(Baonghean) - Hiện nay, ở Diễn Châu có 14 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống gồm dân ca, ca trù, tuồng, cùng hàng trăm tổ, nhóm văn nghệ do người dân tự thành lập. Hoạt động của các CLB trên tạo nên sức hấp dẫn cho phong trào văn hóa, văn nghệ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần người dân...
Ở Diễn Châu hiện nay vẫn duy trì được 5 đội tuồng tại các địa phương, tuy nhiên chỉ xã Diễn Mỹ thành lập được câu lạc bộ với 30 thành viên, chủ yếu là các cụ cao tuổi. Những năm qua, câu lạc bộ đã có nhiều đêm diễn phục vụ bà con trong thôn, trong xã và các vùng lân cận. Ở đâu tiếng hát của các cụ cũng được đón nhận nồng nhiệt. Câu lạc bộ còn tổ chức các buổi truyền dạy cho các thành viên yêu thích nghệ thuật tuồng. Các cụ đã đóng góp quỹ mỗi năm từ 200 - 300.000 đồng để mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Để động viên các cụ duy trì sinh hoạt, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ mỗi năm từ 1 - 2 triệu đồng. Cụ Hoàng Ngọc Phác – Chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ: Câu lạc bộ duy trì được đến nay là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của bà con nhân dân. Các cuộc biểu diễn phục vụ các ngày lễ của địa phương hay tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng, người dân đều đóng góp thêm kinh phí để câu lạc bộ tập luyện; dù chưa nhiều nhưng đó là sự động viên, khích lệ rất lớn cho các thành viên của câu lạc bộ.
Diễn Thái là xã đầu tiên ở Diễn Châu thành lập được CLB đàn hát dân ca vào năm 2002. Đến nay đã có 24 hội viên tham gia, chủ yếu là anh chị em gắn bó với công việc đồng ruộng. Đây là câu lạc bộ nòng cốt, thường đại diện cho huyện tham gia các cuộc liên hoan dân ca ví, dặm cấp tỉnh. Với tinh thần “tự thân vận động”, các thành viên câu lạc bộ đã đóng góp mỗi người 500.000 đồng/năm làm quỹ để có kinh phí hoạt động, thăm hỏi nhau khi có thành viên ốm đau, hoạn nạn. Ngoài ra, mỗi năm câu lạc bộ cũng nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, bà con nhân dân từ 5 - 7 triệu đồng để tập luyện, biểu diễn. Nguồn kinh phí này có ý nghĩa “trợ sức” rất kịp thời, để câu lạc bộ hoạt động ngày càng hiệu quả. Ông Đinh Nhật Tân – Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Phong trào hát dân ca ở Diễn Thái phát triển mạnh trong nhiều năm qua. Ngoài câu lạc bộ thì ở 10 xóm của xã Diễn Thái thành lập được 10 tổ hát dân ca. Các tổ chức như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh viên, hội người cao tuổi đều thành lập các tổ hát dân ca.
Tại CLB ca trù xã Diễn Hoa, các thành viên cũng luôn xác định phải có tinh thần cống hiến cao. Với niềm say mê nghệ thuật ca trù, các thành viên đã tích cực, tập luyện và biểu diễn phục vụ bà con nhân dân. Họ tự mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn, duy trì sinh hoạt một tuần một lần vào tối thứ 7. Ngoài việc có đủ thành phần như đào, kép, trống chầu thì câu lạc bộ còn có thành viên sáng tác các bài hát mới, nên đã ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, được rất nhiều địa phương cũng như các dòng họ trong và ngoài huyện mời biểu diễn. Chị Lê Thị Loan, thành viên CLB ca trù Diễn Hoa chia sẻ: Thấy bà con còn yêu mến ca trù là chúng tôi phấn khởi, lấy đó làm sự động viên để tích cực hơn nữa duy trì hoạt động của câu lạc bộ.
Với tâm huyết muốn được giữ lại nghệ thuật truyền thống của quê hương, đến nay Diễn Châu đã có 14 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống gồm 6 câu lạc bộ ca trù, 7 câu lạc bộ dân ca và 1 câu lạc bộ tuồng với trên 300 thành viên. Cùng với đó còn có trên 500 đội văn nghệ quần chúng với hàng ngàn hội viên thường xuyên biểu diễn tại các xóm làng. Sự tồn tại của các CLB ở các địa phương của huyện Diễn Châu đã tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống tồn tại vững bền. Sự thụ hưởng văn hóa vì thế cũng sâu rộng tới toàn dân. Dù còn khó khăn, nhưng trong khi chưa có sự hỗ trợ đáng kể từ chính quyền hoặc bên ngoài, việc bản thân các thành viên các CLB tự góp tiền làm quỹ, đông đảo người dân tự nguyện hỗ trợ để tiếp sức cho các câu lạc bộ văn nghệ hoạt động là những tín hiệu vui của đời sống văn hóa hiện nay.
Mai Giang