Đàm phán và mặc cả

Sau rất nhiều lần cảnh báo, cuối cùng, chính quyền Anh vừa qua đã chính thức xác nhận quyết định sẽ không tìm cách gia hạn giai đoạn chuyển tiếp. Trong tuyên bố mới nhất, Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove khẳng định, “nước Anh sẽ không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Vào ngày 1/1/2021, Anh sẽ tiếp quản quyền kiểm soát và giành lại độc lập về chính trị và kinh tế”.

Cần nhắc lại, theo thỏa thuận Brexit, Anh đã rời khỏi các tổ chức chính trị của EU ngày 31/1 đầu năm nay nhưng vẫn ở trong khu vực kinh tế miễn thuế của EU cho đến cuối năm - thời điểm giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa hai bên về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit vẫn bế tắc, thời gian chuyển tiếp này có thể được kéo dài thêm từ 1 đến 2 năm nhưng trong trường hợp nước Anh có đề xuất. Và yêu cầu gia hạn này phải được đưa ra trước ngày 1/7 tới đây.

146anh_015624936_1462020.jpgMối duyên nợ Anh - Liên minh châu Âu (EU) chưa thể chấm dứt. Ảnh: AP

Với tuyên bố mới nhất là không tìm cách gia hạn, dường như chính quyền Anh đang muốn “thử thách” sức kiên nhẫn của Liên minh châu Âu (EU) cũng như kỳ vọng sẽ gây sức ép ngay trước vòng đàm phán với phía EU dự kiến diễn ra hôm nay - 15/6. Ai cũng hiểu, cả hai bên đến nay vẫn còn bất đồng về loạt vấn đề mấu chốt, như quan điểm về vấn đề đánh bắt cá hay thẩm quyền pháp lý của Tòa án công lý châu Âu trong việc xử các tranh chấp có liên quan đến công dân Anh và châu Âu…

Quan trọng và bao trùm nhất, cả hai đều kiên quyết giữ quan điểm của mình và không có dấu hiệu nhượng bộ. Với EU, khối này đeo đuổi quan điểm bất cứ thỏa thuận nào đạt được với Anh cũng đều phải gắn các cam kết của London với duy trì các tiêu chuẩn chung của EU về nhiều lĩnh vực, đảm bảo một sân chơi bình đẳng. Thế nhưng, Anh thì lại không chấp nhận điều đó, bởi rõ ràng, London chọn lựa rời khỏi EU vốn là để không bị tiếp tục trói buộc bởi các quy định và ràng buộc của EU.

Mặt khác, Anh giữ quan điểm cho rằng, nước này đàm phán với EU cũng giống như với tất cả các đối tác khác trong bối cảnh nước này đã thoát ly khỏi châu Âu. Thế nhưng ngược lại, EU vẫn muốn đàm phán với Anh với tư cách là một cựu thành viên của khối trong hàng chục năm qua. Sự “không khớp” từ quan quan điểm cho đến các nội dung cụ thể đã khiến cho 4 vòng đàm phán thời gian qua giữa hai bên “bế tắc hoàn bế tắc”!.

Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết tâm “dứt áo” khỏi EU. Ảnh: Telegraph

Tương lai mờ mịt

Giữa bầu không khí ảm đạm thời gian qua, dư luận kỳ vọng, cuộc họp trực tuyến ngày hôm nay (15/6) giữa Anh và các đại diện EU sẽ trở thành cú huých có thể tháo gỡ phần nào các bế tắc hiện nay. Dự kiến, tham gia cuộc họp sẽ có Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng 3 quan chức cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli. Hai bên cũng đã thống nhất sẽ thiết lập một nghị trình đàm phán mới dày đặc hơn mỗi tuần, thay vì 2-3 tuần một lần như thời gian qua.

Thế nhưng, tuyên bố không tìm kiếm gia hạn giai đoạn chuyển tiếp của chính quyền Anh như một “gáo nước lạnh” vào các nỗ lực của cả hai bên. Bởi điều này đồng nghĩa, đến thời điểm nay, hai bên sẽ chỉ còn hơn 5 tháng ít ỏi để đàm phán một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa quyết định, trong đó quy định toàn bộ mối quan hệ chiến lược lâu dài trong tương lai. Dễ hiểu, càng kéo dài thời gian chuyển tiếp càng không có lợi cho Anh. Vì thế, thái độ cứng rắn của Anh được coi là chiến thuật của London để tìm kiếm những điều khoản có lợi hơn trong đàm phán với EU. Nhưng ngược lại, EU chắc hẳn cũng không khó nhìn thấy “nước cờ” của Anh và sẽ cố gắng giữ thế “cửa trên”. Dù trong phản ứng mới nhất đáp lại tuyên bố của Anh, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic tuyên bố vẫn “để ngỏ khả năng gia hạn giai đoạn chuyển tiếp”.

Đã có rất nhiều các cuộc biểu tình muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu. Ảnh: DW

Đặt trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận nào, trao đổi thương mại, pháp lý cũng như vấn đề công dân giữa hai bên sẽ bị đình trệ nghiêm trọng. Anh cũng có thể sẽ khước từ việc thực thi nghĩa vụ tài chính với Liên minh châu Âu (EU), trong khi hai bên sẽ thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Đồng thời, quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ phải tuân theo các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), rõ ràng là giảm bớt rất nhiều lợi ích cho cả 2 bên so với việc đạt được một thỏa thuận thương mại song phương. Điều này rõ ràng sẽ chẳng có lợi cho cả hai vốn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Mới nhất, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) Anh cho biết, sản lượng của nền kinh tế Anh trong tháng 4 đã giảm 20,4% so với tháng trước - mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được theo dõi vào năm 1997.

Ai cũng nhìn thấy những thiệt hại trước mắt, thế nhưng đến nay, việc nhượng bộ thế nào với mức độ ra sao thì chẳng ai muốn là bên đề xuất trước. Cũng đồng nghĩa, kịch bản không thể đạt được thỏa thuận giữa Anh và EU dù khó xảy ra, nhưng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và tính toán của cả hai bên. Theo giới quan sát, có thể chưa thể ngay lập tức đạt được một thỏa thuận tổng thể trong cuộc họp ngày hôm nay (15/6), nhưng hai bên sẽ cố gắng tìm tiếng nói chung trong một số vấn đề, từ đó đưa ra từng gói thỏa thuận nhỏ hơn trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Đây có lẽ sẽ là kịch bản có thể chấp nhận được cho cả Anh và EU trong giai đoạn khó khăn này!