CUỘC CHIẾN MẶT TRẬN THÔNG TIN

Căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ dọc vùng biên giới Himalaya - một trong những biên giới đất liền dài nhất thế giới. Hôm 6/6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết các quan chức quân sự Ấn - Trung đã gặp nhau tại biên giới để “giải quyết hòa bình tình hình ở khu vực”.

Trước thềm cuộc gặp này, các đài truyền hình Trung Quốc đã phát sóng hình ảnh quân đội nước này diễn tập với chiến đấu cơ, xe quân sự chở binh lính di chuyển đến khu vực biên giới. Truyền thông Trung Quốc miêu tả động thái này “thể hiện khả năng của Trung Quốc trong việc tăng cường phòng thủ biên giới khi cần thiết”. 

image_3219770_1362020.jpgBinh sĩ Ấn Độ (cận hình) và Trung Quốc (phía xa) gác tại một điểm kiểm soát chung trên dãy Himalaya. Ảnh: AFP

Đăng bài viết trên tờ Hindustan Times của Ấn Độ, Shishir Gupta, nhà phân tích các vấn đề chiến lược nhận định rằng, hình ảnh truyền thông của Trung Quốc về các cuộc diễn tập của Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA) tại khu vực biên giới là một phần của chiến dịch “áp đảo kẻ thù để khiến đối phương mất đi khả năng đàm phán đã suy yếu”. 

Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều nắm lấy sự ủng hộ của công chúng bằng cách xây dựng chủ nghĩa dân tộc và lời cam kết về sự vĩ đại của đất nước. Giờ đây, cách tiếp cận như vậy đang được minh chứng trong việc đưa tin Trung Quốc đến biên giới ở dãy Himalaya. Mặc dù Ấn Độ trong ngày 6/6 nhấn mạnh đã giảm căng thẳng, song trước những gì truyền thông Trung Quốc đăng tải, Chính phủ Ấn Độ ngày 8/6 đã thay đổi thái độ và lên tiếng mạnh mẽ.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah tuyên bố: “Mọi cuộc xâm nhập vào biên giới Ấn Độ sẽ bị trừng phạt”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nhấn mạnh: “Chính sách của Ấn Độ rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ không gây tổn hại đến danh dự và sự toàn vẹn của quốc gia khác. Nhưng đồng thời chúng tôi sẽ không để bất cứ nước nào vi phạm toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ”.

Trong một bài xã luận đăng tải trong tuần này, tờ báo hàng đầu của Ấn Độ - The Hindu đã đề cập: “Khi binh sĩ Trung Quốc rút quân hoàn toàn mới làm hài lòng Ấn Độ. Điều này có ý nghĩa hơn cả các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao. Cần có chỉ đạo từ Bắc Kinh để quân đội Trung Quốc thực thi điều này. Nếu không, Ấn Độ phải chuẩn bị cho cuộc đối đầu kéo dài và các cuộc tập trận quân sự nhằm đảm bảo Trung Quốc rút quân”. 

Thủ tướng Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp năm 2019. Ảnh: DC

Trong khi truyền thông Trung Quốc công khai về việc triển khai PLA nhằm thuyết phục Ấn Độ lùi bước, thì New Delhi lại đang tạo ra sức ảnh hưởng tương tự, bằng cách xây dựng mối quan hệ quốc tế, liên kết với các quốc gia hiện đang có tranh chấp khác với Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Australia, Mỹ.

Chiến lược này của Ấn Độ đã thu hút sự quan tâm của Bắc Kinh. Trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 9/6, các nhà phân tích quân sự dự đoán rằng “bất đồng biên giới đang xảy ra sẽ không có khả năng kết thúc ngay lập tức, vì các vấn đề cụ thể vẫn cần được giải quyết”. Thế nhưng việc giải quyết những bất đồng thực sự là không rõ ràng, bởi chúng tồn tại từ hàng thập kỷ trước, và chủ yếu được khắc sâu do cả hai bên từ chối chấp nhận lời đề nghị của nhau, cũng như đều muốn củng cố vị thế quân sự tại biên giới. 

XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG THÀNH CÔNG

Nga là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, chỉ đứng sau Mỹ và Brazil về số ca nhiễm, và phản ứng của chính phủ nước này trước dịch bệnh đã từng nhận sự chỉ trích nặng nề ở trong và ngoài nước. Các bác sĩ đầu ngành tại Nga đã miêu tả sự thiếu hụt nghiêm trọng của thiết bị y tế, còn các nhà quan sát đã đặt câu hỏi, liệu Nga có báo cáo sai về tỷ lệ tử vong hay không.

Thế nhưng, những cáo buộc hay chỉ trích đó lần đầu tiên đã được phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov làm rõ trong cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh CNN vào giữa tuần qua, khẳng định Nga đã đối phó được Covid-19 và hệ thống chăm sóc y tế hiệu quả giúp tỷ lệ tử vong thấp. 

Quang cảnh vắng vẻ xung quanh Điện Kremlin trong thời gian thực hiện các biện pháp hạn chế. Ảnh: TASS

Một số ý kiến cho rằng, đại dịch đã khiến hình ảnh của nhà lãnh đạo Putin sứt mẻ đến mức không khôi phục được. Một khảo sát của Trung tâm phân tích Levada Center đánh giá, xếp hạng của Tổng thống Putin đã giảm xuống dưới 60% trong tháng 4 và tháng 5 - thứ hạng chưa bao giờ xảy ra trong suốt 2 thập kỷ cầm quyền. Bác bỏ những lập luận này, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Tổng thống Putin đã tuyên bố nhiều lần rằng, ông không quan tâm đến xếp hạng cá nhân. Trong chính trị, nếu là một chính khách chân chính, bạn không nên nghĩ về xếp hạng cá nhân, bởi nếu chỉ nghĩ về điều đó, bạn không thể đưa ra những quyết định có trách nhiệm”.

Quay trở về thời điểm tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định tình hình tại Nga “trong tầm kiểm soát” và tốt hơn mọi quốc gia khác. Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần sau đó, Nga đã trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai trên thế giới, chính phủ buộc phải trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý về thay đổi Hiến pháp. Bất chấp những cái nhìn nghi ngại, đối với Nga, việc bình tĩnh đối phó là điều quan trọng nhất, mà như ông Peskov nói: “Không có gì bất ổn, ngoại trừ nCov. Nga triển khai xét nghiệm nhiều nhất có thể. Xét nghiệm càng nhiều thì phát hiện càng nhiều”.

Những báo cáo chính thức của Nga về số ca tử vong cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nó thấp một cách đáng chú ý, và gây ra nghi ngờ rằng Nga bằng cách nào đó đã thao túng sự thật và số liệu để tránh chỉ trích nhằm vào Điện Kremlin. Phản bác lại những đánh giá này, phát ngôn viên Dmitry Peskov cho rằng, số lượng ca tử vong thấp là do hệ thống y tế đã phát huy hiệu quả.

Thủ đô Moskva, Nga đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế chống lây lan dịch bệnh kể từ ngày 9/6. Ảnh: The Moscow Times

Đó là những gì giới chức Nga khẳng định, còn nước Nga có thành công trong ứng phó với đại dịch hay không, vẫn đang bỏ ngỏ. Ở một góc độ khác, nhiều tài khoản mạng xã hội của các chuyên gia y tế trên cả nước lại đang miêu tả các bệnh viện đang vật lộn để chăm sóc người bệnh và nhân viên của họ. Trong khi đó, các đối thủ chính trị của Tổng thống Putin đang nhắm vào những gì họ gọi là tuyên bố thành công sớm trong chống lại đại dịch. Phe đối lập cũng đã chỉ trích quyết định gây tranh cãi của chính phủ về việc gửi máy thở và các thiết bị khác hỗ trợ Mỹ, ngay cả khi virus chưa “buông tha” Nga. 

Hiện tại, người dân thủ đô Moskva đã bắt đầu nối lại các hoạt động bình thường kể từ ngày 9/6, khi lệnh đóng cửa được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh được dỡ bỏ sau 2 tháng, mặc dù chính quyền địa phương vẫn thông báo hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. 

Và trong khi hàng ngàn ca nhiễm mới vẫn tiếp tục được ghi nhận, việc chính phủ quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về thay đổi Hiến pháp vào ngày 1/7 tới, được xem như bước đi cuối cùng của Nga nhằm thể hiện sự “bình thường mới”, và các kế hoạch của Điện Kremlin không chậm trễ.