(Baonghean) - Thực tế minh chứng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có phần đóng góp tích cực của công tác tư tưởng. Tuy vậy, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả tốt hơn nữa, cần quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng; đặc biệt có kỹ năng, khả năng tư duy tổng hợp, phương pháp truyền đạt có tính thuyết phục cao,…
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên giáo, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo không ngừng vươn lên trở thành lực lượng xung kích của cấp ủy đảng, bảo đảm truyền đạt nhanh, chính xác, thống nhất những vấn đề quan trọng, cấp bách đến tận đảng viên và quần chúng. Điều đó giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được nghe trực tiếp tiếng nói của các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, được trực tiếp hỏi và giải đáp những vấn đề mà nhiều người đang quan tâm. Từ đó góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, khắc phục được một phần tệ quan liêu mệnh lệnh, xa rời quần chúng. Đội ngũ cán bộ làm công tác Ban Tuyên giáo và báo cáo viên còn góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị của các tổ chức đảng và các đoàn thể.
Đảng bộ tỉnh Nghệ An có 28 đảng bộ trực thuộc (21 huyện, thành, thị ủy, 5 đảng bộ cấp trên cơ sở, 2 đảng bộ cơ sở), với 1.572 tổ chức cơ sở đảng; số lượng đảng viên trên 174.000; 98,4% xóm, bản có chi bộ đảng, 99% xóm, bản có đảng viên; bình quân hàng năm kết nạp được 5.500 đảng viên mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 21/21 huyện, thành, thị uỷ có Ban Tuyên giáo cơ sở và báo cáo viên cơ sở; có 482 xã, phường, thị trấn có Ban Tuyên giáo cơ sở và báo cáo viên cơ sở. Tổng số biên chế Ban Tuyên giáo cơ sở hiện có là 2.959 đồng chí. Trong đó, cán bộ Ban Tuyên giáo chuyên trách là 310 đồng chí, cán bộ Ban Tuyên giáo bán chuyên trách là 2.649 đồng chí.
Thời gian qua, Ban Tuyên giáo và báo cáo viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, chủ động tham mưu giúp cấp ủy thực hiện tốt công tác triển khai, quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là triển khai tốt việc tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện chính trị của đất nước và địa phương; kịp thời nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, để tham mưu định hướng, đề xuất chỉ đạo công tác tư tưởng tại địa phương một cách cụ thể, sát thực. Đội ngũ báo cáo viên cơ sở được củng cố, kiện toàn, phát triển cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác tư tưởng trong tình hình mới, góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên giáo ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số nơi chưa xây dựng quy chế hoạt động; có nơi xây dựng nhưng nội dung còn chung chung. Cán bộ chuyên trách tuyên giáo và báo cáo viên cơ sở thường xuyên thay đổi nên có sự hẫng hụt về chuyên môn nghiệp vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Một số đồng chí chuyên trách cơ sở do ít được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nên trong thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều lúng túng. Một số báo cáo viên do công việc chuyên môn chi phối nên chưa phát huy tốt vai trò; ít đầu tư nghiên cứu cập nhật thông tin, ít tham gia hoạt động, tính thuyết phục trong tuyên truyền chưa cao... Trong khi đó, phương tiện, điều kiện làm việc còn khó khăn, kinh phí hoạt động hạn hẹp. Mặt khác, chế độ, chính sách đối với chức danh chuyên trách quá thấp so với thực tế, quy định đòi hỏi cán bộ chuyên trách tuyên giáo trình độ, năng lực (so với cơ sở) là tương đối cao, nên việc chọn, bổ nhiệm cán bộ vào chức danh này gặp khó khăn. Một số xã, phường, thị trấn không thành lập báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp mình để hoạt động hoặc một số nơi tuy có thành lập nhưng hoạt động còn yếu, chưa phát huy hết khả năng, năng lực của từng báo cáo viên.
Để phát huy vai trò của công tác tuyên giáo, báo cáo viên cơ sở, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên giáo; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để ngành Tuyên giáo được chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của ngành Tuyên giáo, trong đó, phải chú ý đến cả chiều rộng và chiều sâu. Đổi mới nội dung theo hướng nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác. Chọn lọc chủ đề, có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức lý luận chính trị và "truyền lửa" cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.
Thứ ba, quan tâm củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo để có lực lượng đủ mạnh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Phải coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên rèn luyện nâng cao năng lực tham mưu, hướng dẫn thực hiện và nhất là năng lực vận động, thuyết phục, nêu gương trước nhân dân.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền miệng theo phương châm hướng về cơ sở, thực hiện thông tin nhiều chiều, tích cực đối thoại, giải đáp những vấn đề bức xúc đặt ra từ cuộc sống. Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, đảm bảo cơ cấu, số lượng hợp lý theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Thường xuyên quan tâm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên. Chú trọng việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị, có năng lực, nhiệt tình tâm huyết và có uy tín.
Thứ năm, phải xây dựng được mối quan hệ công tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa Ban Tuyên giáo với các ngành, các cấp trong quá trình công tác. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định của từng cơ quan, đơn vị, Ban Tuyên giáo chủ trì, phối hợp để xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, đơn vị, tổ chức để chủ động trong tham mưu và triển khai thực hiện.
Thứ sáu, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang, thiết bị phục vụ cho hoạt động của các Ban Tuyên giáo. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên; quan tâm đầy đủ hoạt động của tuyên giáo cấp huyện, cấp xã, ngành, đoàn thể nhân dân; chú trọng chất lượng các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên trong ngành.
Phan Đại Nghĩa(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)