạnh đó, xen canh các loại cây trồng khác để phát huy giá trị sử dụng của đất nhằm tăng thêm thu nhập.
 
Dù người dân gắn bó với cây cao su là vậy nhưng việc mở rộng diện tích cao su ở Tân Kỳ vẫn giữ nguyên 2.346 ha (diện tích quy hoạch của Tân Kỳ tại Đề án 4183 là 4.500 ha). Theo ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, đã từ lâu Tân Kỳ xác định cây cao su là loại cây trồng chính để tập trung phát triển. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích cần phải đi theo hướng phát triển cao su tiểu điền bởi đất đai đã được quy hoạch, và giao hết cho các tổ chức, hộ gia đình. Căn cứ Đề án phát triển cao su của tỉnh, huyện Tân Kỳ đã mời và đặt vấn đề với một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An, tuy nhiên các doanh nghiệp này sau khi về thì không thấy hồi đáp. Ông Thức trao đổi: Người dân Tân Kỳ có quỹ đất nhưng thiếu vốn đầu tư. Để phát triển cao su, thiết nghĩ việc kết nối để doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hộ là hướng đi đúng. Để làm được, tỉnh cần có những chính sách cụ thể thúc đẩy, bên cạnh đó, giúp Tân Kỳ kêu gọi doanh nghiệp có tầm...  
 
Theo ông Hồ Ngọc Sỹ - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT: Hiện doanh nghiệp phát triển cao su không thể tiếp cận được vốn vay. Ngân hàng có tiền nhưng không dám cho vay. Doanh nghiệp muốn vay nhưng không vay được. Chính quyền đã nhiều lần đôn đốc, làm việc với ngành ngân hàng để các ngân hàng thực hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi  khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển cây cao su nhưng ngành ngân hàng vẫn chưa có chuyển động. Đến nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn vẫn chưa vào cuộc, ngân hàng nhà nước vẫn chưa có chính sách riêng đối với việc phục vụ chủ trương phát triển cây cao su của tỉnh.
 
 
“Thời điểm cao su ở mức giá cao, từ 70 - 90 triệu đồng/tấn, nhiều người đã đổ xô vay tiền ngân hàng trồng mới hoặc mua lại các vườn cây vừa trồng. Giá vườn cao su có thời điểm được rao bán với giá 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi ha. Đến nay, khi giá xuống mức ngang với giá thành bình thường, những hộ trên bắt đầu rơi vào cảnh thua lỗ là do lợi nhuận không đủ trả ngân hàng. Nếu vườn cây đạt mức năng suất 2 tấn/ha thì với giá như hiện nay, người trồng cao su vẫn có thể lãi từ 6-10 triệu đồng/ha”. (Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam phát biểu ngày 11/7/2014, trong Hội nghị sản xuất cao su năm 2014 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh).

 Nhóm p.v

(Còn nữa)