(Baonghean) - Thông tin liên lạc là một trong các nội dung của “bốn tại chỗ” trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Đó là hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy của các lực lượng quân đội, công an, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão từ Trung ương đến địa phương và bao gồm toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông của Nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu các hệ thống thông tin này vận hành tốt, vững chắc, sẽ giúp lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp, hiệp đồng các lực lượng thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; giúp người dân chủ động thông tin trong việc sơ tán, bảo vệ tính mạng và tài sản.
 
Trong hệ thống đó, các mạng điện thoại di động giữ vai trò quan trọng.
 
Trực tiếp chứng kiến cơn bão số 10, số 11 và cơn lũ đang diễn ra ở miền Trung, chúng tôi nhận thấy rằng khi có tình huống thiên tai, việc liên lạc bằng điện thoại di động của một số nhà mạng rất khó khăn, thậm chí bị “mất sóng”; trong khi cũng tại thời điểm đó, ở không gian đó, với mạng di động khác vẫn thực hiện được. Trong cơn bão số 10, ở tâm bão Quảng Bình, chúng tôi đã chứng kiến các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và địa phương đã yêu cầu đại diện các nhà mạng di động khẩn trương phục hồi hệ thống của mình, phục hồi sóng di động đã bị mất do gió bão đã làm gãy đổ nhiều cột phát sóng BTS và làm hư hỏng các đường truyền tín hiệu.
 
Câu hỏi đặt ra là, tại sao chỉ một số nhà mạng bị thiệt hại, hư hỏng nặng và tê liệt hoàn toàn, trong khi vẫn có mạng di động đứng vững được, khi tâm bão đi qua vẫn phủ sóng trên diện rộng, bảo đảm kết nối thông tin thông suốt?
 
Có người cho rằng: Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh khốc liệt, bên cạnh các nhà mạng di động xác định chiến lược kinh doanh bền vững thì vẫn có nhà mạng di động kinh doanh theo lợi nhuận trước mắt, “ăn xổi, ở thì”, họ chỉ cần nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, phủ sóng nhanh và rộng nhằm thu hút được lượng khách hàng đông để chiếm lợi nhuận cao. Vì thế, họ chỉ cần đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy móc, phương tiện một cách tối giản với chi phí thấp nhất và hầu như không tính đến yếu tố thiên tai. Và đến khi thiên tai xảy ra, họ phải trả giá ngay lập tức: Hệ thống viễn thông của họ bị tê liệt ngay từ đầu!
 
Những ngày sau bão số 10 ở Quảng Bình, chúng tôi đã nhận thấy các nhân viên của nhà mạng V. tỏa đi khắp nơi dựng lại cột phát sóng; dù rất nỗ lực nhưng phải mất nhiều ngày thì sóng của nhà mạng này mới được phục hồi một phần sóng 2G, còn sóng 3G phải đến gần 10 ngày sau, khi trở lại Quảng Bình chúng tôi mới có thể sử dụng được. Nhiều người dân và cán bộ, quân đội, công an, dân quân tự vệ ở Quảng Bình đã nói với chúng tôi rằng, qua cơn bão này họ đã có kinh nghiệm là không nên chỉ gắn bó sử dụng dịch vụ của một nhà mạng di động duy nhất; một số người dân khác lại cho biết sẽ chuyển sang dùng nhà mạng khác bền vững hơn...
 
Có lẽ, đây là một “bài học” đắt giá đối với các nhà mạng mà với hệ thống thông tin của mình do thiếu vững chắc, dẫn đến bị bão đánh gục, tê liệt thông tin, gây thiệt hại lớn về uy tín, thương hiệu và kinh tế.
 
Ngẫm lại, kinh doanh bền vững ở trong bất kể lĩnh vực nào, thời điểm và không gian nào vẫn là chân lý, nhất là ở miền Trung thường xảy ra thiên tai triền miên!
 
Trần Hoài