Khoảng 5h30 sáng 9/10, thuyền trưởng tàu Sunrise 689 Nguyễn Quyết Thắng đã gọi điện về báo, sau nhiều ngày bị cướp biển khống chế, tàu Sunrise và 18 thuyền viên đã được thả tự do, hiện đang về đến vùng biển Việt Nam. Trên tàu có hai người bị thương. Cướp biển lấy mất khoảng 1.500 tấn dầu chở trên tàu.
Kể chuyện bị cướp biển tấn công
Ngay sau khi nhận được tin, ông Đào Văn Quảng - Giám đốc Cty CP đóng tàu Hải Phòng, chủ tàu Sunrise 689 - đã báo thông tin đến Cảnh sát biển Việt Nam, Trung tâm TKCN hàng hải VN và các cơ quan chức năng liên quan. Cảnh sát biển và các đơn vịđã dùng các thiết bị định vị để rà soát và xác định được vị trí của tàu Sunrise, điều động tàu đến cứu giúp.
Ngay sau đó, PV Báo Lao Động liên lạc được với thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng (33 tuổi). Anh Thắng cho biết: Sau khi rời cảng Horizon của Singapore khoảng 10 tiếng (50 hải lý), tàu bị cướp biển tấn công. Khoảng hơn 10t ên cướp biển đi trên hai tàu cá và một ca nô có trang bị súng ngắn và dao. Vì mạn nước rất thấp, nên bọn chúng nhảy lên tàu rất dễ dàng. Lên tàu, chúng khống chế anh em thuyền viên, nhốt tất cả vào một phòng rồi khóa cửa lại và tắt hết các tín hiệu phát sóng. Sau đó, người của toán cướp tự lái tàu đi.
Ngày đầu tiên, toán cướp bỏ đói anh em. Từ ngày thứhai, mỗi ngày chúng cho anh em ăn một bữa. Trong quá trình giằng co với nhóm cướp, máy trưởng Lương Đại hành (52 tuổi) bị gãy xương ngón chân, giập bánh chè đầu gối trái. Thủy thủ Trần Văn Lịch bị đạp ngã trật khớp mắt cá chân phải.
Theo thuyền trưởng Thắng, lúc bị nhóm cướp tấn công, tàu Sunrise 689 đang ở luồng hàng hải quốc tế, có rất nhiều tàu đang hành hải qua khu vực đó, nhưng toán cướp vẫn ngang nhiên áp sát tàu và khống chế anh em thuyền viên. Theo anh Thắng, qua trao đổi bằng tiếng Anh với tên tự điều khiển tàu, có khả năng toán cướp là người Indonesia.
Trong 4 ngày, bọn cướp đã cho tàu áp sát để lấy khoảng 1/3 số dầu trên tàu (tàu chở trên 5.200 tấn dầu), cùng nhiều tư trang, tài sản khác trên tàu. Anh Thắng cho biết, trong số 18 thuyền viên, rất nhiều người mới ra trường hoặc mới đi làm chưa được bao lâu. Vì vậy, khi bị cướp bắt giữ, anh em rất lo lắng. Nhưng với kinh nghiệm đi biển lâu năm và từng bị cướp biển Somali bắt giữ suốt 8 tháng năm 2011, anh đã động viên anh em bình tĩnh. Người viết bài này cũng đã từng gặp gỡ, phỏng vấn anh Thắng khi anh này được cướp biển Somali thả, sau khi phía Việt Nam chuyển tiền huộc 3,6 triệu USD cho bọn cướp.
Đến ngày thứ 4, anh em phản kháng, không thực hiện theo lệnh của chúng, đồng thời đấu tranh với toán cướp, nói rằng do mất tín hiệu tàu quá lâu, chắc chắn cảnh sát biển Việt Nam và các nước đang truy lùng, nên đến khoảng 2h sáng 9/10, bọn cướp tự nhảy xuống tàu của chúng và bỏ đi.
Anh Thắng vừa điều khiển tàu vừa dò dẫm đường đi, khoảng 4-5 tiếng sau thì thấy có sóng điện thoại của Việt Nam nên đã gọi điện về nhà báo tin. “Tôi đoán, địa điểm tàu bị dẫn đến trước khi đám cướp bỏ đi là khu vực giáp Thái Lan” - anh Thắng nói.
Đêm nay (10/0) tàu về đến Vũng Tàu
Chiều 9/10, đại tá Lê Văn Minh - Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - cho biết: Vào lúc 14h cùng ngày, tàu 2004 của cảnh sát biển đã tiếp cận được với tàu Sunrise 689. Cảnh sát biển cũng đã thấy các thiết bị trên tàu bị phá hủy, hai thuyền viên bị thương. Vào lúc 16h ngày 9/10, tàu cách Vũng Tàu hơn 200 hải lý, nên với tốc độ khoảng 7 hải lý/h thì phải đến đêm nay (10/10), tàu mới về đến Vũng Tàu. Hiện tại, tàu Sunrise đang được hai tàu cảnh sát biển 2001 và 2004 bảo vệ và dẫn về đất liền.
Theo đại tá Minh, sau khi tiếp cận tàu Sunrise 689, lực lượng cảnh sát biển đã gặp gỡ với các thuyền viên trên tàu. Bước đầu, cảnh sát biển đã chăm sóc sức khỏe cho các thuyền viên, động viên và đáp ứng một số nhu cầu của anh em sau thời gian bị khống chế.
Theo đại tá Minh, sau khi tàu Sunrise 689 cập cảng, cảnh sát biển sẽ tiến hành điều tra, lấy lời khai từ thuyền trưởng và các thuyền viên, từ đó sẽ có hướng điều tra, xác định vụ việc, đồng thời hỗ trợ chủ tàu trong các thủ tục liên quan. “Hiện tại mới chỉ là các thông báo của thuyền trưởng về việc bị cướp biển tấn công. Chúng tôi sẽ phải điều tra, thẩm định lại thông tin. Nếu đúng là bị cướp biển bắt giữ, chúng tôi sẽ cùng với tổ chức chống cướp biển quốc tế và cảnh sát biển các nước phối hợp truy bắt đến cùng” - đại tá Minh nói.
Theo LĐO