(Baonghean) - Huyện Nghĩa Đàn đã và đang thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) và các vùng lân cận khác, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, chuẩn bị đưa vào trung tâm dạy nghề của huyện. Đây là điều kiện đảm bảo về nguồn lao động cho các dự án có hướng vào trên địa bàn như may mặc, dược, phân bón, nhằm phát huy lợi thế để phát triển dịch vụ công nghiệp, thương mại, chủ yếu vùng dọc đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Nghĩa Đàn cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Những năm vừa qua, việc hình thành một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã thúc đẩy giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng cao. Hiện trên địa bàn có 79 doanh nghiệp hoạt động, tăng 23,4% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư xây dựng các nhà máy, xưởng chế biến gạch Tuynel, bột đá, chế tác đá, mủ cốm, đầu tư xây dựng, chăn nuôi bò sữa... Tại Khu công nghiệp Nghĩa Hội do Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư với diện tích 250 ha, hiện nay, phần quy hoạch và thiết kế xây dựng hạ tầng đã hoàn thành. Hiện Nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm tại KCN Nghĩa Hội với diện tích quy hoạch là 40 ha, với tổng số vốn đầu tư 500 triệu USD, bao gồm Nhà máy chế biến gỗ thanh tổng mức đầu tư 150 triệu USD, công suất 8.800m3/năm và Nhà máy chế biến ván sợi MDF, tổng mức đầu tư 350 triệu USD, công suất 400.000m3/năm.
Điểm nổi bật của Nhà máy chế biến gỗ này là sự kết hợp giữa công nghệ chế biến gỗ thanh và công nghệ chế biến gỗ ván sợi MDF chất lượng cao. Việc sử dụng đồng thời 2 công nghệ này cho phép Nhà máy sử dụng gần như toàn bộ mọi sản phẩm trên cây gỗ, góp phần nâng cao hiệu quả của nghề trồng rừng. Huyện Nghĩa Đàn xác định đây là một trong những dự án lớn, có ý nghĩa kinh tế dân sinh, đặc biệt là phát triển kinh tế rừng nên huyện tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư.
Chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi bò sữa ở Công ty CP Thực phẩm sữa TH.
Bên cạnh đó, Nhà máy sữa của Tập đoàn TH đã bắt đầu đi vào hoạt động, từ ngày 19/5 đã tạo ra lượng sản phẩm cao, giá trị lớn. Sau khi nhà máy vào sản xuất ổn định thì giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phụ trợ cũng sẽ được tăng lên nhanh chóng.
Tại Cụm công nghiệp nhỏ Nghĩa Long (xã Nghĩa Long) có diện tích quy hoạch 25 ha với vị trí địa lý thuận lợi giao thông (ven đường Hồ Chí Minh). Trước đã thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tư đi vào sản xuất: Công ty Phượng Nguyên sản xuất cán chổi sơn, gỗ ép và Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu chế biến đá siêu mịn xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay Công ty Phượng Nguyên đã rút khỏi Cụm công nghiệp.
Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu xây dựng nhà máy chế biến đá siêu mịn xuất khẩu, trên diện tích hơn 3 ha, đã đầu tư 2 dây chuyền chế biến với tổng công suất 54.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho 60 lao động địa phương.
Ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu cho biết: Kế hoạch HĐQT đã thông qua, thời gian tới Công ty tiếp tục thuê đất trong Cụm công nghiệp để tiếp tục đầu tư 2 dây chuyền sản xuất hạt nhựa và bao bì với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, và sẽ tạo việc làm cho 500 lao động. Đây là tín hiệu vui trong công tác thu hút đầu tư không chỉ ở Cụm công nghiệp nhỏ Nghĩa Long mà cả huyện Nghĩa Đàn.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều nhà máy, xí nghiệp hàng năm tạo ra giá trị sản xuất khá lớn. Về công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản có 3 cơ sở đã được đầu tư xây dựng, đó là: Công ty Nguyên Lộc – Sông Đà 2 công suất 750.000 tấn/năm tại Nghĩa Sơn, với Công ty Việt Á công suất 49.000 tấn/năm tại Nghĩa Bình, Công ty Khoáng sản Nghệ An công suất 40.000 tấn/năm tại Nghĩa Lâm.
Đối với công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có Nhà máy gạch Tuynel công suất 10 triệu viên/năm của Công ty Thắng Lợi ở Nghĩa Liên, Nhà máy của Công ty cổ phần VLXD Nghĩa Lộc công suất 10 triệu viên/năm, Công ty kính Tràng An sản xuất gạch Tuynel công suất 40, triệu viên/năm tại Nghĩa Hồng.
Tuy nhiên, do mức đầu tư còn hạn chế nên hiện nay, CCN chưa phát huy được hiệu quả. Theo mức đầu tư đã được phê duyệt, toàn bộ kinh phí xây dựng hạ tầng phục vụ cho công nghiệp đã được phê duyệt là 93 tỷ đồng (theo đơn giá 2010). Thế nhưng, do kinh phí chưa có nên hiện mới chỉ làm được hệ thống đường chính. Hệ thống xử lý nước thải, nền đường và mương thoát nước với 3 bể xử lý và 1 tuyến đường mương với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng, trong 2 năm qua, mới chỉ được đầu tư 6,5 tỷ đồng…
Để tháo gỡ khó khăn trên, trong thời gian qua, huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Về hệ thống điện phục vụ công nghiệp, trong thời gian qua, huyện Nghĩa Đàn đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống điện lưới.
Tại trang trại bò sữa TH, huyện đã bàn giao mặt bằng để ngành Điện lực xây dựng đầu tư trạm trung gian với công suất 110KV. Bên cạnh đó, huyện đã làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Bắc để sớm triển khai dự án nâng cấp đường điện từ 10kv lên 35kv tại CCN Nghĩa Long. Dự kiến, đến tháng 10/2013, dự án sẽ hoàn thành. Từ đây, việc cung cấp điện cho sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn sẽ thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào các CCN, KCN và các vùng lân cận khác, nhất là dọc đường Hồ Chí Minh. Cụ thể là thu hút dự án may mặc vào CCN Nghiã Long, nhằm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn và nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.
Trước mắt, huyện đang tập trung công tác đào tạo nghề để đáp ứng nguồn lao động cho dự án. “Do là một huyện mới chia tách, tiềm lực kinh tế còn khó khăn nên việc thu hút đầu tư, cụ thể là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm do thiếu kinh phí. Vì vậy, huyện mong muốn các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn trước mắt tự bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng và san nền. Sau đó, huyện sẽ làm thủ tục và trình lên UBND tỉnh cấp kinh phí trả lại cho các doanh nghiệp”, ông Lê Quang Nhung chia sẻ.