(Baonghean) - Quyết định cấm cán bộ, công chức sử dụng rượu bia trong giờ làm việc đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2006. Xa hơn, ngày 20/5/1996, Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị số: 351/TTg “Về việc cấm uống rượu trong giờ làm việc và cấm say rượu nơi công cộng”. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quyết định này còn chiếu lệ, chưa triệt để ở không ít cơ quan, đơn vị.

Mới đây, trong lần đi công tác tại một huyện ven TP. Vinh để tìm hiểu về những khó khăn trong giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động, chúng tôi đã gọi điện và nhận được cuộc hẹn làm việc với Chủ tịch UBND huyện vào buổi chiều. Lúc đến nơi hẹn là 2 giờ rưỡi rồi mà cửa phòng làm việc của vị Chủ tịch huyện vẫn đóng im ỉm, gọi điện 5-6 cuộc chỉ thấy chuông reo. Lúc này, nhiều người đến làm việc đứng chờ đã lâu đành phải ra về trong bực tức.

Đến hơn 4 giờ chiều chúng tôi quay lại, tiếp tục bấm máy gọi lại, sau 2 lần đổ chuông nữa “quan phụ mẫu” mới trả lời: “Xin lỗi! Lúc trưa quá chén giờ vẫn đang mệt”! Nói rồi “quan” ra mở cửa mời chúng tôi vào phòng làm việc để nghe ông trình bày rằng: Trưa nay mình tiếp khách, uống có mấy chén rượu không hiểu sao giờ vẫn mệt, thông cảm, giờ mình không trả lời được, có gì thì các cậu cứ xuống cơ sở mà tìm hiểu nhé!

Và theo tìm hiểu của chúng tôi thì: Ở huyện ven đô này, việc làm cho người lao động đang là bài toán chưa có lời giải, người dân ở đây hầu hết đang phải “tự lo lấy thân mình” bằng các giải pháp như: đi xuất khẩu lao động “chui” ở Ănggola, gia nhập chợ lao động ở các ngã ba, ngã tư TP Vinh, vào Nam làm thuê… còn “quan phụ mẫu” thì vẫn đang trong tình trạng “quá chén” trong giờ hành chính!

Chứng kiến tình cảnh này, chúng tôi liên tưởng đến thái độ vô trách nhiệm, bàng quan của vị “quan phụ mẫu” trong câu chuyện “Sống chết mặc bay" (sách Ngữ văn lớp 7): Dân làng X, phủ X đang phải đối mặt với nguy cơ đê vỡ. Họ đang cố gắng hết sức để cứu con đê, bảo toàn tính mạng và cuộc sống của mình. Trong khi ấy, trong đình cao mà vững chãi, những người có trách nhiệm hộ đê là quan phủ và các chức sắc đang ăn chơi, hưởng lạc, lãng quên đám con dân đang cực khổ trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Và đúng lúc quan sung sướng vì ù ván bài to nhất cũng là lúc đê vỡ, dân chúng lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Khi có người chạy vào nói: "Bẩm... quan lớn... đê vỡ mất rồi!", quan liền quát: ".... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù…! Có biết không?..." rồi đuổi ra...

Ngày nay, tình trạng “công bộc” của dân ăn lương Nhà nước (từ tiền nộp thuế của dân), nhưng “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, làm việc riêng trong giờ hành chính, thiếu văn minh khi tiếp công dân… không phải là vấn đề mới, như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: “Có thể giảm 30% số lượng nhân sự mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ cơ quan”, nhưng điều này lại xảy ra với cả “công bộc” chủ chốt của địa phương trong tỉnh ta thì quả là điều đáng buồn!

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải có “liều thuốc đặc trị” làm gương, để chấn chỉnh tình trạng công chức “thiếu tỉnh táo” trong giờ làm việc, để người dân không còn phải trông thấy bóng dáng của những “quan phụ mẫu” quá chén, không đủ năng lực giải quyết công việc như chúng tôi đã từng chứng kiến!


Kính Cận