Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tập trung vào các sản phẩm nhỏ, ở các địa bàn xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tạo ra việc làm và thu nhập bền vững cho người dân. Các sản phẩm này được chuẩn hóa quy trình sản xuất đề cao các giá trị truyền thống gắn liền với mỗi sản phẩm. Với ý nghĩa đó hiện trên địa bàn huyện Con Cuông có rất nhiều sản phẩm.

Là địa phương nhiều tiềm năng về kinh tế du lịch, người dân sáng tạo, năng động, cần cù, cấp ủy, chính quyền hỗ trợ tối đa nên đến nay huyện Con Cuông đã được công nhận 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao. Đó là 2 mô hình du lịch cộng đồng ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê và bản Nưa, xã Yên Khê; và 2 sản phẩm là dây thìa canh, cà gai leo của Công ty CP Dược liệu Pù Mát…

image_4108913_16122020.jpgXưởng chế biến của Công ty CP Dược liệu Pù Mát. Ảnh: B.H

Nhưng trên địa bàn hiện còn có nhiều sản phẩm nông thôn tiêu biểu giàu tính sáng tạo phát huy giá trị truyền thống dân tộc và tạo việc làm cho người dân như dệt thổ cẩm, tre mỹ nghệ, mây tre đan, rượu men lá, chợ phiên, du lịch cộng đồng… hay các sản phẩm được quan tâm đầu tư sản xuất chất lượng như cam VietGAP, mứt cam, tinh dầu cam, cây dược liệu, giảo cổ lam, cao hà thủ ô, rau quả tươi....

Hàng mây, tre đan của huyện Con Cuông hấp dẫn, đặc trưng ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc. Ảnh: B.H

Đây là những sản phẩm nông thôn tiêu biểu nếu được đầu tư thêm công nghệ chế biến, hỗ trợ quảng bá sản phẩm sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Huyện Con Cuông cũng có nhiều tấm gương trẻ đam mê khởi nghiệp làm giàu từ tiềm năng quê nhà như sản phẩm tre mỹ nghệ của Công ty Trà Lân Bamboo (Tre Trà Lân) hay các sản phẩm từ cam VietGAP…

Mặt hàng tre mỹ nghệ của Trà Lân Bamboo bày bán ở chợ phiên Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu

Huyện Con Cuông đang là điểm du lịch hấp dẫn của miền Tây xứ Nghệ cũng như cả nước, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế thăm quan. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm OCOP Con Cuông được trở thành sản phẩm hàng hóa nông thôn tiêu biểu có giá trị.

Nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện Con Cuông hiện còn gặp một số khó khăn như: Quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư; mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, bao bì chưa đổi mới. Các sản phẩm đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ còn ít. Cùng với đó là các mặt hàng luôn đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Chợ phiên ở huyện Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu