Hạ màn căng thẳng

Thông tin về việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên kế hoạch cho chuyến đi tới Hawaii để gặp gỡ các quan chức chính phủ Trung Quốc, bắt đầu rộ lên từ khi tờ Politico dẫn các nguồn tin thân cận. Tờ South China Morning Post ngày 16/6 dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ hội đàm với ông Dương Khiết Trì, nguyên là Ngoại trưởng Trung Quốc, và hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương vào hôm nay 17/6. Dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa xác nhận về cuộc gặp gỡ ở Hawaii, song khẳng định hai bên vẫn đang tiếp tục giữ liên lạc.

image_6831581_1662020.pngNgoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến có cuộc gặp với nhà ngoại giao cấp cao Dương Khiết Trì của Trung Quốc tại Hawaii. Ảnh: AFP

Mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã đạt ngưỡng trầm trọng trong năm 2020, bất chấp những nỗ lực hàn gắn trước đó. Các quan chức trong bộ máy chính quyền của Tổng thống Trump, mà dẫn đầu là Ngoại trưởng Mike Pompeo đã châm ngòi cho những màn khẩu chiến kịch liệt với Trung Quốc liên quan đến nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng khẳng định, ông có “bằng chứng khủng” về việc Covid-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, mặc dù các cơ quan tình báo của Mỹ và một số đồng minh khẳng định còn thiếu chứng cứ.

Cáo buộc Trung Quốc đã làm lây lan dịch bệnh, và để trừng phạt, chính quyền Tổng thống Trump dường như đã tính đến việc đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại hoặc hủy một lượng trái phiếu chính phủ mà Trung Quốc đang nắm giữ. Bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc còn đấu khẩu về vấn đề Hong Kong, các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của người đàn ông da màu Mỹ George Floyd và các hoạt động quân sự của hai bên ở Eo biển Đài Loan, cũng như ở Biển Đông.

Khi Mỹ - Trung đang ở cao trào cáo buộc, khẩu chiến lẫn nhau, Ngoại trưởng Pompeo đã được miêu tả trên truyền thông nhà nước Trung Quốc như một trong những nhà ngoại giao tồi tệ nhất trong lịch sử. Thậm chí, Trung Quốc gọi Ngoại trưởng Pompeo là “virus chính trị”.

Mỹ - Trung khẩu chiến về Covid-19. Ảnh minh họa: Knowledge @ Wharton

Những chỉ trích lẫn nhau làm cho cạnh tranh chiến lược thêm sâu sắc. Quan điểm chủ đạo của Mỹ, Trung Quốc về cơ bản là đối thủ cạnh tranh, là thù địch. Ngược lại Trung Quốc xem Mỹ là quốc gia tồi tệ và suy yếu, bắt nạt để kiềm chế Trung Quốc. Hơn thế, khi Covid-19 đang từng bước xóa sổ thành tựu kinh tế của Tổng thống Trump, thì nhà lãnh đạo Mỹ coi việc đối đầu với Trung Quốc là thành tố trung tâm trong chiến lược tái tranh cử của ông ta nhằm đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Nhưng giờ đây, khi Tổng thống Trump nhìn nhận ra đối đầu với Bắc Kinh không mang lại giá trị như mong đợi, ông Trump ưu tiên phục hồi kinh tế trong những tháng cuối cùng, trước thềm bầu cử.

Lu Xiang, nhà nghiên cứu tư tưởng Nhà nước thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định rằng, việc tham gia vào trò chơi đổ lỗi với Trung Quốc sẽ không giúp ích gì cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump, hay đánh lạc hướng dư luận về cách Mỹ xử lý đại dịch. Do đó, chính quyền Mỹ cần có động thái để giảm bớt căng thẳng song phương và tạo ra điều kiện cần thiết để thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đã được ký với Bắc Kinh hồi đầu năm nay. Đối thoại Hawaii lần này sẽ có ý nghĩa rất lớn nếu hai bên có thể đạt được sự đồng thuận về quan hệ song phương, ngay cả khi chỉ là đơn giản đề cập trong một tuyên bố chung.

Có thể hàn gắn?

Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc được hình thành trong nhiều thập kỷ, và trở thành đối tác thương mại toàn cầu lớn nhất từ năm 2014. Nhưng giờ đây, giữa các cuộc chiến thương mại và công nghệ, đại dịch bủa vây, và mối quan hệ ngoại giao căng thẳng, các nhà quan sát cho rằng, hai nền kinh tế lớn nhất đang bị ràng buộc bởi trận đại địa chấn.

Mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng từ năm 2019, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: AFP

Vì vậy, quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai cường quốc được đánh giá là mối quan hệ song phương phức tạp nhất. Đặc biệt, đối với Tổng thống Trump lúc này, việc Trung Quốc thực hiện các bước đi trong thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu với Mỹ là ưu tiên hàng đầu. Bởi việc đi đến ký kết thỏa thuận được xem là một trong những thành tựu lớn trong nhiệm kỳ của ông Trump. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu dường như cho thấy Bắc Kinh sẽ không dễ dàng hành động như những gì ông chủ Nhà Trắng mong muốn. Vì vậy, sự tách rời trong quan hệ Mỹ - Trung là điều sẽ sớm xảy ra.

Xét ở góc độ kinh tế, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không còn “gắn kết” ở những khía cạnh phi chiến lược bởi đại dịch đã vô tình phơi bày một số rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là yếu tố rủi ro cho chuỗi cung ứng. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng, cuộc khủng hoảng đã cho thấy sự cần thiết của chuỗi cung ứng mạnh mẽ và đa dạng với các đối tác thương mại đáng tin cậy, và cách phụ thuộc hoàn toàn vào hàng nhập khẩu giá rẻ cho các sản phẩm chiến lược có thể khiến nền kinh tế dễ dàng bị tổn thương trong thời kỳ khủng hoảng. Do đó, thị trường, với tư cách là nền tảng vững chắc của quan hệ thương mại sẽ bị suy yếu.

Trước cuộc họp theo kế hoạch tại Hawaii, tại cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Pompeo, Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell bác bỏ khả năng EU sẽ liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc. Cả EU và Mỹ đều có chung lo ngại về nền kinh tế do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc. Tuy nhiên, EU từ chối đi theo con đường giống Washington.

“Bất kể Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sau là ai, quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiến triển theo hướng cạnh tranh. Cuộc đối đầu này sẽ định hình trật tự thế giới trong tương lai”.

Ông Josep Borrell - Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU

Phó Thủ tướng Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Donald Trump trong lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng ngày 15/1. Ảnh: AFP

Đại dịch trên thực tế đã tạo ra một “khoảng đệm” vừa đủ cho mối quan hệ Mỹ - Trung, thế nhưng quan hệ thương mại song phương lại không tận dụng được điều đó và đang trên đà suy thoái, và sẽ đi theo hướng đối đầu hơn. Mọi sự tập trung hiện tại đều đang dành cho cuộc chiến chống Covid-19 mới ở Bắc Kinh, cũng như cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11. Vì vậy, khó có thể có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của hai nước. Với những bất ổn khó lường đó, “giai đoạn 2” của thỏa thuận thương mại là điều chưa thể xác định.