(Baonghean) -Mình còn nhớ như in cuốn truyện tranh đầu tiên mình có. Đó là một cuốn Đô-rê-môn truyện ngắn (tập 30 nếu trí nhớ của mình chưa quá đát) mua ở một nhà sách nhỏ tẹo chuyên bán văn phòng phẩm giữa chợ Ngã Sáu cũ.
Hồi ấy mình lên 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp một và để “ăn mừng” sự kiện mình biết đọc (tự học lấy chứ không phải bố mẹ nhồi nhét gì đâu, nghĩ lại thấy mình dở hơi từ bé thật), bà dẫn mình ra chợ. Lần đầu tiên mình không phải lẽo đẽo đi sau xem bà mua bán mà mình là người chọn hẳn hoi và bà đi theo sau (để trả tiền, tất nhiên). Nghe có vẻ to tát, thật ra bà chỉ mua cho mình đúng một quyển, mà cũng chẳng đắt đỏ gì. Nhưng những cái đầu tiên bao giờ cũng quan trọng và dù nhỏ nhặt đến đâu bạn cũng chẳng thể nào quên.
Mình đi học. Như một lẽ hiển nhiên, tủ sách của mình đầy lên cùng với số lượng chữ nghĩa mình được nhồi nhét, à quên, bồi đắp. Là một học sinh mối mọt điển hình (ừ thì mười mấy năm đi học cấm có bao giờ trật mất cái giấy khen tiên tiến và mấy quyển vở giấy vừa mỏng vừa xấu mù làm quà), tủ sách của mình cũng hàn lâm khoa học phết chứ đùa đâu. Nào là Hãy trả lời em vì sao, Ông ơi tại sao lại thế, 375 thí nghiệm khoa học dành cho trẻ em (mà mình làm được khoảng mươi trò), lại đến Không gia đình, Tuổi thơ dữ dội, truyện Trạng,... nói chung là văn ôn võ luyện toàn diện tuyệt vời.
Truyện tranh vẫn là một kẻ xâm lược hùng mạnh trong gia tài sách vở, với gần như mọi đầu truyện mà trẻ con đương thời ưa thích (Đô-rê-mon, Thám tử lừng danh Co-nan, Nữ hoàng Ai Cập, Siêu quậy Tép-pi, Bảy viên ngọc rồng,...). Được cái bố mẹ mình không kỳ thị truyện tranh như nhiều bậc phụ huynh khác, mặc dù bố mẹ nào chẳng biết con nít không thích truyện tranh hoạ có bị dở hơi, nhưng biết xong vẫn cấm mới đau? Thế nên trong khi lũ bạn lén lút nhịn ăn sáng để miệt mài đọc truyện trong các quán truyện trước cổng trường thì mình đường đường chính chính nằm trên giường, quạt chạy hết tốc lực, ăn bim bim đọc truyện dưới sự giám sát âu yếm của bố mẹ.
Tuổi thơ dữ dội mà hùng tráng giờ đã xa. Nhiều khi nghĩ lại vẫn thấy trào dâng cảm giác nhung nhớ, biết ơn một cách trìu mến với những nhân vật truyện tranh kinh điển mà đứa trẻ nào cũng biết, đã thổi căng trí tưởng tượng của mình như những quá bóng bay chấp chới trên vùng trời ký ức đầy hoa mộng. Làm sao từng đi qua tuổi thơ mà không một lần ao ước chú mèo máy Đô-rê-mon xuất hiện từ ngăn bàn giúp mình làm bài tập, cưỡi cân đẩu vân cùng khỉ con Sôn-gô-ku và ăn đậu thần đề vụt khoẻ mạnh phi thường, hay dấn thân vào các vụ án ly kì bí ẩn cùng Co nan và nhóm thám tử nhí lớp 1B?
Nhiều người nghĩ truyện tranh không có giá trị giáo dục và tính nhân văn, vì nội dung không thực tế và ngôn từ trong truyện tranh quá đơn giản, nhưng thật ra khi đối tượng truyện tranh nhắm đến là trẻ em thì hà khắc và đòi hỏi tính hàn lâm quá có nên chăng? Nếu như trẻ em ngày ngày cắp năm, sáu cân sách vở tới trường, học thêm học nếm sáng tối mà lúc giải trí đầu óc cũng phải căng như dây đàn thì mới là phi khoa học, phi giáo dục.
Người lớn sau một ngày làm việc căng thẳng cũng còn phải tìm đến những thú giải trí ít nhiều mang tính mua vui chứ giá trị giáo dục thì được bao nhiêu ở những trò nhậu nhẹt, mua sắm, tản chuyện, xem bóng đá, xem phim truyền hình? Chưa kể những truyện tranh chính thống đều mang những thông điệp nhân văn, hướng trẻ em về những điều tốt đẹp, dẫn trí tưởng tượng và sức sáng tạo của chúng bay cao, bay xa, nên quan niệm đọc truyện tranh là vô bổ không thực sự chính xác và mang tính áp đặt.
Không phải tự nhiên mà trẻ con Việt Nam nói riêng và trẻ con trên toàn thế giới nói chung đều ham thích truyện tranh, cũng không phải vô duyên vô cớ mà truyện tranh Nhật Bản trở thành nét tiêu biểu của cả một nền văn hoá. Tất nhiên không phủ nhận việc thị trường truyện tranh còn tràn lan vô tội vạ, nhiều đầu truyện có nội dung chưa thực sự phù hợp với thiếu nhi nhưng vì thế mà đánh đồng truyện tranh là đáng bị cấm đoán, liệu cái nhìn đó có quá phiến diện? Chính vì những gì mà con em chúng ta tiếp xúc cần qua sàng lọc, giám sát nên mới cần bố mẹ ở bên để dõi theo, định hướng mỗi bước các em đi. Nhưng không có nghĩa là tiêm nhiễm, áp đặt cho các em nhũng quan niệm cay nghiệt của người lớn như “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” để rồi các em bị bưng bít, đóng khuôn và có những tuổi thơ không như chúng bạn.
Cũng giống như thời bố mẹ mình mải mê với những trò đánh khăng, đánh đáo để rồi chết đòn với ông bà, ông bà có cấm có đánh nhưng thử hỏi bố mẹ chúng ta xem có ai chẳng từng trốn nhà đi chơi (ngay cả khi vừa lĩnh một trận đòn thừa sống thiếu chết)? Thế nên nếu thời xưa các bậc phụ huynh từng có một tuổi thơ bị “đục khoét” bởi những màn đánh khăng, đánh đáo và những trận đòn, đề rồi lớn lên vẫn nên trò, nên trống thì việc gì mà không để “con sâu” truyện tranh “đục khoét” tuổi thơ của con em mình? Vì con sâu có béo thì rau mới ngon, phải không?
Tâm hồn mình đã bị đục khoét như thế nào?
Hải Triều (Email từ Paris)