(Baonghean) - Trong những di sản, những nét đặc trưng của tinh thần xứ Nghệ, ta thấy rõ nhất có ba điểm: Tinh thần cố kết; Tinh thần hiếu học; Khao khát đỉnh cao. Tôi cho rằng, cả ba điều ấy được thể hiện tập trung ở thầy và trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (xin gọi tắt là Trường Phan Bội Châu), hay nói một cách khác, Trường Phan Bội Châu là một biểu tượng của tinh thần xứ Nghệ.
Nghệ Tĩnh luôn luôn là một vùng đất nghèo, lại có chiến tranh liên miên. Thời Lý Trần, thường xuyên chịu sự đánh phá của các nước phương Nam như Chiêm Thành, Chân Lạp. Thời Lê, chịu nạn Trịnh Nguyễn phân tranh. Quân Đàng Ngoài vào cũng giết dân; quân Đàng Trong ra cũng giết. Sự chà đi, xát lại ấy khiến mỗi dòng họ, mỗi gia đình đều chịu sự chết chóc, chia lìa không kể xiết từ năm 1627 đến hơn 100 năm sau.
Trong thời thuộc Pháp, Nghệ Tĩnh nhiều lần bị khủng bố trắng, nhất là lần diệt quân Cần Vương và truy quét Xô viết Nghệ Tĩnh. Bom đạn suốt ngày đêm những năm chống Mỹ còn tươi nguyên trong ký ức gần một phần ba dân số sinh trước năm 1972.
Ấy vậy mà trên đất ấy, lại mọc lên một tư tưởng vượt trội: Lấy sự học làm căn bản, học là mục tiêu, cũng là động lực. Việc học và hình ảnh anh nho sinh còn là cái đẹp - một phạm trù mỹ học. Nghệ Tĩnh thời nào cũng là một trung tâm giáo dục lớn. Trọng thầy, trọng chữ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Tôi nhớ, mẹ tôi không bao giờ giẫm lên một tờ giấy có chữ, dù là chữ Hán hay chữ quốc ngữ, làm nên thói quen giống mẹ của tôi. Ông nội tôi là người đầu tiên mở trường tư ở quê, tức là ông chủ, mời người em họ đến dạy; nhưng Tết nào cũng đi Tết thầy, vì thầy dạy con mình… Từ Trạng nguyên khai khoa Bạch Liêu, nhân tài Hoan Diễn đời nào cũng có. Từng có câu “Bút Cấm Chỉ, Sĩ Thiên Lộc”. Rồi họ Nguyễn Tiên Điền; họ Hồ Quỳnh Lưu; họ Nguyễn, họ Vương, họ Phan Nam Đàn; họ Đặng, họ Tôn, họ Nguyễn Tài Thanh Chương; họ Nguyễn Cảnh Đô Lương; họ Phan Yên Thành, họ Cao Diễn Châu, họ Hoàng, họ Phan Đức Thọ, họ Phan Huy Thạch Hà… Nghệ Tĩnh đâu đâu cũng đất văn chương, khoa bảng.
Ngay trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, thiếu thốn trăm bề nhưng ở cả hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đều đã mở những lớp năng khiếu, gọi là lớp “đặc biệt”, học trò được hưởng chế độ đặc biệt là được những thầy, cô giỏi nhất về dạy, được ăn gạo Nhà nước như cán bộ. Có những lớp này, về sau tôi được biết là từ năm 1965, theo đề nghị của GS. Tạ Quang Bửu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho phép các trường cấp 3 và đại học trong cả nước (nhưng lúc ấy chỉ miền Bắc, miền Nam đang bị tạm chiếm) mở những lớp chuyên Toán. Nghệ An và Hà Tĩnh là những nơi sớm thực hiện chủ trương đó.
Tôi được chọn vào lớp đặc biệt Văn Hà Tĩnh khóa 1969 -1972, đặt tại Trường cấp 3 Trần Phú, sơ tán tại xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ. Lớp chuyên Toán thì đặt tại Phan Đình Phùng (Thạch Hà). Sau này tôi còn được học lên nữa về văn hóa và nhiều lớp học khác nhau nhưng lớp đặc biệt để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Càng về già, tôi càng thấm sâu ơn nghĩa quê hương, ơn nghĩa cuộc đời khi đã giành cho chúng tôi - chúng ta sự ưu tiên đặc biệt ấy. Nó tạo cho tôi một nghị lực, một tâm thế sống lúc nào cũng lạc quan, cũng cố gắng phấn đấu hết mình để xứng đáng là học sinh đặc biệt.
Tôi cũng nghĩ rằng, chúng tôi đã có một tình cảm anh em, bạn bè thật đặc biệt. Cho đến ngày nay, không chỉ thành đạt như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trung tướng Trần Đình Nhã, PGS. Hà Mai Hiên, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng… và như các bạn Chiến, Phú, Thông, Thanh, Tính, Liễn… đều rất gần gũi, bình đẳng, càng ngày càng thân thiết như anh em một nhà. Không những thế, các anh lớp trước như Nguyễn Chí Tâm, Nguyễn Quốc Phẩm, Nguyễn Đăng Phát; các bạn lớp sau như Nguyễn Hoằng, Nguyễn Trí Nhiệm, Lê Cảnh Nhạc…; các bạn chuyên Toán Phan Đình Phùng như Ngô Đức Huy, Nguyễn Văn Phúc… thảy đều yêu thương, kính trọng nhau. Đó là nói về Hà Tĩnh. Sau này, gặp các bạn đặc biệt của Nghệ An như Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyễn Đức Hiền, Hồ Quang Lợi, Nguyễn Hồng Trường, Tô Hồng Hải, Tô Hùng, Hồ Bất Khuất, Nguyễn Hồng Thái…, chỉ cần một câu giới thiệu đã thành bạn chơi, thành anh em suốt cả một đời. Tôi thấy các lớp sau cũng vậy. Đó phải chăng là tựu trung của tinh thần cố kết, đoàn kết của người xứ Nghệ?
Tôi muốn tỏ lời biết ơn đến các thầy, cô giáo hết sức tài năng và tận tâm vun đắp cho chúng ta từ những ngày thơ dại để có được những tri thức căn bản và nâng cao vượt trước một bậc so với các bạn phổ thông khác để chúng ta có một xuất phát điểm cao hơn trong học tập mà tiến bộ mãi. Thầy cô cho chúng ta một đạo lý làm người, cho chúng ta một tinh thần bình đẳng, vị tha và yêu khoa học; biết coi tình yêu thương con người và chân lý là tối thượng.
Thầy Phan Huy Tuấn, chủ nhiệm lớp chúng tôi ngày ấy mới ra trường, còn rất trẻ đã có phương pháp và kiến thức phong phú, chắc chắn. Không biết vì thầy trẻ hay liên tài, tôi nghĩ là cả hai, mà thầy coi chúng tôi như các em, đôi phần như bạn bè. Thầy luôn mẫu mực nhưng cởi mở. Cô Lý, vợ thầy, dạy Vật lý cũng như một chủ nhiệm. Tôi rất quý cô, cố gắng học môn Vật lý thật tốt để cô hài lòng. Ngày ấy học Văn nhưng tôi chỉ mơ trở thành nhà Vật lý, không được là nhà Vật lý lý thuyết thì cũng là một nhà sáng chế. Năm lớp 10, tôi cố gắng tập trung hơn cho các môn tự nhiên để thi khối A, nhưng đến ngày nhận giấy báo thì cả lớp phải thi khối C. Tôi nghe bạn Võ Tính nói có thể đổi được, mà thực tế là bạn Hồ Quang, bạn Võ Tính đổi được sang khối A, sau này đủ điểm đi học nước ngoài. Bạn Hồ Quang, quê xã Đức Trung, cùng quê với GS. Lê Văn Thiêm, có năng khiếu rất đặc biệt, nếu có điều kiện tốt và không vì bệnh tật, tôi chắc chắn có thể là một nhà Toán học lớn. Bạn Võ Tính bây giờ phụ trách toàn bộ phần điện lạnh của Lăng Bác.
Tôi năm ấy 16 tuổi, quyết tâm đi bộ vào Ban Tuyển sinh tỉnh 30 cây số để xin đổi khối nhưng chỉ còn 3 ngày nữa thi, vả lại không có phụ huynh, không quen ai nên đành về trong hai hàng nước mắt chứa chan. Về nhà, tôi quyết định bỏ thi, chờ năm tới sẽ thi khối A. Vừa lúc đó thì ông bác ở Hà Nội về, nghe tôi nói bỏ thi, cho ngay hai cái tát nổ đom đóm. Tôi buộc phải đi thi, vơ vội 3 cuốn Văn, Sử, Địa lên Hương Sơn, cách nhà cũng tầm 30 cây số. Cùng đi thi đại học năm đó, cả xã có 5 người, chỉ có tôi đậu, và đậu vào Tổng hợp dù chỉ thi bằng trí nhớ, chỉ ôn luyện qua loa trong những ngày thi. Hầu hết các bạn thi khối C ngày ấy đều đi nước ngoài và vào ngành Luật, một ngành rất mới lúc bấy giờ. Đang học năm thứ 3, tôi đi bộ đội với mong muốn được xông vào tuyến lửa, trả thù cho anh trai hy sinh ở Quảng Trị và góp phần giải phóng miền Nam.
Tình yêu văn chương mới thật sự được thắp lên mãnh liệt trong những ngày này. Mãnh liệt và có thể gàn dở đến nỗi, đơn vị gửi đi học sĩ quan trong nước nhiều lần, gửi đi học tàu ngầm ở Liên Xô cũng nhất định không chịu. Lúc đó thích ra Bắc, thích đi nước ngoài lắm, đơn vị cũng dọa kỷ luật nếu không đi, nhưng nghĩ rằng, nếu suốt đời ở trong quân đội, không được theo đuổi nghiệp văn chương thì đau khổ lắm. Nên cứ làm lính quèn, đợi khi nào trả về trường hay về nhà đi cày cũng cam chịu… Thế rồi sau giải phóng miền Nam, hai cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, là thằng lính quèn, nên tôi được điều ra mặt trận sớm nhất. May không chết, dù sẵn lòng chết; tuy mất đi những năm tháng tuổi trẻ vô giá nếu thẳng tiến theo con đường học tập, nghiên cứu; nhưng những năm quân ngũ cũng cho tôi biết nhiều điều, nhất là cái giá của sự sống bình thường. Được sống, sống khỏe mạnh trong cảnh hòa bình đã là hạnh phúc. Cái nhận thức ấy đã làm tôi bớt băn khoăn nhiều trong cuộc sống, ngay cả trước những bất công, bất hạnh khác.
Về tinh thần hiếu học, tôi chỉ muốn nói tới một khía cạnh: Những học sinh Phan Bội Châu tôi được gặp đều là những người suốt đời lấy sự học làm chính; suốt đời chỉ tôn thờ tri thức và tình cảm con người. Chức vụ, tiền tài chẳng qua là vật ngoại thân. Vì một quan niệm chung ấy, mà mọi người chơi với nhau hết sức bình đẳng, quý trọng lẫn nhau. Đó là một xã hội, một chuẩn mực giá trị chân chính. Tôi cũng thấy người Nghệ, mà thầy, trò Trường Phan Bội Châu là tiêu biểu, luôn có khát vọng vươn tới đỉnh cao. Đỉnh cao trong học tập, trong lĩnh vực công tác của mình. Nhưng điều quan trọng hơn mà tôi thấy được qua anh em, bè bạn, chính là khát vọng vươn tới đỉnh cao của sự làm người. Đó là tính trung thực, sự tận hiến. Tất nhiên, có những ngoại lệ. Nhưng căn bản là như vậy.
Tôi không dám bàn về giáo dục phổ thông, về nền tảng. Tôi cho rằng sự học phải học đến nơi, đến chốn; phải có thầy giỏi, trò giỏi. Nhiều thì tốt, nhưng không dễ có nhiều. Ít trò cũng phải đầu tư như nhiều. Đào tạo được 3 người tài còn hơn 300 người trung bình. Người tài như ngựa hay sẽ kéo được cả cỗ xe xã hội đi nhanh và đúng hướng. Nhiều ngựa yếu kéo xe sẽ dẫm vào chân nhau, sẽ chia lực theo các hướng khác nhau. Tôi tin mỗi gia đình, nhân dân cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà đại diện là UBND tỉnh sẽ đầu tư hơn nữa cho trường chuyên, cơ sở đào tạo những con người vừa hồng, vừa chuyên cho tỉnh nhà, cho cả nước; một điểm hồng nuôi dưỡng và làm phát sinh những truyền thống tốt đẹp của xứ Nghệ!
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại
Hà Nội