Là một trong những chợ bán thực phẩm lớn của TP Vinh, những ngày này, các quầy hàng bán thịt lợn ở chợ Quán Lau vẫn hoạt động bình thường tuy lượng sản phẩm thịt bán ra và số người tiêu dùng có giảm hơn so với trước.

Trước đây khi chưa có dịch tả lợn châu Phi, mỗi hộ tiểu thương trong chợ bán từ 50 - 70 kg thịt lợn/ngày, nhưng nay chỉ từ 30 - 40 kg thịt. Chị Phan Thị Vân, chủ một quầy bán thịt lợn tại chợ Quán Lau cho biết: Kể từ khi có dịch, việc buôn bán ở chợ cũng có phần bị ảnh hưởng, sản lượng bán ra giảm so với trước, giá bán cũng giảm khoảng 10% so với thời điểm trước khi có dịch.

bna_bl_thi_truong_thit_lon_tai_tp_vinh_24396721_1632019.jpegNgười tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại chợ Quán Lau (TP. Vinh). Ảnh: Võ Huyền

Còn tại quầy hàng của chị Đặng Thị Lập, chỉ mới hơn nửa buổi sáng mà gần 2 con lợn thịt thành phẩm đã bán hết. Chị Lập chia sẻ: Do quầy hàng chị bán thịt lợn có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch của cơ quan thú ý, đầy đủ giấy tờ nên lượng khách quen vẫn ăn bình thường. Lượng hàng bán ra vẫn giữ nguyên so với trước đây. Quan điểm của chị Lập là người kinh doanh phải có tâm, người đi mua hàng phải thông thái, biết lựa chọn sản phẩm thịt tươi, ngon, có nguồn gốc để tiêu dùng, sử dụng.

Còn tại chợ Quang Trung, các quầy hàng bán thịt lợn vẫn đông khách mua. Đang chọn mua sườn lợn tại một quầy thịt, bà Nguyễn Thị Huệ  ở khối 23, phường Hưng Bình nói: "Khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi tôi cũng hoang mang, nhưng vì đây là món ăn quen thuộc hàng ngày nên tôi vẫn mua. Tuy nhiên, tôi không mua thịt trôi nổi mà chọn hàng có nguồn gốc, được kiểm dịch".

Người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi mua thịt lợn thay vì tẩy chay

(Baonghean.vn) - Tính đến ngày 11/3, dịch tả lợn châu Phi đã lan trên diện rộng tại 13 tỉnh, thành trong cả nước. Nghệ An mặc dầu chưa xuất hiện dịch nhưng người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. Tuy nhiên, thay vì tẩy chay, người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi chọn mua thịt lợn và các sản phẩm từ lợn.

Cũng không "quay lưng" lại với thịt lợn, chị Hoàng Thị Thu ở xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa cho hay, khi thông tin có dịch tả lợn châu Phi gia đình chị vẫn sử dụng thịt bình thường. Nhưng để yên tâm, chị chọn mua tại cửa hàng quen; chọn miếng thịt đỏ tươi, mỡ trắng vì đó là thịt từ con lợn khỏe, không bị bệnh.

Theo quan sát, tại nhiều chợ ở TP. Vinh mặc dù lượng khách mua giảm hơn so với trước nhưng người tiêu dùng không hoàn toàn "quay lưng" với thịt lợn. Lượng thịt bán ra tại các chợ không lớn nhưng để tạo niềm tin cho khách hàng, các tiểu thương cũng chọn mua thịt có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Trong khi đó các quầy hàng bán thịt lợn trôi nổi trên vỉa hè hầu như vắng bóng do người tiêu dùng tẩy chay với thịt không rõ nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và hú y TP. Vinh, do nhiều người tiêu dùng lo sợ dịch tả lợn châu Phi nên hạn chế ăn thịt lợn, khiến giá lợn có thể sụt giảm, càng ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Chúng tôi khẳng định bệnh tả lợn châu Phi không lây sang người, nên người dân yên tâm sử dụng các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm chế biến từ thịt lợn.

Tổ kiểm tra liên ngành TP. Vinh kiểm tra hoạt động kinh doanh thịt lợn tại chợ Vinh. Ảnh: Võ Huyền

Hiện nay, TP. Vinh đang tập trung quyết liệt trong việc phòng chống dịch. Thành phố đã thành lập chốt kiểm dịch và các tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn thịt lợn trước khi bày bán trên thị trường thành phố, không để thịt lợn trôi nổi, không có nguồn gốc trà trộn vào thị trường.

Cũng theo ông Đức khuyến cáo, người dân nên chọn mua sản phẩm thịt lợn an toàn, được cơ quan thú y kiểm dịch, được chế biến hợp vệ sinh, có địa chỉ rõ ràng. Khi chọn mua thịt lợn, người dân nên chọn mua thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng, da không có các đốm hay các vết khác thường. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt.