Ghi chép:Giao Hưởng


Xuất sắc vượt qua 350 thí sinh lớp đàn anh đến từ 70 quốc gia trên thế giới, mang về cho Tổ quốc tấm Huy chương Vàng môn Vật lý Olempic quốc tế, Nguyễn Tất Nghĩa học sinh lớp 11A3 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu Nghệ An xứng đáng bước lên bục Vinh quang Việt Nam sẽ tổ chức vào dịp Quốc khánh năm nay.

 

761773_small_40346.jpgTại Lễ nhận giải: Trò Nghĩa (2), thầy Nga (3) từ phải sang.

Thành tích xuất sắc của Nghĩa được tích tụ từ mạch nguồn công cha - nghĩa mẹ - ơn thầy. Suốt 62 năm qua "đất học" xứ Nghệ với gần 5 triệu con người, lần đầu tiên đóng góp cho Tổ quốc tấm Huy chương Vàng Olempic đẳng cấp Quốc tế. Muốn gặp để viết bài về cậu bé vàng ấy nhưng ngặt nỗi đang kỳ nghỉ hè, không biết cậu đang về nhà vui chơi cùng bạn bè tại xóm 1, xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, hay lại tiếp tục dùi mài tại "lò" năng khiếu Trường Phan?

Khuôn ngọc

Tôi tìm đến nhà thầy Trần Văn Nga, số 50, đường Văn Đức Giai, phường Hưng Bình TP. Vinh, người trực tiếp bồi dưỡngcho quê hương đất nước được một mầm Vàng. Nhà trường phân công thầy Nga làm chủ nhiệm từ lớp 10A3, lớp 11A3, trực tiếp ôn luyện Vật lý cho Nghĩa 2 năm qua. Thầy Nga đưa Nghĩa sang Iran mang tấm Huy chương Vàng về nước, thầy cho biết, Nghĩa đang có mặt tại kiốt thuê trọ ở gần đây.Trong khi ngồi chờ tôi cố tình gợi chuyện để thầy Nga cho biết về em. Sinh ngày 29/4/1990, Nguyễn Tất Nghĩa có tư duy sắc sảo, mạch lạc, rõ ràng, đặc biệt về kỹ năng làm bài qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp cơ sở đến cấp trung học phổ thông; từ học sinh giỏi huyện, tỉnh, quốc gia cho đến quốc tế.

Trong các kỳ thi học sinh giỏi, Nghĩa có phương pháp trình bày súc tích sáng sủa, ít xẩy ra nhầm lẫn, bài làm trọn vẹn đạt điểm cao trên cả kỳ vọng của thầy. Lớp 11 A3 do thầy Nga làm chủ nhiệm có 32 học sinh, những ngày bình thường thỉnh thoảng thầy đến kèm cặp cho Nghĩa, vài tuần trước thềm các kỳ thi học sinh giỏi, Nghĩa thường đến nhà thầy để thầy trò trao đổi bài tập. Vì khả năng vượt trội của Nghĩa về môn Vật lý, nhà trường dành hẳn chương trình đại cương chuyên sâu bậc đại học để bồi dưỡng riêng cho em thi quốc tế. Luyện thi cho Nghĩa cũng như luyện thi cho các học sinh khác. Thầy trò cùng ôn tập, thầy chuẩn bị tư liệu các loại đề pô tô giao cho học sinh về nhà tự đọc, tự học, tự soạn bài tập. Đến lớp thầy trò cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, làm các dạng bài tập, phát hiện những vướng mắc để cùng nhau trao đổi. Vì phải hoàn thành sớm chương trình ôn luyện cho Nghĩa kịp "mang chuông đọ người", thầy Nga dạy Nghĩa không kể giờ giấc ca kíp, nhiều bữa thầy trò ngụp lặn trong biển kiến thức từ 14h đến 19h, có bữa mê mãi tới khuya cả thầy lẫn trò giật mình chưa kịp ăn uống gì.

Sự gần gũi thân thiết thầy trò đã tạo nên động lực giúp Nghĩa bứt phá vươn lên, Nghĩa đền đáp công ơn của thầy bằng kết quả phấn đấu cao nhất của mình. Kiến thức khoa học bao la, nhiều lúc Nghĩa hỏi về đại cương dành cho sinh viên, hoặc những bài toán Quang học trong Vật lý hiện đại em vướng mắc, những lúc ấy thầy trò như đôi bạn thân động viên nhau cùng tập trung suy nghĩ cùng tháo gỡ. Nghĩa học giỏi đều các môn Toán, Hoá, Anh văn, riêng môn Vật lý em luôn đạt kết quả xuất sắc. Là cậu bé có nghị lực không ngại khó ngại khổ, em sớm biết sống tự lập để tu chí học hành. Nghĩa chủ động mượn tài liệu tham khảo của thầy về tự học, nghiên cứu, cập nhật kiến thức cần thiết đối với các kỳ thi học sinh giỏi; chủ động trao đổi bài vở với thầy với bạn, khi gặp phải bài toán khó em chủ động cùng thầy cùng bạn tháo gỡ những vướng mắc.Thầy Nga bộc bạch, thầy trò xác định kết quả dành được trong kỳ thi Vật lý quốc tế tại Iran vừa rồi chỉ là bước khởi động ban đầu, chưa thể đánh giá được gì nhiều. Chỉ biết thầy trò tiếp tục cố gắng học hỏi, tiếp tục đào sâu những vấn đề chưa làm được để Nghĩa có thể dành kết quả cao hơn trong chặng đường dài rộng đang chờ em phía trước.

Thước vàng

Khoảng 20 phút sau, Nguyễn Tất Nghĩa có mặt tại nhà thầy. Nếu nước da màu đồng quê của em không gắn chiếc kính cận, tôi nghĩ dù tinh tường đến mấy người đời cũng khó nhận ra chất "vàng ròng" tiềm tàng trong cậu bé mục đồng. Vì vậy mà câu hỏi đầu tiên của tôi đưa ra không liên quan đến màu sắc tấm Huy chương đã trong tay em, cũng chẳng thể dịu dàng mát mẻ như các cuộc thi Hoa hậu, Thời trang:

- Bố mẹ cháu bao nhiêu tuổi ? Hằng tháng gia đình chu cấp cho Nghĩa triệu mấy?

- Bố cháu là Nguyễn Tất Điểu SN 1956, mẹ Nguyễn Thị Tuất SN 1958. Nhà cháu chưa bao giờ có đủ tiền cho một lúc, bố mẹ thắt lưng buộc bụng gửi cho cháu nhiều lần, tháng cao nhất cháu cộng được 700 ngàn, hầu hết từ 550-600 ngàn!

Khi Nghĩa về Vinh nhập học Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, người mẹ của em đang làm thuê cho quán cơm bình dân tít mù trên huyện vùng cao. Ngôi nhà ngói đổ via có từ năm 1988 chỉ còn lại đứa em út cùng người cha bệnh tật triền miên khan tiền cạn thuốc. Giữa Thành Vinh em thuê trọ trong kiốt chật hẹp, với Nghĩa nó là "biệt thự" vì nằm gần nhà vợ chồng thầy Nga ! Nghĩa ở một mình tự nấu ăn, tự giặt dũ, tự tính toán chi tiêu để không vượt quá 600 ngàn đồng mỗi tháng, suốt 2 năm qua sau giờ tan trường, các bà các chị trong chợ Quán Lau không thể ngờ rằng tấm Huy chương Vàng Olimpic tương lai cũng biết chọn mua từ mớ rau, ký gạo, mắm muối, tương cà... Bốn chị em của Nghĩa lớn lên chưa bao giờ dư dật cái ăn cái mặc, chị cả tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ ĐH Vinh vừa có quyết định về dạy Trường THPT Đô Lương 1, anh thứ hai đang học Đại học Quân sự nước ngoài, cô em út năm nay lớp 7.

- Có khi nào Nghĩa ngậm ngùi trước cái nghèo nhà mình với điều kiện khá giả của các bạn cùng lớp cùng trường ?

- So với các bạn thì nhà cháu khó khăn hơn rất nhiều. Càng so càng lộ ra khập khiểng bác ạ. Những lúc ấy cháu tự nhủ mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa mà học để sớm ghé vai cùng bố mẹ thoát nghèo.

Chuyến ra nước ngoài đầu tiên Nghĩa đã qua chặng đường khá dài từ Hà Nội-Băngkoc- Dubai-Têhêran. Từ Têhêran đi ô tô khoảng 500km mới tới địa điểm thi. Nghỉ ngơi 2 ngày, ngày 15/7 thi môn lý thuyết, hôm sau Hội đồng chấm thi công bố kết quả Nghĩa xuất sắc dẫn đầu Đoàn Việt Nam ngay môn thi đầu tiên, được trao Huy chương Vàng đợt trao đầu tiên. Ngày 17/7 thi thực hành, Nghĩa tiếp tục đạt xuất sắc lần thứ 2 dẫn đầu Đoàn Việt Nam. Sau khi cộng điểm, Nghĩa nằm trong tốp 9 thí sinh thế giới đạt điểm cao nhất của kỳ thi.

Thầy Nga nhớ lại: Khi chưa công bố kết quả thầy rất lo, bởi Nghĩa là học sinh lớp 11 đầu tiên của Việt Nam được Bộ GDĐT cử đi dự thi quốc tế môn Vật lý lớp 12, áp lực tâm lý rất nặng với cả thầy và trò, mong Nghĩa giành Huy chương Đồng là thành công rồi!

- Dẫu có thầy Nga cùng sang Iran với cháu, nhưng gặp các thí sinh người nước ngoài cao to Nghĩa có cảm giác "ớn tóc gáy" không ?

- Nhiều bạn cao to, cháu cao ngang vai các bạn ấy. Cháu không "ớn" vì mình sang đây không để dự thi thể hình, trọng lượng. Môn Vật lý lớp 12 thì đã được các thầy cô rèn cặp kỹ càng, cứ bình tĩnh làm bài thật tốt. Trước khi công bố kết quả, cháu vẫn chưa dám nghĩ dành được Huy chương Vàng.

Thầy Nga bảo cuối chiều công bố kết quả, suốt đêm ấy thầy không sao ngủ được vì không tin đó là sự thật, chỉ mong trời sáng để điện về Việt Nam thông báo tin vui, sáng hôm sau Nghĩa mới biết kết quả:

- Thầy ơi! Ngoài cả điều lớn nhất mà em mong đợi.

- Đó là kết quả từ sự bứt phá của em. Thầy tin kết quả sẽ không thay đổi, giờ thầy trò mình chờ Lễ trao giải nữa mà thôi.

Lần đầu tiên, Việt Nam dành kết quả cao nhất thi Olempic Quốc tế. Trong mấy lần thi trước, Việt Nam dành được 5 Huy chương Vàng, riêng lần này ôm về 2 Huy chương Vàng nâng tổng số Vàng lên 7. Nguyễn Tất Nghĩa trở thành học sinh lớp 11 đầu tiên của Việt Nam dành Huy chương Vàng Olempic lớp 12, là cậu bé vàng Olempic Quốc tế đầu tiên của "đất học" xứ Nghệ.

Thầy trò về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài đã thấy thầy Đậu Văn Mùi - Hiệu trưởng Trường chuyên Phan Bội Châu, thầy Hiệu phó và bố mẹ của Nghĩa đứng chờ trong niềm vui rạng rỡ. Lặng im dưới lòng đất thì đá đỏ cũng như bao thứ đá sỏi khác, nhưng mỗi khi nó được phát hiện được đãi đằng, được gia công chế tác bởi bàn tay khối óc của người thợ siêu nghề, bấy giờ giá trị đích thực của Hồng Ngọc mới hiện hữu trên trần gian. Nghĩ vậy, tôi dành khúc Vĩ thanh tặng thầy Trần Văn Nga. Thầy SN 1976, quê xã Đông Sơn cùng huyện Đô Lương. Tốt nghiệp khoa Lý ĐH Vinh khoá 1995-1999, bảo vệ xuất sắc Thạc sỹ Vật lý ĐH Vinh khoá 1999-2001. Từ năm 2000 là giáo viên Vật lý Trường Chuyên Phan Bội Châu. Trong 2 năm 2004, 2005 thầy bồi dưỡng 12 em chuyên Lý đạt học sinh giỏi cấp quốc gia. Năm 2006 bồi dưỡng 28 em đạt giải Nhất, 5 giải Nhì, 2 giải Ba học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm 2007, thầy đã tập trung bồi dưỡng nên Nguyễn Tất Nghĩa.


G.H