Kim ngạch xuất khẩu của quý I và II/2013 tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 62 tỷ USD, tuy nhiên mới chỉ đạt 49% kế hoạch năm. Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm 126 tỷ USD thì mỗi tháng còn lại phải đạt khoảng 11 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Tại buổi giao ban trực tuyến hoạt động sản xuất, kinh doanh tháng 6 và 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương ngày 1/7/2013, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, hàng tồn kho giảm, sức tiêu thụ của thị trường nội địa đã có những dịch chuyển về cơ cấu và phục hồi nhẹ… thì hoạt động XK là vấn đề được quan tâm nhiều hơn cả. Bởi lẽ mặc dù kim ngạch XK hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2012, tương đương với gần 8,6 tỷ USD nhưng mới chỉ bằng 49% kế hoạch năm là 126,1 tỷ USD.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Phan Văn Chinh lo ngại: Nếu không có những biện pháp phù hợp thì kim ngạch XK năm nay khó có thể đạt được mục tiêu, do có hai yếu tố “nổi” lên là cơ cấu và tỷ trọng các nhóm hàng XK đang có sự dịch chuyển. Cụ thể: nông, lâm, thủy sản giảm 7% và chỉ chiếm tỷ trọng 15,7% trên tổng kim ngạch XK (cùng kỳ năm trước là trên 19%); XK khoáng sản giảm 10,5% và chỉ chiếm tỷ trọng 8,2% so với 10,2% của cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính của việc sụt giảm này là do giá XK giảm và hạn chế XK khoáng sản. Hiện tại, nhiều mặt hàng nông sản đã bị giảm giá XK từ 15- 25% kể từ đầu năm đến nay. Kim ngạch XK của cả nước đang “dựa” vào phần lớn nhóm hàng công nghiệp chế biến mà trọng tâm là công nghiệp điện tử, da giày, dệt may… XK của nhóm này ước đạt hơn 42,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Cơ hội “cán đích”
Xét theo yếu tố chu kỳ thì XK 6 tháng cuối năm luôn cao hơn 15- 20% so với đầu năm, vì thế Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Nguyễn Tiến Vỵ lạc quan đánh giá: “Nếu không có yếu tố đột biến thì mục tiêu 51% kim ngạch XK còn lại là có thể thực hiện được”. Thận trọng hơn, ông Phan Văn Chinh chỉ ra rằng: Để đạt được kim ngạch như đã tính toán là 127- 128,3 tỷ USD, tăng khoảng 12% trong năm nay thì mỗi tháng phải thu về 11 tỷ USD, tức là cao hơn gần 700 triệu USD so với mỗi tháng đầu năm.
Bên cạnh việc duy trì và mở rộng xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, phối hợp giữa địa phương với các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp (DN) thì ông Phan Văn Chinh cũng đã đưa ra những đề xuất cụ thể từ thực thế. Đơn cử như đang có tình trạng một bộ phận các DN NK nguyên vật liệu phục vụ sản xuất chế biến trong nước phải nộp thuế trước mới được thông quan, nếu không phải có bảo lãnh của ngân hàng.
Ngoài ra, việc hạ tải ngay trong cảng bắt đầu thực hiện đã dẫn đến ùn tắc tại các cảng rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới hàng nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến hàng XK và chi phí của DN. Bên cạnh đó, đối với DN XK nông, lâm, thủy sản đang áp dụng hoàn thuế giá trị gia tăng bằng việc kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Vì thế, nên có cân nhắc đối với các DN lớn để được hưởng “luồng xanh” là hoàn thuế trước, kiểm tra sau để gỡ khó cho DN.