(Baonghean) -Gần như cứ gặp nhà thơ Tùng Bách là y như rằng được nghe kể chuyện vui, và đó thường là những câu chuyện phiếm ông kể về những kỷ niệm xưa… Nhưng phía sau nụ cười của ông, sau những câu chuyện dí dỏm, hài hước, là một ánh nhìn ẩn giấu những nỗi niềm cùng với một tình yêu đáng trân trọng dành cho văn chương - “địa hạt”, mà ông đã chọn cho những cuộc chơi của đời mình vốn lắm niềm vui và cũng nhiều bất trắc.

images941539__nh_1.jpg

Nhà thơ Tùng Bách tên thật là Lê Tùng Bách, quê gốc ở làng Đông, xóm Kim Sơn, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Dòng sông Ngàn Phố ngay cạnh nhà ông, vậy mà bên dòng “nước trong nhìn thấu mây trời” ấy, cậu bé Tùng  Bách đã có cả một “tuổi thơ dữ dội”. Bố ông từng làm xã đội trưởng, từng bị “câu lưu” vì lý do nào đó, sau về làm nông dân cuốc ruộng. Mẹ ông tảo tần nuôi con “bằng cháo, rau, khoai, sắn”, bằng “chuối chát, chanh chua, gừng cay, muối mặn” và bằng thứ tình yêu bao la như của bao bà mẹ trên đời.

Ông yêu đến “nôn nao”, thương đến se sắt làng quê của mình, một vùng đất nghèo khó, “bỏng rát gió Lào”, nhưng người dân lúc nào cũng biết vui, biết tếu táo để cuộc sống của họ không bị chìm sâu vào nghèo khó. Có lẽ bởi vậy mà Tùng Bách lúc nào cũng biến các câu chuyện của ông, thậm chí cả với thơ nữa, thành cái gì đó dí dỏm, vui vui? Cũng bởi vậy mà không ít lần trong cuộc đời mình, ông gặp những lận đận.

Người ta nói nhiều đến các loại tai nạn nghề nghiệp…, còn Tùng Bách lại vấp phải những tai nạn đáng nhớ, vì thơ. Ngay bài thơ đầu tiên của ông và câu chuyện xung quanh nó đã mang những dự cảm về một đời thơ gắn với hai chữ “rắc rối”. Bài thơ đó Tùng Bách viết tặng ông Hồ Thành trong xóm. Hồi đó, Tùng Bách hay xin đi bè, lấy củi trong rừng với ông này. Hồ Thành có tiếng ăn to nói lớn, chẳng sợ một ai, vậy mà một lần bị kiểm lâm bắt, ông này khúm núm xưng “em” với họ, khiến nhiều người trong vùng lấy đó làm chuyện cười. Tùng Bách liền có câu thơ thanh minh giúp Hồ Thành: “Bác ơi buông củi em ra/ Em đi ăn cỗ đường xa mới về”.
 
Từ hồi học lớp 6, ông đã từng bị đuổi học vì khôn dại “ra” thơ. Trường xa, phải đi bộ 6, 7 cây số mới tới nơi, đến rồi thì mệt quá thường ngồi uống nước quán cố Hường, đói bụng, xót ruột nên Tùng  Bách ngồi làm thơ. Thế nào mà bài thơ tưởng đọc lên cho vui vui vậy thôi lại lan truyền đến nhiều học trò rồi đến tai thầy hiệu trưởng, người đang bị dư luận cho rằng có dính líu quan hệ với một cô trong làng. Cho rằng bài thơ của Tùng Bách chọc ghẹo nói “kháy” mình, thầy hiệu trưởng tỏ ra rất tức giận. Vậy là Tùng Bách buộc phải chuyển trường.
 
Nhưng dường như cái số ông đã bị đóng đinh vào những chuyện rùm beng thơ ca, nên một lần nữa, ở ngôi trường mới, ông lại vấp nạn. Hồi đó, ông chủ tịch xã làm một bài thơ Đường kêu gọi dân đi khai hoang. Tùng Bách vui miệng làm thơ họa lại, “luýnh quýnh” thế nào mà bị quy kết tội phá hoại chủ trương của xã. Xã và trường lúc đó không làm lớn chuyện chẳng qua vì ông còn là “con nít”, nhưng sự khiển trách cũng đủ để Tùng Bách thấy rằng cần phải đi ra ngoài, cần phải hít thở bầu không khí rộng lớn hơn để có thể thoải mái “khẳng định mình”. Ông kể lại: “Với tất cả cái háo hức của tuổi trẻ, tôi khao khát được đi xa khỏi lũy tre làng. Lúc nào tôi cũng muốn và sẵn sàng lên đường”.
 
Một số tập thơ của nhà thơ Tùng Bách.
 
Rồi ông đã tìm mọi cơ hội để được đi. Ban đầu, ông xin nhập ngũ nhưng vì thiếu tuổi nên không được, xin đi thanh niên xung phong cũng không thành. Cuối cùng, sau khi khai tăng tuổi, ông được nhận vào làm công nhân làm đường ở chợ Củi, Đồng Lộc, sau một thời gian chuyển sang bộ phận khảo sát, đo đạc. Thời gian này ông tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, sáng tác kịch, được làm cán bộ phụ trách văn thể trong Ty Kiến trúc Hà Tĩnh; sau đó được phân chuyển sang Văn phòng Hội Văn nghệ của Ty Văn hóa Hà Tĩnh. Trong thời gian ở đây, ông thường xuyên được tiếp khách là các nhà thơ, nhà văn có tên tuổi như Xuân Diệu, Huy Cận…
 
Như được tiếp thêm sinh lực, vốn năng khiếu thi ca trong con người ông giống một ngọn lửa được nhen sáng dần lên. Những bài thơ cứ thế được ra đời, cứ thế được chắp cánh với một niềm say mê sáng tạo không ngừng. Bởi vậy mà Tùng Bách được chuyển sang làm ở Tạp chí Văn nghệ Hà Tĩnh. Sau khi giải phóng miền Nam, đến đầu năm 1976, Hội Văn nghệ của Hà Tĩnh và Nghệ An sáp nhập, Tùng Bách chuyển ra Vinh công tác. Những ngày tháng ở Vinh là những ngày tháng đầy kỷ niệm trong cuộc đời Tùng Bách. Được sống chung với nhiều bạn bè văn nghệ trong Hội, ông đã có những niềm vui mà nếu được chọn để sống lại một quãng đời, ông không ngần ngại chọn quãng thời gian ấy.
 
Nhưng rồi, “tai nạn” vì thơ lại tìm đến ông. Lần ấy, khi biên tập thơ của một nhà thơ có tiếng, ông “buồn tay” mà “nghịch dại” chua thêm hai dòng thơ bình phẩm bên cạnh. Chẳng mấy chốc, hai câu thơ của ông lan truyền khắp nơi và trở thành chuyện vui trong các quán trà, quán rượu ở Vinh và Nghệ Tĩnh. Rồi cũng vì nó mà Tùng Bách trở thành người đầu tiên có tên trong danh sách giảm biên của Hội Văn nghệ.
 
Vậy là, thêm một tì vết nữa trong đời ông, trong thơ ông. Người ta bảo Tùng Bách vì thơ mà nhiều phen “no đòn, đói cơm” là bởi vậy. Cảm thấy ngột ngạt vì vướng vào những chuyện không đáng có, ông lại khao khát được đi. Lần ấy, nhân cơ hội đi thực tế ở miền Nam, Tùng Bách cùng với nhà văn Đặng Văn Ký quyết định ở lại vùng đặc khu mới Vũng Tàu. Tùng Bách xin vào làm tại tập san Văn hóa văn nghệ của Sở Văn hóa, sau đó ông còn có những thời gian làm ở Phòng Quản lý xuất bản, theo dõi báo chí, xuất bản sách, rồi làm ở Báo Bà Rịa Vũng Tàu, Hội Văn học - Nghệ thuật của tỉnh… Tưởng đã “chừa đến già” cái thói “chơi thơ”, ai dè trong thời gian làm ở Vũng Tàu, ông lại bị… “thơ chơi”. Bài “Giây lát với Chí Phèo” của ông một lần nữa khiến ông bị kiểm điểm về tư tưởng, sau khi bị suy diễn thành một nội dung “dân nổi can qua” đầy rắc rối…
 
Quá nửa cuộc đời khao khát tìm đến những vùng đất mới, để thỏa sức sống và làm việc, thỏa sức chơi và say với thơ, với rượu…, nhưng cuối cùng, “con tàu” Tùng  Bách chọn ga Vinh để “dừng bánh”. Đầu năm 2009, ông trở ra Vinh, xây nhà ở gần chợ Ga Vinh để sống với người vợ thứ hai của mình. Không may, nhà xây xong thì vợ ông qua đời. Ngoài việc giao lưu với bạn bè, ông chỉ còn biết vin vào thơ để sống, để vui. Vậy là, nếu coi Vinh là ga cuối trong chuyến hành trình dài dặc của đời mình, thì với thơ, Tùng Bách lại coi đó là nơi để một kẻ “cửu vạn” như ông được “dụng võ”.
 
Tự nhận mình là “hạt mầm tự đội đất mà lên”, là “cỏ”, là “thời tiết”, là “ga xép”, luôn “nôn nao hóng đợi những con tàu”, tự mắng mình là “đồ giẻ rách”, “thằng mọt sách”, nhưng rồi cuối cùng có vẻ như Tùng  Bách hài lòng với vai trò làm “cửu vạn chợ ga Vinh”, nơi ông vui vẻ với việc “cõng từng chữ qua miền lục bát”. Tùng Bách kể về niềm yêu say thơ từ thuở nhỏ của mình, rằng có một người cậu làm thơ, người mà ông luôn nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Tùng Bách rất mong muốn sau này được trở thành nhà thơ, nhưng ông dường như không coi thơ như một ngôi đền thiêng mà nhiều người ảo vọng rằng ở đó chỉ có thể tồn tại những điều cao siêu, thần thánh.
 
Với ông, thơ có lẽ là chuyến tàu đưa ông đến gần hơn với cuộc sống sôi động của nhân gian, giúp ông vui, ấm áp hơn trong cuộc chơi của mình. Nhà thơ Trúc Thông từng nhận xét về thơ Tùng Bách: “Phần ưu tú nhất của trí tuệ nhân dân, ở bất cứ xứ sở nào, được kết tinh trong tục ngữ, ngạn ngữ, phương ngôn. Sắc bén trong chớp bắt chân lý lại được ủ bởi tâm hồn đầy độ lượng khiến cho những cấu trúc ngôn ngữ gọn, chắc, đầy tài hoa kia đã liên tiếp chinh phục các thế hệ người học hỏi. Trong số học trò hậu duệ hôm nay, giữa một thời thế đầy ngổn ngang, dâu bể, Tùng Bách tuyên bố mình nắm chắc thứ vũ khí bén nhọn ấy để hộ thân và hộ thơ”.
 
Đã xuất bản nhiều tập thơ như “Mình với bóng”, “Vịt đực và mào gà trống”, “Bầu trời của ếch”, “Người gieo hạt”, “Đi và nhặt”, “Bên bờ ao nhà mình”, trong đó Tùng Bách dành khá nhiều đất để viết cho thiếu nhi. Ông nói, đến với thế giới của các em là đến với thế giới hồn nhiên. Cố gắng chạm đến cái hồn nhiên ấy một cách giản dị, cũng cố gắng để được hồn nhiên như vậy, tránh viết những điều “theo kiểu người lớn ngớ ngẩn” như nhiều người thường viết cho trẻ, Tùng Bách dựa vào ngụ ngôn để khai thác. Đến nay, khi đã gần chạm tới cái vách thất thập cổ lai hy, Tùng Bách vẫn thành thực và hết mình với thơ, như thuở nào ông từng khao khát khi đọc thơ người cậu, khi ngẩn người gieo vần cho một bài thơ tuổi học trò, khi được đăng thơ lần đầu trên báo Khoa học thường thức - một bài thơ viết về lá hoàng xà mà đến giờ ông vẫn nhớ như in… 
 
Trong một lần trò chuyện, ông nói rằng bây giờ người ta bắt nhà thơ phải làm cửu vạn, phải gánh nhiều thứ quá. Nhưng tôi cho rằng, theo một nghĩa khác, ông cũng đang làm cửu vạn, cho thơ. Bởi lúc nào ông cũng lo thơ mình bị cũ, bị sáo mòn, lúc nào ông cũng sợ chạm vào vạch kết thúc của con đường sáng tạo. Bởi lúc nào ông cũng nồng nhiệt, thành thực với thơ như với một người bạn, một công việc, một niềm vui, một nguồn an ủi. 
 
Thùy Vinh