(Baonghean) - Trước những thiệt hại lớn về người và tài sản do hai trận bão, lũ vừa qua gây ra cho các tỉnh miền Trung nói chung, Nghệ An nói riêng, các ngành, các cấp cùng nhiều tổ chức, cá nhân và đồng bào trong cả nước đang dành những tình cảm hướng về bà con vùng bão lũ. Những ngày qua, có không ít tổ chức, cá nhân không quản ngại khó khăn, vất vả, tình nguyện mang hàng cứu trợ đến vùng bị nạn với tinh thần sẻ chia “lá lành đùm lá rách”. Sự đùm bọc thân thương đó đã góp phần giúp bà con vượt qua những khó khăn ban đầu để từng bước ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Từ người cứu trợ đến người nhận, ai cũng hiểu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Tuy nhiên, có một vấn đề được nhiều người quan tâm đặt ra là, làm sao để tiền, hàng cứu trợ đến đúng người, đúng đối tượng? Cứ tưởng như không nên nói ra điều này vào lúc này nhưng quả thật, qua các đợt cứu trợ vài năm gần đây ở Nghệ An và những tỉnh lân cận cho thấy một số hiện tượng không hay đã xảy ra. Ví như, ở vùng bị thiên tai, nhà bị thiệt hại nặng được cứu trợ ít hơn nhà bị nhẹ. Một vài cán bộ xóm “xà xẻo” hàng cứu trợ, hoặc “ưu tiên” hàng cứu trợ cho bà con, họ hàng nhà mình là chuyện có thật.
Trong khi đó, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm từ thiện, tổ cứu trợ cũng có những vấn đề phải bàn. Còn nhớ những chuyện lùm xùm quanh hàng cứu trợ như những bộ quần áo quá cũ không thể sử dụng được; những thùng mì tôm, lương khô thậm chí cả thuốc chữa bệnh quá “đát” không khỏi làm bà con chạnh lòng. Và, có lẽ cũng cần phải nhắc thêm, do một số tổ chức, cá nhân với mong muốn đồ cứu trợ của mình đến tay người nhận nên cử người đại diện đến thẳng vùng bị nạn, trực tiếp gặp bà con nên xảy ra chuyện nhà gần đường, nhà vùng ngoài nhận được hàng nhiều hơn là điều không khó hiểu… Còn nhớ, một số doanh nghiệp lợi dụng truyền hình trực tiếp các cuộc vận động cứu trợ để đăng ký cứu trợ với số lượng lớn nhằm “quảng bá hình ảnh” nhưng sau đó “thoái thác”, gây khó dễ cho cơ quan tiếp nhận hỗ trợ và xúc phạm đến người nghèo, người bị nạn.
Dù không nhiều, không phải là phổ biến nhưng những hiện tượng không hay trên từng gây nên những bức xúc, những hiểu lầm không đáng có trong dư luận bà con vùng bị thiên tai cũng như trong các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ. Cứ nghĩ rằng, đợt cứu trợ hiện nay, nếu chúng ta, từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia cứu trợ cho đến cấp ủy, chính quyền, MTTQ, cán bộ cơ sở và bà con vùng bị thiên tai gặp gỡ nhau để tìm tiếng nói chung về phân phối hàng cứu trợ thì chắc chắn tình trạng không hay nêu trên sẽ không lặp lại.
Nếu được như thế, thì những chuyến hàng cứu trợ cho bà con bị thiên tai sẽ hiệu quả hơn; tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “một gói khi đói bằng một gói khi no” hẳn sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều!
Việt Long