bna_giay_cam_ket_anh_quang_an9600695_1432019.jpgCác hộ kinh doanh, buôn bán thịt tại chợ Hòa Bình, huyện Tương Dương cam kết không buôn bán thịt lợn không rõ nguồn gốc. Ảnh: Quang An
Gia đình ông Võ Trọng Đông làm nghề giết mổ lợn tại khối Hoa Đông, thị trấn Hòa Bình, Tương Dương từ nhiều năm nay. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đã lây lan vào địa bàn Nghệ An, ông Đông cho hay: Từ ngày 14/3, gia đình sẽ không lấy lợn từ xuôi lên nữa, mà bắt lợn từ bản về mổ thịt cho yên tâm. Bà con trên này từ ngày nghe tin có dịch tả lợn đã kén mua thịt lợn về ăn. Vì vậy, mình phải bắt lợn bản về mổ thì mới tiêu thụ được. 
Thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y thị trấn, hàng ngày, sau khi giết mổ lợn ông đều phun hóa chất toàn bộ khu vực chuồng trại và nơi giết mổ. 
Cán bộ thú y huyện Tương Dương kiểm tra thịt lợn bán tại chợ Hòa Bình. Ảnh: Quang An
Gia đình bà Mai Thị Thanh ở bản Can, xã Tam Thái là hộ chăn nuôi lợn lớn nhất xã. Khi được hỏi về công tác phòng dịch tả lợn, bà Mai cho biết: Cách đây 2 ngày, bà mua bình phun mới thay cho bình cũ để phun hóa chất khử trùng hàng ngày thuận lợi hơn. Trước Tết, gia đình bà xuất chuồng 30 con lợn thịt, còn lại 20 con nuôi cho đến nay. Nếu như không có dịch tả lợn châu Phi thì bà đã nhập đàn ngay sau đó, nhưng vì dịch tả lợn diễn biến phức tạp nên không nhập thêm đàn.
"Lợn giống nhập từ các thương lái từ xuôi lên nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Do vậy, không nhập đàn trong lúc dịch tả lợn châu Phi đang lây lan phức tạp là giữ cho gia đình và xã hội" - bà Thanh cho hay.
Bà Mai Thị Thanh ở bản Can, xã Tam Thái (Tương Dương) phun hóa chất khử trùng trong khu vực chuồng trại. Ảnh: Xuân Hoàng
Theo chị Lô Thị Kim - cán bộ thú y xã Tam Thái cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 60% số hộ chăn nuôi lợn, trong đó có 20 hộ nuôi từ 10 con lợn trở lên. Để phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, hàng ngày trên loa truyền thanh xã thường xuyên tuyên truyền cho bà con biết sự nguy hiểm của bệnh dịch này; đồng thời hướng dẫn cho bà con cách phòng dịch. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 14/3, ngay sau khi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi, xã tuyên truyền cho bà con biết, tuyệt đối không tái đàn, không nhập lợn từ xuôi lên để mổ thịt. Nếu phát hiện có lợn bị chết do bệnh phải báo với thú y để có giải pháp xử lý ngay. 
Ông Mai Văn Hoàng - Trạm trưởng Thú y huyện Tương Dương cho biết: Theo số liệu vừa thống kê, toàn huyện hiện còn 23.747 con lợn, với 4 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ trên địa bàn thị trấn Hòa Bình và mỗi xã có từ 1 - 2 điểm giết mổ tại gia. Đặc thù của Tương Dương có tới 50% lợn thịt nhập từ xuôi lên để mổ thịt hàng ngày và lợn giống cũng chủ yếu nhập từ xuôi lên (chủ yếu là Yên Thành, Đô Lương) nên nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi cao. Vì vậy, phải làm tốt công tác kiểm soát sự vận chuyển lợn vào địa bàn. 
Trước hết, Trạm Thú y phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai ký cam kết đối với các điểm giết mổ lợn và các hộ chăn nuôi không mua lợn không rõ nguồn gốc. Cán bộ thú y cơ sở hàng ngày kiểm tra nguồn gốc lợn tại các điểm giết mổ; tổ chức phun hóa chất khử trùng sau mỗi phiên chợ.

Lợn được lái buôn vận chuyển lên các huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn trên tuyến Quốc lộ 7. Ảnh: Xuân Hoàng
Còn đối với huyện Kỳ Sơn có hơn 200 km đường biên giới, trong đó có cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn và 2 lối mở với nước bạn Lào tại 2 xã Nậm Càn và Na Ngoi, ngoài ra còn có 2 tuyến giao thông đường thủy từ Lào sang. Vì vậy, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi có phần khó khăn, phức tạp hơn.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đối với kiểm soát vận chuyển lợn vào địa bàn, huyện phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là bộ đội biên phòng để kiểm soát lợn qua cửa khẩu. 
Đối với giết mổ lợn, để thuận lợi trong công tác kiểm soát dịch, huyện tập trung vận động hộ dân các xã lân cận đưa lợn về giết mổ tại lò ở thị trấn.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Nghệ An, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu với UBND huyện có giải pháp lập chốt kiểm dịch trên tuyến Quốc lộ 7, tại xã Chiêu Lưu khi cần thiết, đồng thời đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí mua hóa chất khử trùng để phòng dịch.