Bắt đầu từ sản phẩm nước mắm truyền thống
Để xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thị xã Cửa Lò đã gửi hồ sơ sản phẩm nước mắm của 3 cơ sở gồm: Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và Dịch vụ Cửa Hội (sản phẩm dự thi nước mắm Tân Hội); Hợp tác xã làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 (sản phẩm dự thi nước mắm Hải Giang 1) và Hợp tác xã dịch vụ Sông Lam (sản phẩm dự thi nước mắm Ngư Hải). Cả 3 sản phẩm nước mắm này đều đạt 4 sao cấp thị xã.
Hợp tác xã làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 tiền thân là làng nghề nước mắm Hải Giang 1 – đây là 1 trong những làng nghề truyền thống chế biến nước mắm có từ lâu đời của thị xã Cửa Lò. Sản phẩm nước mắm của làng nghề từ lâu đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn, nhất là khách du lịch về với thị xã biển.
Nước mắm Cửa Lò nức tiếng du khách. Ảnh: Thành Chung Vì vậy, khi được thị xã Cửa Lò công nhận sản phẩm nước mắm Hải Giang 1 là sản phẩm OCOP đạt 4 sao và hiện đang chờ Hội đồng OCOP cấp tỉnh thẩm định – người dân làng nghề và lãnh đạo HTX rất phấn khởi. Bởi với họ, sản phẩm nước mắm đạt chất lượng OCOP là thêm một lần nữa khẳng định thương hiệu nước mắm truyền thống của làng nghề, và điều quan trọng sản phẩm của làng nghề sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến, người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng của sản phẩm. Và khi đạt chất lượng OCOP cấp tỉnh, chắc chắn sản phẩm sẽ có thể “bước chân” vào hệ thống các siêu thị lớn, các hội chợ lớn.
Trong quá trình xây dựng chất lượng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thuận lợi là bản thân làng nghề nước mắm Hải Giang 1 đã có thương hiệu trên thị trường và đã được Hội đồng OCOP cấp thị xã công nhận 4 sao. Hiện nay, mỗi năm làng nghề xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 lít nước mắm các loại. Trước đây, những hộ dân trong làng chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu bán cho khách thân quen. Tháng 9/2000, Hợp tác xã làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 thành lập đã thu hút 84 hộ tham gia, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động, chỉ tính riêng năm 2020 thu nhập bình quân người lao động đạt 72 triệu đồng/người, sản phẩm của làng nghề được tham gia ở nhiều hội chợ, đối tượng khách hàng mở rộng hơn...
Ông Hoàng Đức Thương – Trưởng ban Quản lý làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 (thị xã Cửa Lò)
Cùng với
nước mắm Hải Giang 1, năm 2020 sản phẩm nước mắm của Hợp tác xã dịch vụ Sông Lam cũng được thị xã Cửa Lò công nhận 4 sao và đã gửi hồ sơ để xét công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Huy – Phòng Kinh doanh, Hợp tác xã dịch vụ Sông Lam cho biết: “Nếu như sản phẩm nước mắm của HTX Sông Lam đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh thì sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX mở rộng thị trường, nhất là vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc. Đây cũng là hướng đi bền lâu mà HTX đang hướng tới”.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Thực hiện Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến năm 2030”, Phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò đã tham mưu UBND thị xã ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá sản phẩm, Tổ giúp việc... Ban Chỉ đạo chương trình OCOP thị xã đã ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm của thị xã. Ngày 25/9/2020, Phòng Kinh tế đã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị mở lớp tập huấn cho các đối tượng là Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ phụ trách Chương trình OCOP của các phường và các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với số lượng 100 người. Giảng viên là Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh.
Nước mắm Hải Giang 1 được công nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Hiền
Thông qua lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, địa phương trong triển khai
Chương trình OCOP, tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tại địa phương. Phòng Kinh tế đã phân công chuyên viên phòng phụ trách OCOP, thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn các chủ thể chuẩn bị hồ sơ, kiểm tra tính hợp pháp của các giấy tờ, tài liệu minh chứng về chất lượng sản phẩm...
Ông Võ Văn Lý - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò cho biết: Cửa Lò có nhiều sản phẩm của các làng nghề, các cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản phù hợp với các tiêu chí đánh giá OCOP, sản phẩm mang đặc trưng của sản phẩm du lịch như: nước mắm, ruốc, tôm nõn, cá thu nướng... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, như thị xã Cửa Lò không phải là địa phương được thụ hưởng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nên khi triển khai Chương trình OCOP chưa tạo được khí thế, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là 1 yêu cầu trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới).
Bà con Cửa Lò chế biến tôm nõn. Ảnh: Thành Chung Bên cạnh đó, kinh phí triển khai thực hiện Chương trình OCOP chưa có. Các cơ sở chế biến làng nghề, cơ sở sản xuất phần lớn còn thiếu các hồ sơ minh chứng về vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở đủ điều kiện sản xuất, vệ sinh môi trường, phiếu kiểm tra chất lượng, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, tem nhãn sản phẩm…
Năm 2021, thị xã Cửa Lò sẽ phấn đấu xây dựng từ 2 – 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh như tôm nõn, chả mực, chả cá thu. Để hỗ trợ, động viên các sản phẩm đạt OCOP, ngoài những chính sách của tỉnh, thị xã cũng đã xây dựng đề án ứng dụng KHCN trong khai thác, chế biến sản phẩm sạch, tạo sản phẩm phục vụ khách du lịch. Cụ thể, thị xã sẽ có chính sách hỗ trợ cho mỗi sản phẩm đạt 3 sao (30 triệu đồng); 4 sao (40 triệu đồng); 5 sao (50 triệu đồng).
Tuy nhiên, để xây dựng sản phẩm OCOP, thời gian tới rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương, nhất là lãnh đạo phường hiểu rõ hơn về việc xây dựng, triển khai sản phẩm OCOP cho địa phương mình chính là nâng tầm thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm, tạo nên sản phẩm đặc trưng cho phường mình cũng chính là tạo nên sản phẩm du lịch Cửa Lò.
Cá thu nướng bằng than hoa là một món ăn hấp dẫn của Cửa Lò được du khách ưa chuộng. Đầu tháng 11 năm 2015, Hội sản xuất kinh doanh cá thu nướng Cửa Lò được thành lập với 28 thành viên. Hội đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm đóng gói bằng công nghệ hút chân không. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống phát thanh phường, các cuộc họp để các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đăng ký tham gia Chương trình OCOP, sớm hoàn thiện các hồ sơ về đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, cơ sở đủ điều kiện về vệ sinh ATTP, có kế hoạch bảo vệ môi trường cho cơ sở sản xuất… Ngoài ra, thị xã cần bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình OCOP thị xã trong thời gian tới.