(Baonghean) - Hơn 30 năm nay, nghệ sỹ An Phúc đã trở thành “linh hồn” không thể thiếu trong nhiều vở diễn của Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, với các vai diễn xuất sắc như bác sỹ Hải trong vở "Đôi Mắt"; Bính trong "Chiếc nón bài thơ"; Lân trong "Chuyện tình trong rừng cấm"; Đức vua Khơ Ru Sát trong "Hoàng hậu Ba Tư"; giám đốc Đặng Vinh trong "Soi vào quá khứ"; bác sỹ Nhân trong "Vết chân tròn trong bão tố"... Riêng hình tượng Bác Hồ thì ông có nhiều “duyên nợ” và đã nhiều lần được tin tưởng giao thể hiện. Nói đến ông, nhiều nghệ sỹ, đặc biệt là những nghệ sỹ trẻ không khỏi khâm phục, bởi dù gắn bó với nghiệp diễn chuyên nghiệp đã lâu, nhưng đam mê của ông với nghề vẫn luôn cháy bỏng. Không những thế, ông còn là người thầy, người truyền nghề “mát tay” cho nhiều thế hệ anh chị em diễn viên trong đoàn.
Ở tuổi gần về hưu, không phải ai cũng có nhiều cơ hội để đứng trên sân khấu như nghệ sỹ An Phúc. Bởi nghề diễn viên là một nghề đặc thù, có thể 10 - 15 tuổi đã vào nghề, nhưng chỉ đến khoảng 40 tuổi là đã đến bên ngưỡng kia của nghiệp diễn. Đó cũng là thực trạng của nhiều đoàn nghệ thuật hiện nay, đội ngũ nghệ sỹ đã qua tuổi thanh sắc thì nhiều, mà lực lượng nghệ sỹ trẻ rất ít; hoặc nếu có thì cũng chỉ là nhân viên hợp đồng, ít có sự gắn bó, ràng buộc và thiếu sự ổn định. Giải quyết vấn đề “thừa - thiếu” cục bộ này như thế nào luôn là nỗi trăn trở của các đơn vị. Với Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, cách hay nhất để khắc phục những hạn chế này đó là để mỗi nghệ sỹ ở mỗi lứa tuổi đều có cơ hội để phát huy thế mạnh của mình. Trong đó, những người đi trước có nhiều kinh nghiệm sân khấu sẽ làm nhiệm vụ đào tạo, truyền nghề, hướng dẫn các kỹ năng hát, kỹ năng biểu diễn sân khấu cho giới trẻ. Bên cạnh đó, đoàn cũng cố gắng dựng những kịch bản sân khấu với nhiều nhân vật ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ví dụ như nghệ sỹ An Phúc tuổi cao phù hợp với vai diễn Bác Hồ trong vở “Lời người, lời của non nước”; nghệ sỹ Nguyễn Quế Chung thì đang rất thành công với vai diễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của lòng dân”; nghệ sỹ An Ninh, sau nhiều năm cống hiến trên sân khấu nay lại trở thành người chuyển thể dân ca lão luyện; nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu sau nhiều năm đứng trên sân khấu cũng lui về hậu trường, vừa giữ vai trò quản lý, vừa hoạt động nhiều hơn ở lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ…
Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An liên tục đổi mới các chương trình, xây dựng đa dạng các tiết mục để ngoài biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, còn có thể biểu diễn phục vụ các chương trình khác như hội nghị, các buổi lễ khánh thành, kỷ niệm, thành lập các đơn vị… tạo nguồn thu, đảm bảo đời sống cho anh em trong đoàn. Từ năm 2012 đến nay, sau khi đoàn đổi tên và có thêm chức năng hoạt động, các nghệ sỹ trong đoàn, đặc biệt là những nghệ sỹ có kinh nghiệm được giao nhiệm vụ đảm nhiệm thêm công việc nghiên cứu, sưu tầm và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Nghệ An, tham gia biểu diễn phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Hiện “quân số” trong các đoàn nghệ thuật của tỉnh có gần 120 cán bộ, viên chức, trong đó có hơn 80 nghệ sỹ, diễn viên hưởng lương Ngân sách Nhà nước và gần 50 diễn viên hợp đồng lao động do đơn vị tự trang trải kinh phí. Đây cũng là điều nằm ngoài mong muốn của anh chị em nghệ sỹ, vì ngành biểu diễn nghệ thuật là một ngành đặc thù và khi có tuổi thì dù không muốn cũng buộc phải “giải nghệ”…
Trước thực trạng này, tại Kế hoạch số 537.KH-UBND về việc “Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển đội ngũ công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2015, có tính đến 2020”, UBND tỉnh giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch soạn thảo tờ trình để tham mưu một số chính sách đặc thù cho viên chức ngành Văn hóa, trong đó có đội ngũ văn nghệ sỹ. Đây sẽ là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nghệ thuật về vấn đề dôi dư nghệ sỹ; mở ra cơ hội cho nhiều diễn viên trẻ có điều kiện cống hiến và phát triển. Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn là các đơn vị phải “tự thân vận động”, luôn trăn trở để thay đổi, để thích nghi và tồn tại.
Mỹ Hà