(Baonghean) - Bản dự thảo Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội (khoá XIII) thông qua với số phiếu cao gần như tuyệt đối 486/488 đại biểu (97,59%). Đây là kết quả của quá trình làm việc trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, của đồng bào và chiến sỹ trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
Bản Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vị trí lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản, xác định rõ trách nhiệm của Đảng. Trong Điều 4, Hiến pháp 1992 không nói rõ trách nhiệm của Đảng thì lần này Hiến pháp sửa đổi đã đưa vào và nhấn mạnh Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Nếu như quyết định không đúng, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước dân tộc.
Bản Hiến pháp mới là kết tinh giữa ý Đảng và lòng dân, phản ánh ý chí nguyện vọng của nhân dân và thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bảo vệ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; khẳng định quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để đảm bảo quyền lực của nhân dân được thực thi một cách nghiêm chỉnh.
Bản Hiến pháp mới không đưa nội dung Hội đồng Hiến pháp vào, nhưng trong các chương, điều khác cũng thể hiện tinh thần, nguyên tắc đó là quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về cơ quan xét xử là Toà án và trong các chương đó có phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ mỗi cơ quan thì chính sự phân công đó cũng tạo điều kiện cho Hiến pháp kiểm soát quyền lực. Tất cả những gì Hiến pháp đã quy định cần được bảo đảm thực thi, tôn trọng, không ai được vi phạm, người nào vi phạm thì phải xử lý. Hiến pháp mới cũng khẳng định các thành phần kinh tế đều được Nhà nước bảo hộ và Nhà nước không quốc hữu hoá những tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà kinh doanh; khẳng định quyền sở hữu hợp pháp các thành phần kinh tế, các chủ thể kể cả cá nhân đều được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm đây là quyền thiêng liêng của họ.
Bản Hiến pháp mới đã ghi nhận, thừa nhận, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Rõ ràng nhất là quy định về quyền con người đã được trang trọng ghi thành một chương riêng cùng với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam trong việc bảo đảm và phát huy quyền con người. Các quyền của trẻ em cũng được thể hiện rõ ràng hơn phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn sau khi Công ước này được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua.
Thật xúc động với kết quả tán thành thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, bản Hiến pháp mới thực sự hội tụ kết tinh trí tuệ cuả toàn dân, đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân. Chúng ta có quyền kỳ vọng, sau khi thông qua Hiến pháp (sửa đổi) cũng như Luật Đất đai (sửa đổi), tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước sẽ có nhiều thay đổi tốt hơn, nhân dân được hưởng nhiều quyền lợi, ấm no hạnh phúc và phấn khởi hơn, thành công hơn. Việt Nam sẽ ngày càng nâng cao được vị thế quốc tế, thực sự trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ngôi nhà chung của thế giới.
Bản Hiến pháp mới (sửa đổi) chỉ phát huy tác dụng khi những nội dung sửa đổi thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan Nhà nước phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp sửa đổi, các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp đã sửa đổi. Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền để mọi công dân Việt Nam chấp hành nghiêm Hiến pháp và Pháp luật, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng để các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương ngày càng vững mạnh.
Hoàng Tùng
(Bộ CHQS tỉnh)