Theo ghi nhận, điểm dịch đầu tiên ở Nghệ An xảy ra tại xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu). Vị trí vùng dịch nằm giáp ranh với nhiều xã lân cận; đặc biệt có tuyến Quốc lộ 48B đi qua nên biện pháp phòng dịch lây lan rất cấp bách.
Ông Lê Xuân Thanh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ cho biết, địa phương là nơi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của tỉnh nên công tác kiểm soát, phòng ngừa được xã triển khai quyết liệt tới từng thôn, xóm và tận hộ chăn nuôi. Sau khi UBND huyện Quỳnh Lưu công bố dịch tả lợn tại địa bàn, xã chỉ đạo hàng chục công an viên có mặt tại 2 chốt kiểm dịch gần hộ có dịch để phun tiêu độc khử trùng, kiểm soát xe qua lại nhằm không để dịch lây lan.
"Hiện toàn xã có tổng đàn lợn 400 con, chúng tôi đang chỉ đạo Ban thú y xã phải hoàn thành phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi, đặc biệt là 2 hộ giáp điểm dịch đang có tổng đàn lợn khoảng 30 con. Chúng tôi động viên anh em trong lực lượng công an viên tích cực gác chốt cả ngày lẫn đêm để kiểm dịch, quyết không để bùng phát lây lan" - ông Lê Xuân Thanh cho biết.
Nằm giáp vùng dịch và đồng thời có tuyến Quốc lộ 48B đi qua, xã Ngọc Sơn là vùng uy hiếp về dịch tả lợn châu Phi... Được biết, xã Ngọc Sơn hiện có tổng đàn lợn gần 750 con, trong đó có khoảng 3 - 4 hộ chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Khi biết tin xã lân cận đã có dịch, các hộ chăn nuôi đang tập trung phòng ngừa.
Gia đình ông Bùi Văn Hùng là hộ có tổng đàn lợn nhiều nhất xã với hơn 100 con. Ngày 14/3, sau khi huyện Quỳnh Lưu công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại xã Quỳnh Mỹ, gia đình ông chủ động mua 2 lít hóa chất, 2 kg vôi bột về phun tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại.
Ông Hùng cho biết: "Bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan bằng nhiều hình thức và rất phức tạp. Vì vậy, gia đình đang tìm mọi cách để chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Trước mắt, gia đình không cho người lạ vào nơi chăn nuôi, nếu cần thiết phải phun tiêu độc khử trùng trước khi vào. Gia đình cũng mong muốn các ngành chức năng cần quan tâm, thường xuyên có mặt tại các hộ chăn nuôi lớn để hướng dẫn phòng bệnh".
Nhằm khống chế sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, xã Ngọc Sơn đã chủ động lập 2 chốt tại vùng tiếp giáp ổ dịch xã Quỳnh Mỹ và chốt tại xã Quỳnh Lâm. Ngoài ra, xã trích kinh phí mua 700 kg vôi bột và 20 lít hóa chất để triển khai phòng dịch. Sáng nay (15/3), xã huy động 20 cán bộ công an viên rắc vôi tại 2 điểm chốt và phun tiêu độc khử trùng.
Ông Hồ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, ngay khi huyện Quỳnh Lưu công bố dịch, UBND xã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo theo yêu cầu của huyện và tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, xóm để các hộ chăn nuôi biết và chủ động phòng ngừa.
"Mặc dù trên địa bàn chưa có dịch, nhưng chúng tôi đã thành lập tổ công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi; chỉ đạo công an xã bố trí lực lượng chốt chặn 2 điểm kiểm dịch, phân công trực 3 ca/ ngày để kiểm soát xe cộ lưu thông qua lại" - ông Lập cho biết thêm.
Theo thống kê, toàn huyện Quỳnh Lưu có tổng đàn lợn 42.000 con nuôi tập trung nhiều ở xã Quỳnh Tam, Tân Sơn, Quỳnh Hồng... Tính đến thời điểm này, tổng lượng hóa chất được phun tiêu độc khử trùng là 600 lít, riêng tại xã Quỳnh Mỹ (vùng dịch) đang cấp thêm 36 lít để tiếp tục phun tại các hộ chăn nuôi.
Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Quỳnh Lưu cho biết: Sáng 15/3, ngoài 2 chốt tại vùng dịch xã Quỳnh Mỹ, các xã giáp ranh đã lập thêm 8 chốt tại các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoa, thị trấn Cầu Giát, Ngọc Sơn chốt chặn để kiểm soát các phương tiện qua lại.
Huyện tập trung chỉ đạo trạm Thú y huyện, 33 xã thị trấn tuyên truyền trên loa truyền thanh cho người dân biết để phòng dịch; đồng thời chỉ đạo các xã vùng uy hiếp thành lập tổ phun tiêu độc khử trùng, tiếp nhận hóa chất; phân công lực lượng túc trực 24/24h tại các chốt cho đến khi công bố hết dịch.
"Về phía huyện sẽ phối hợp với Công an huyện kiểm tra, kiểm soát các phương tiện chở động vật lưu thông qua tuyến Quốc lộ 1A, 48B và tỉnh lộ 537B. Chúng tôi sẽ tập trung quyết liệt trong kiểm soát, kiểm dịch và quyết tâm không để dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng" - ông Đậu Đức Năm cho biết thêm.