(Baonghean) -Bắt đầu từ 1/7/2013, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chính thức có hiệu lực thi hành. Thay cho mức cũ 4 triệu đồng, thì theo luật mới, người lao động có thu nhập trên 9 triệu đồng mới thuộc diện chịu thuế. Điều này sẽ có tác động đến tình hình thu ngân sách trên địa bàn.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục thuế Nghệ An xung quanh vấn đề này.
PV: Từ ngày 1/7/2013, mức thu nhập chịu Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN sẽ thay đổi như thế nào thưa ông? Và tác động đó đến tình hình thu ngân sách trên địa bàn như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Tại Điều 1, Luật Thuế TNCN 2012 sửa đổi Khoản 1, Điều 19, Luật Thuế TNCN 2007: Từ ngày 1/7/2003, thuế thu nhập cá nhân có sự thay đổi. Tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế từ mức giảm trừ 4 triệu đồng/ tháng (48 triệu đồng/năm) lên mức giảm trừ là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Tăng mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc từ mức giảm trừ là 1,6 triệu đồng/tháng lên mức là 3,6 triệu đồng/tháng.
Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ làm giảm thu NSNN, thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm thay đổi một số mục tiêu ban đầu của việc ban hành Luật về nguồn thu. Tuy nhiên, Luật Thuế TNCN sửa đổi nhằm đảm bảo công bằng, khuyến khích, thu hút chuyên gia, lao động giỏi có thu nhập cao vào Việt Nam làm việc; tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế; phù hợp với mức thu nhập bị đánh thuế trong khu vực và quốc tế.
Năm 2011, thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh thu đạt 189,7 tỷ đồng. Sang năm 2012 tăng lên 238 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2013 đã thu được 117,5 tỷ đồng. Mặc dù số thuế thu nhập cá nhân hàng năm đều tăng, song trên tổng số thu ngân sách của Nghệ An những năm vừa qua đạt trên 5.000 tỷ đồng thì số thuế thu nhập cá nhân không lớn nên nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến kết quả thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
PV: Cũng từ 1/7/2013 một số thủ tục về nộp thuế theo Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực, cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và có hiêu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan, nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế, gồm 9 nội dung cụ thể như sau:
Sản xuất ke chống bão ở Công ty TNHH Định Nhàn - TP. Vinh. Ảnh: C.L
Thứ nhất: Thay đổi thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt, nhằm tăng cường hiệu quả thu nợ thuế, thuận lợi trong triển khai thực hiện kế toán thuế nội địa. Theo đó, thứ tự thanh toán được quy định như sau: tiền thuế nợ; tiền thuế truy thu; tiền chậm nộp; tiền thuế phát sinh; tiền phạt.
Thứ 2: Bổ sung việc gia hạn nộp thuế đối với trường hợp doanh nghiệp phải di dời cơ sở kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp có nợ thuế do chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước.
Thứ 3: Bổ sung quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần: cho phép người nộp thuế nộp dần tiền nợ thuế trong một khoảng thời gian nhất định (có tính tiền chậm nộp 0,05%/ngày tương đương 1,5%/tháng, 18%/năm). Việc nộp dần tiền thuế được thực hiện trên cơ sở có cam kết của người nộp thuế và bảo lãnh của tổ chức tín dụng để giảm các trường hợp phải cưỡng chế thuế và hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là trong các trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ thuế lớn (do bị phạt từ 1 lần đến 3 lần thuế) và có khó khăn về tài chính trong ngắn hạn.
Thứ 4: Xoá nợ tiền thuế, tiền phạt đối với các khoản nợ khó có khả năng thu hồi sau khi áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ đã kéo dài trong thời hạn 10 năm;
Thứ 5: Bổ sung các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế: trích tiền từ tài khoản của đối tượng tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thông báo hóa đơn không còn giá trị lợi dụng; kê biên bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức hoặc cá nhân đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập hoặc giấy hành nghề;
Thứ 6: Bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về thuế: nâng mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế theo mức lũy tiến 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày và nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% lên 20%.
Thứ 7: Thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về thuế được quy định áp dụng thời hạn truy thu thuế là 10 năm (trước đây quy định là 5 năm) kể từ ngày kiểm tra phát hiện để phù hợp quy định lưu trữ chứng từ trong Luật Kế toán.
Thứ 8: Việc kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế theo tiêu thức đánh giá rủi ro; theo chuyên đề, kế hoạch hàng năm do thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên phê duyệt và kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá một lần trong năm. Quy định này vừa giúp ngành Thuế kiểm soát được mục đích kiểm tra, vừa tránh lạm dụng, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Thứ 9: Sửa đổi các nội dung về quản lý thuế để đồng bộ với các luật khác như: sửa đổi các nội dung về thời hạn khai, nộp thuế và công tác thanh tra thuế để đồng bộ pháp luật về đất đai, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thanh tra..
PV: Xin cảm ơn ông!