(Baonghean) - “Mơ mộng nhiều nhưng chẳng có gì ăn”- trong nỗi nhớ khôn cùng của mình về mái trường xưa, không hiểu sao, câu thơ ấy cứ vang lên trong tôi... 

Ấy là câu thơ của Nadim Hítmét mà thầy Lê Thái Phong đọc cho chúng tôi nghe lúc mới chân ướt chân ráo nhập trường ngay lập tức được nhập tâm… Có thể khoá trước hoặc thế hệ sau chúng tôi ở trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh) thời đó cũng phải chịu đựng nhiều gian khổ, nhưng chắc chắn về sự thiếu ăn thì không thể nào bằng được. Đây cũng chính là thời kỳ đất nước đứng trước bao thử thách nghiệt ngã như cố nhà thơ Tố Hữu đã tổng kết: “Lụt Bắc, lụt Nam máu đầm biên giới/ Tay chống trời, tay giữ nước căng gân…”.

Suốt ba năm học (1979 - 1982), cứ đến cuối tháng 2 đầu tháng 3, nhà trường lại tập trung học sinh; thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Thông sau một bài nói chuyện rất dài về tình hình đất nước nói chung và tỉnh Nghệ Tĩnh nói riêng, hạ giọng rất buồn: chúng ta cũng phải có trách nhiệm chia sẻ khó khăn này… Và chúng tôi được nghỉ học một tuần để về nhà, khi đến trường mỗi người phải xin cha mẹ mang theo 5 kg lương thực để nộp vào kho, trong đó bắt buộc phải có 2 kg gạo… Con số này cũng là lượng gạo mà rất nhiều tháng chúng tôi được hưởng trong tiêu chuẩn 15kg lương thực/tháng của mình, còn hầu hết phải ăn mì bột, mì hạt hoặc sắn khô.

Mì bột thường được vắt thành cục như bánh bao,  mỗi suất hai cục, ăn liên tục phát chán, nhiều đứa có sáng kiến cắt ra từng lát mỏng, đổ nước luộc lại và nêm muối vào như ăn xúp. Nhưng ăn mì cục cũng còn sướng hơn mì hạt (còn gọi là bo bo). Năm học 1979 - 1980, chúng tôi phải lãnh trọn nạn bo bo, ăn nhiều đến mức nhìn thấy là buồn nôn, nhưng vì bụng kép lẹp, nên đành phải nhắm mắt nhét vào. Có đứa khó nuốt quá, nghĩ ra “cao kiến” trộn muối ớt thật nhiều, cay nên phải xúc mì đổ liên tục vào miệng. Còn sắn lát phơi khô mà phải ăn hàng ngày thì khỏi bàn…

Toàn các loại lương thực khó tiêu hoá như vậy, nhưng vẫn không đủ no cho bụng học trò, nên thời đó đã xảy ra bao chuyện cười ra nước mắt xung quanh cái ăn. Vui nhất là khi cả lớp được nghỉ học để đưa bo bo vào nhờ cối của dân giã vỏ. Con trai thì thay phiên nhau đạp cối, con gái thì bớt một ít “tiêu chuẩn” nhờ luôn bếp của nhà chủ rang mì lên khao nhau… Rồi có những cuộc thi ăn, thằng Thận lớp tôi “vô địch” với thành tích gần … 10 cục, 4 đứa phải nhịn bữa trưa để cho nó tọng mì liên tục vào bụng, ăn đến nửa cục thứ 10 thì mắt trợn lên, từ từ dựa lưng vào vách, cả phòng quây lại đếm như trọng tài quyền Anh, mãi sau không thấy nó cựa quậy mới hoảng lên lấy lược chải hối hả trên bụng…
 
Còn việc “đột nhập” bếp ăn vào ban đêm để cạo trộm cháy nồi thì “chuyện nhỏ”, thứ hai nào chào cờ cũng có khoảng “tiểu đội” đứng nghệt ra nghe thầy Thông phán xử. Nặng nhất phải là tội bẻ liếp giường để nấu ăn “cải thiện”; sau này thấy giường nào ở phòng con trai cũng “gãy” gần hết liếp nên nhà trường chuyển sang “giải pháp” dùng phản gỗ, thế là ddđến lượt khung cửa sổ, vách phòng trống troáng dần… Có lần đội Cờ Đỏ bắt quả tang được một vụ, ba “tội phạm” là học sinh chuyên Toán phải đeo ba cái bảng sau lưng với dòng chữ “em xin hứa từ nay không bẻ bậy để đun nấu nữa” đi một vòng khắp trường…
 
Khoá chúng tôi cũng phải học ở hai nơi, lớp 8 lớp 9 trường đóng ở xã Nghi Đức, cạnh trường Bồi dưỡng giáo viên của Ty Giáo dục, năm cuối  mới chuyển lên địa điểm hiện nay. Ở Nghi Đức thời đó toàn nhà tranh liếp nứa, đến mùa gió Lào cát bay rào rào vào phòng, bát canh chưa kịp húp đã thấy phủ kín váng vàng… Năm đầu ở địa điểm mới, trường xây chưa đủ phòng, hai lớp chuyên Văn và chuyên Toán chỉ được 2 phòng vừa học vừa dùng làm chỗ ngủ.
 
Một phòng nửa dưới kê phản cho con gái ở, nửa trên làm lớp học cho chuyên Văn; phòng kia thì nguợc lại – chuyên Toán học trên, nửa dưới kê phản của con trai hai lớp… Có lẽ cũng vì thế mà khoá chúng tôi hai lớp chuyên Văn chuyên Toán rất thân nhau. Thi tốt nghiệp điểm văn của chuyên Toán và điểm toán của chuyên Văn đều cao, thi đại học cả hai lớp đỗ gần 100%, gần 1/3 người đủ điểm đi học nước ngoài…
 
Hai mươi lăm năm đã trôi qua, bồi hồi nhớ lại càng thấy thương và quý trọng các thầy, các cô hơn. Chúng tôi đói, khổ một thì gia đình của hầu hết các thầy, cô cũng phải đói khổ hơn hai, ba lần. Mỗi nhà một gian tập thể tuềnh toàng, chật hẹp; thời trường còn ở Nghi Đức, có một dãy nhà bị cháy, nhiều thầy cô mất trắng tài sản… Một điều lạ là, hầu hết các thầy, cô dạy ở trường thời đó có chung đặc điểm: ở khu tập thể và cả hai vợ chồng đều làm nghề giáo, nhiều gia đình cả thầy và cô dạy ở trường luôn như thầy Thanh - cô Hương, thầy Kiêm - cô Diệp, thầy Tuấn - cô Lý, thầy Bỉnh - cô Bê…
 
Riêng thầy Lê Thái Phong chủ nhiệm lớp bọn tôi thì lấy cô Điều cũng làm nghề giáo, nhưng dạy ở trường Bồi dưỡng giáo viên sát cạnh… Cả vợ chồng đều là nhà giáo lại ở ngay khu tập thể trong trường, nên quan hệ thầy trò hết sức gắn bó, nhiều thầy, cô coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), mỗi lớp chỉ có một món quà nhỏ, kéo nhau đến chật nhà và được các thầy, cô chiêu đãi rất hậu hĩ.
 
“Hàn vi chi giao bất khả vong” - có lẽ cũng không hẳn chỉ với lý do chung nhau cảnh thiếu ăn thời đó mà tình cảm của chúng tôi với các thầy, cô và bè bạn Trường Phan Bội Châu bền chặt đến tận bây giờ…
 
TS. Võ Hồng Hải (Học sinh chuyên Văn khoá 1979 – 1982)