(Baonghean) - Hàng năm, Nghệ An gieo trồng trên 185 nghìn ha lúa, với sản lượng lương thực đạt gần 1,2 triệu tấn. Từ năm 2000- 2010, diện tích đất trồng lúa của tỉnh ta đã giảm hơn 5.528 ha, đòi hỏi việc quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất sản xuất lúa, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

rong gần 259 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có hơn 105 nghìn ha đất trồng lúa, ngoài ra còn gần 6.500 ha đất nương rẫy nằm xen kẽ trong các lâm phần. Nhìn chung, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng được sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn. Hàng năm, sản xuất nông nghiệp đã tạo ra gần 1,2 triệu tấn lương thực và các loại nông sản, thực phẩm khác.

Thời gian qua, do chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp nhằm phục vụ cho nhu cầu CNH-HĐH và đô thị hóa, theo thống kê, diện tích gieo trồng lúa hiện đã giảm hơn 5.500 ha so với năm 2000. Tuy nhiên, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh lại tăng 2,17%/năm và sản lượng lúa năm 2012 đã đạt con số gần 980 nghìn tấn. Bên cạnh đó, ngoài sự thay đổi khá lớn về diện tích canh tác, cơ cấu mùa vụ sản xuất cũng có nhiều thay đổi, với xu hướng ổn định diện tích gieo trồng vụ đông xuân khoảng 47- 50% tổng diện tích gieo trồng lúa, diện tích gieo trồng lúa hè thu có xu hướng tăng dần và ngược lại, diện tích gieo trồng vụ mùa có xu hướng ngày càng giảm.

Theo tính toán cũng như dự báo về tốc độ phát triển dân số và năng suất lúa trên địa bàn tỉnh, thì sản lượng thóc cần có để đảm bảo an ninh lương thực ở năm 2015 là 893.895 tấn và đến năm 2030 là 932.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, diện tích gieo trồng lúa hàng năm không được giảm dưới 169.767 ha vào năm 2020 và 163.509 ha vào năm 2030, đi cùng với đó, năng suất lúa phải đạt bình quân 55 tạ/ha năm 2020 và 57 tạ/ha năm 2030.

Giám đốc Sở NN&PTNT- ông Hồ Ngọc Sỹ cho biết: Trong thời gian tới, diện tích đất sản xuất lúa sẽ còn những biến động giảm do quỹ đất phải chuyển cho các mục đích phi nông nghiệp trong quá trình phát triển tất yếu của xã hội.

Theo tính toán, diện tích đất trồng lúa của Nghệ An từ năm 2020- 2030 sẽ giảm gần 13 nghìn ha, trong đó diện tích lúa nước giảm hơn 11.531 ha. Như vậy để đảm bảo an ninh lương thực, phải sử dụng các giống mới, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, tăng vụ, đồng thời áp dụng các tiến bộ KHKT để hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo theo hướng sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu.

Hiện tại, tổng sản lượng lương thực hàng năm của Nghệ An bình quân đạt trên 900 tấn thóc. Theo đó, nếu cân đối lương thực trên địa bàn tỉnh thì không những tự túc đủ mà còn có lương thực làm hàng hóa. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo hàng hóa lâu nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

798336_small_100187.jpg

                                 Dùng máy thu hoạch gặt đập ở Hưng Nguyên.

Ngoài Công ty TNHH Vĩnh Hòa (Yên Thành) đã hình thành được hệ thống sản xuất thu mua lúa, chế biến tiêu thụ gạo với quy mô vài nghìn tấn/năm thì lượng thóc dư thừa chủ yếu được nông dân xay xát thủ công để bán ở các chợ hoặc bán thóc qua thương lái. Việc chưa hình thành được các tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ gạo là một nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, trong kế hoạch những năm tới, tỉnh ta chủ trương dành một phần để sản xuất lúa chất lượng cao, để chế biến lúa gạo xuất khẩu. Việc tổ chức sản xuất phải gắn với thị trường, theo hướng Vietgap và Global Gap, để trước hết là chiếm lĩnh thị trường nội tỉnh với gần 1 triệu người phi nông nghiệp, vừa vươn lên xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu này, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Cùng việc thực hiện các chủ trương, chính sách lồng ghép các chương trình, chúng ta cần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất.

Theo đó, phải làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương tưới tiêu, đường nội đồng và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, tăng cường trồng và bảo vệ rừng để vừa đảm bảo tưới tiêu, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu; có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống lúa một cách hợp lý để tăng khả năng thích ứng với các biến đổi bất lợi của thời tiết.

Đặc biệt, trong quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa, phải gắn với quy hoạch sản xuất lúa nước của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt sẽ gieo cấy khoảng 40 nghìn ha lúa chất lượng cao, ở các vùng nông dân có kinh nghiệm sản xuất như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương và một số diện tích ở Hưng Nguyên, Nam Đàn. Hiện nay, qua khảo nghiệm chúng ta đã xác định được một số giống lúa chất lượng, kể cả lúa lai như Nghi hương 2308, Syn6, BTE1 và lúa thuần như Hương thơm 1, Bắc thơm số 7, AC5, TL6, PC6... Bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm thêm các giống lúa chất lượng khác, chúng ta cũng cần tổ chức tốt hệ thống sản xuất- thu mua- chế biến- tiêu thụ để xây dựng thương hiệu gạo Nghệ An.


Phú Hương