(Baonghean) - Trong tiến trình “Xây dựng Thành phố Vinh phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm đô thị loại 1 và sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung bộ”, những cây cầu vượt vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng chính là một trong những mạch nối khai thông ùn tắc và là điểm nhấn về cảnh quan của Thành phố Đỏ. Khi màn đêm buông xuống, những chiếc cầu trở nên rực rỡ hơn dưới ánh đèn màu, càng làm tôn thêm vẻ quyến rũ của một thành phố trẻ năng động…
Những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Thành phố Vinh có 3 cây cầu vượt được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đó là cầu vượt Cửa Nam, cầu vượt Quán Bánh và cầu vượt Nghi Kim. Đây chính là những công trình giao thông hiện đại, góp phần cải thiện hoạt động giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn và đem lại hiệu quả kinh tế. Cầu vượt Cửa Nam là cầu vượt đường sắt đầu tiên tại Nghệ An. Cầu được khởi công vào ngày 15/2/2014 với tổng mức đầu tư hơn 435 tỷ đồng. Đến ngày 4/9/2014, cầu vượt tại giao Quốc lộ 46 với đường sắt Bắc - Nam phía Nam Thành phố Vinh chính thức hoàn thành, thông xe đưa vào sử dụng.
Sau đó gần 2 tháng, ngày 26/10/2014, cầu vượt đường sắt thứ hai tại Thành phố Vinh cũng đã được khánh thành và thông xe đưa vào sử dụng. Cầu vượt này nằm ở “cửa ngõ” phía Bắc của thành phố, nút giao thông giữa đường sắc Bắc - Nam (lý trình đường sắt Km314+713) với QL 1A (lý trình đường bộ Km 456+629) tại xã Nghi Kim. Niềm vui nối tiếp niềm vui, đến ngày 31/1/2015, cầu vượt đường sắt của QL46 với QL1A và đường sắt Bắc - Nam ở khu vực Quán Bánh, Thành phố Vinh cũng đã được khánh thành. Cầu vượt có chiều dài 395,5m, bề rộng 12m. Được khởi công xây dựng từ tháng 8/2014, sau 6 tháng triển khai xây dựng, công trình đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ thi công 9 tháng.
Không chỉ giải quyết được vấn đề giao thông, các công trình cầu vượt này đã góp phần tô điểm thêm cho cảnh quan quy hoạch kiến trúc Thành phố Vinh, tạo điểm nhấn về cảnh quan tại những nơi mà chúng bắc qua. Đặc biệt là tại cầu vượt Cửa Nam đã được lắp đặt hệ thống đèn led tạo huyền ảo về đêm, trở thành điểm đến của đông đảo du khách. Bà Nguyễn Thị Vân (63 tuổi), du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cảm xúc được khám phá : “Từ điểm nhìn trên 3 cầu vượt, tôi có thể mở rộng tầm quan sát, thấy rõ một phần của Thành phố Đỏ anh hùng. Thật là thú vị. Đặc biệt là khi khám phá cầu vượt vào buổi đêm. Tôi rất ấn tượng với những ánh đèn, bóng cầu vượt chiếu xuống hồ Công viên Cửa Nam, bên chùa Cần Linh”…
Từ cầu cao có thể nhìn trọn vẹn hồ Cửa Nam nước mênh mang, xa xa là núi Quyết với Phượng Hoàng Trung Đô, gần hơn là chùa Cần Linh bên đầm sen hữu tình. Ngôi cổ tự này trước có tên là Linh Vân Tự, được xây dựng vào năm 886 thời Tiền Lê, đã được Nhà nước quyết định xếp hạng di tích tháng 1/1992. Trước đây, đã từng có hai vị vua đến thăm chùa, đó là Vua Tự Đức và Vua Bảo Đại. Đặc biệt, Vua Tự Đức đã tặng chùa 2 bức vọng bằng chữ Hán với dòng chữ Triện đề: “Vương Triều Đức Tự hiến cúng” cùng bức đại tự Cần Linh, ý nói chùa rất thiêng. Hiện tại, ngôi chùa còn lưu giữ 100 pho tượng thể hiện nghệ thuật điêu khắc tài ba của nghệ nhân đương thời, trong đó có bức tượng quý là Phật Thích Ca đặt tại trung tâm thượng điện. Hè về, ở trên cầu vượt, mọi người có thể thưởng ngoạn đầm sen trắng trước mặt chùa, hít hà hương thơm tỏa lẫn vào gió mang đến cho người sự sảng khoái, thanh tịnh lạ thường. Ngày nay, chùa Cần Linh không chỉ là nơi thờ Phật, sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân quanh vùng, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Từ trên cầu vượt Quán Bánh, Nghi Kim, ta có thể thấy một vùng danh địa rộng lớn của xứ Nghệ. Phía Đông là Thị xã biển Cửa Lò – nằm giữa 2 con sông lớn là sông Lam ở phía Nam và sông Cấm ở phía Bắc. Nơi đây núi Thạch Động vươn cao, đảo Song Ngư và Hòn Mắt trông về. Những ngọn núi Bảng Nhãn, núi Kiếm, núi Lò, hòn Song Ngư đều là những danh thắng gắn liền với những sự tích của danh thần, danh tướng. Cửa Lò còn là mảnh đất gắn với nhiều huyền tích, nơi lưu lại dấu chân của 2 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ trên con đường sinh cơ lập nghiệp; Phía Bắc là Diễn Châu, Nghi Lộc nơi có đền Cuông, Bãi Lữ, nơi diễn ra bi kịch nàng Mỵ Châu bị vua cha An Dương Vương chém đầu và cầm sừng tê rẽ sóng đi xuống biển; Ngôi mộ Mỵ Châu ở La Nham; Giếng Ngọc là giọt máu cuối cùng của Mỵ Châu đọng lại để cho Trọng Thuỷ soi vào và biến thành viên ngọc trai lóng lánh; Đền thờ con gái yêu của Vua Hồ Quý Ly, nằm ở bên Kênh Sắt xanh ngắt, từng có thời đỏ máu trong tích truyện Bạch Y Công Chúa; Nhìn phía Tây đó là Nam Đàn với những danh sơn Đại Huệ, Thiên Nhẫn.
Sự hiện hữu của những cây cầu cùng với sự phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng, đã làm cho gương mặt đô thị Vinh ngày càng khang trang, diễm lệ, hứa hẹn sớm trở thành một thành phố du lịch – dịch vụ.
Thanh Sơn