(Baonghean) - Tố chất âm nhạc được phát hiện từ sớm, hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp ông đã sáng tác, chỉ huy thành công nhiều chương trình  âm nhạc của sân khấu ca kịch Cải lương, Dân ca Nghệ-Tĩnh và nhiều ca khúc độc lập, nhưng chỉ đến khi “Điệu ví giặm là em” ra đời thì nhạc sỹ, NSƯT Quốc Nam mới thực sự được đông đảo khán giả trong và ngoài nước biết đến và coi ông là người làm “sống dậy hồn quê” bằng âm nhạc...
 
Cảm xúc thăng hoa
 
Điều thú vị là ca khúc “Điệu ví giặm là em” được nhạc sỹ Quốc Nam phổ thơ từ bài thơ của một người bạn thân thiết với ông thời phổ thông. Nhạc sỹ  Quốc Nam, tên thật là Trần Quốc Nam, và tác giả thơ Lê Quang Thắng (bút danh Lê Văn) là bạn học cùng lớp của Trường cấp III Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) khoảng những năm từ 1970 đến 1972. Thời kỳ chiến tranh, trường này sơ tán về xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà. Sau đó, Quốc Nam ra Hà Nội được các chuyên gia đào tạo bài bản về âm nhạc và trở về quê hương, còn Lê Quang Thắng vào quân đội rồi “Nam tiến” lập nghiệp. Thi thoảng mỗi năm đôi ba lần gặp gỡ ở quê nhà trong tình cảm “kẻ ở người đi”. 
 
Một buổi sáng Hè năm 2010, ông Lê Quang Thắng từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Tĩnh thăm quê và mời nhạc sỹ Quốc Nam đi ăn sáng. Tại cuộc gặp đó, Lê Quang Thắng tặng ông tập thơ “Quên và nhớ”. Khi lướt qua tập thơ, nhạc sỹ Quốc Nam chợt dừng lại trước bài thơ “Giữa bạn bè nghe hát dân ca xứ Nghệ”. Ngay từ những câu thơ mở đầu đã tìm thấy sự đồng điệu: “Giữa bạn bè đồng lứa đồng hương/ Nghe em hát dân ca xứ Nghệ/ Câu hát ru như một lời thủ thỉ/ Đưa ta về bến bãi tuổi thơ xưa...”. Và Quốc Nam bắt đầu trăn trở “thai nghén” ca khúc “Điệu ví giặm là em”.
 
 
Nhạc sỹ Quốc Nam (trái) trò chuyện với phóng viên
 
 
Từ khi còn là nhạc công, chỉ huy giàn nhạc rồi quản lý Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh, những lần đưa đoàn nghệ thuật đi biểu diễn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Côn Đảo, Tây Nguyên, sang cả Thái Lan... bà con xứ Nghệ xa quê đã để lại trong Quốc Nam những tình cảm vô cùng sâu sắc. Vào một đêm tháng 6/2010, bao suy tư tìm kiếm như đã hội tụ, bao trải nghiệm sâu sắc đã được hồn thơ của bài “Giữa bạn bè nghe hát dân ca xứ Nghệ” chắp cánh, nhạc sỹ Quốc Nam đã viết liền một mạch ca khúc “Điệu ví giặm là em”. Ông gọi điện và hát cho Lê Quang Thắng nghe. Lê Quang Thắng xúc động và khóc “ngon lành” như một đứa trẻ, bởi Quốc Nam thực sự đã làm “sống dậy hồn quê”.
 
Bây giờ, “Điệu ví giặm là em” được rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng thể hiện, có tên trong nhiều album của NSND Thu Hiền, NSƯT Thanh Loan, các ca sỹ Anh Thơ, Tố Nga, Phương Thanh, Thu Trang, Huyền Trang, Bùi Lê Mận, Nguyệt Anh, Thùy Dung... Và chính ca khúc “Điệu ví giặm là em” đã góp phần khiến tên tuổi ca sỹ trẻ Bùi Lê Mận trở nên quen thuộc với công chúng. Cũng có thể khẳng định, Bùi Lê Mận đã “đóng đinh” nghệ danh của mình với “Điệu ví giặm là em”, đó là hạnh phúc của ca sỹ và nhạc sỹ. Nhưng trước đó, người đưa “Điệu ví giặm là em” bước ra công chúng rộng rãi phải kể đến ca sỹ Tố Nga. Ngay từ cuối năm 2010, Tố Nga đã hát và thu audio tặng hội đồng hương xứ Nghệ tại Hà Nội, Sài Gòn và cả nước ngoài.
 
Hầu như cuộc họp đồng hương xứ Nghệ ở mọi miền đất nước đều yêu cầu được nghe “Điệu ví giặm là em”. Năm 2012, Trung tâm truyền hình VTV1 tại Đà Nẵng ra gặp nhạc sỹ Quốc Nam để giới thiệu “Điệu ví giặm là em” trong chương trình Tác phẩm mới. Năm 2014, Đài Truyền hình Việt Nam VTC1 giới thiệu tác giả và tác phẩm với 2 giọng hát Tố Nga và Huyền Trang. Đặc biệt, bài “Điệu ví giặm là em” chiếm chỗ đứng vững vàng trong các cuộc thi tiếng hát chuyên nghiệp, nhất là tại Tiếng hát truyền hình – Sao Mai toàn quốc 2013.
 
Giờ thì nhạc sỹ, NSƯT Quốc Nam đã quen với tiếng chuông điện thoại đổ lúc đang nghỉ trưa hoặc nửa đêm về sáng. Ấy là lúc ở một “múi giờ” nào đó các nước trên thế giới: Ba Lan, Nga, Đức, Pháp..., bà con xứ Nghệ đang gặp nhau và hát “Điệu ví giặm là em”, và không quên gọi điện cho tác giả để chia sẻ niềm hạnh ngộ tình quê phía trời xa.


Bài thơ “Giữa bạn bè nghe hát dân ca xứ Nghệ” của Lê Quang Thắng.

Chắp cánh cho câu hò, điệu ví

 
Nhạc sỹ, NSƯT Quốc Nam sinh năm 1952 ở khu phố Bồng Sơn, nay thuộc Thành phố Hà Tĩnh. Theo gia đình đi sơ tán ở Thạch Hương (Thạch Hà), khi còn học cấp 2 Quốc Nam đã may mắn gặp ông nội NSND Châu Loan là cố Nhuyến (Vĩnh Linh) phát hiện năng khiếu và bồi dưỡng. Gia đình cố Nhuyến có gánh hát ở phía Nam cầu Bến Hải, vì chiến tranh nên ly tán người Nam kẻ Bắc, cố Nhuyến đã cõng cháu là NSND Châu Loan ra Bắc vào công tác tại Ban Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam. Được cố Nhuyến “truyền nghề” sớm, những năm học phổ thông trên ghế nhà trường, Quốc Nam đã biết sử dụng các nhạc cụ nhị, đàn bầu, sáo trúc, măng đô lin, ghitar, măngzo... Năm 1970, ông vừa học nghề, vừa trợ giảng cho trường nghệ thuật của tỉnh. Sau đó Quốc Nam đi tu nghiệp tại Hà Nội. Năm 1977 về làm nhạc công thổi sáo tại Đoàn Cải lương Nghệ -Tĩnh, sau một năm thì làm chỉ huy trưởng giàn nhạc, sau đó là Phó đoàn, rồi Trưởng đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh. 
 
Thời kỳ nhập tỉnh 1976 - 1991, Quốc Nam có những chuyến đi thực tế, sưu tầm, sáng tác, gặp gỡ và gắn bó với những vùng quê sản sinh các làn điệu dân ca ví giặm. Được “đằm mình” trong mạch nguồn ví giặm, điều luôn thôi thúc ông là phải làm sao để tạo tác thêm sức sống mới cho âm nhạc truyền thống trong đời sống âm nhạc hiện đại. Vì vậy, ông cũng đã thể nghiệm và ghi dấu ấn với tư cách là người viết nhạc cho nhiều vở diễn của đoàn như: Kim Vân Kiều, Người trong kỳ vọng (vở diễn về cụ Phan Đình Phùng), Tống Trân Cúc Hoa, Hoa khôi dạy chồng... Ông cũng là người kể chuyện về con người và mảnh đất quê hương bằng ca khúc như: Lẽ nào quên em (Về 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc), Hương quê, Những ngôi sao, Tượng đài cây Mẫu tử, Non nước Thiên Cầm, Chốn quê, Đôi bờ ví giặm... Năm 2007, Quốc Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú. 
 
Bài hát "Điệu ví giặm là em" - ca sĩ: Đăng Thuật, Bùi Lê Mận. Nguồn: youtube
 

 
 
Lý giải về sự thành công của ca khúc “Điệu ví giặm là em”, nhạc sỹ Quốc Nam cho rằng đó là bởi bài hát không chỉ mang âm hưởng, mà còn mang đậm phong cách dân gian như tính  đại chúng, dễ hát, dễ đi vào lòng người. Cái khó khi lựa chọn hình thức thể hiện là sáng tác trên nền giai điệu ví giặm nhưng với tiết tấu mới, không làm “cũ hóa” dân ca mà phát huy được cái hay của giai điệu ví giặm trên nền tiết tấu âm nhạc hiện đại. 
 
“Điệu ví giặm là em” được viết ở giọng la thứ (Amoll) hòa thanh, có chuyển thang bậc 7, nhịp 2/4 hát theo nhịp 4/4, không theo nhịp hành khúc mà trữ tình, bài hát có hình thức hai đoạn đơn. Đoạn đầu với 6 câu cách điệu trên âm hưởng Ví giận thương, tiết tấu Abitum mở đầu bằng “Rồi một chiều nghe em hát dân ca...”, đoạn 2 từ “Em cứ đùa anh nỏ cho và nỏ lấy”. Đoạn đầu nằm ở âm giai la, đoạn hai chuyển san âm giai sol, thay đổi màu sắc nhưng thỉnh thoảng vẫn rơi về chủ âm la tạo nên cảm giác trọn vẹn, chặt chẽ. Ca khúc đi trên tempo nhịp rum-ba nhẹ, sử dụng trục của chủ âm la gần với đặc trưng dân ca xứ Nghệ (Lạ - đồ – mí), thi thoảng rơi về âm chủ, đó là ảnh hưởng giao thoa của phong cách “xuống xề” trong cải lương mà Quốc Nam đã từng ít nhiều gắn bó, tạo nên sự gặp gỡ giao thoa, hòa quyện và nâng đỡ nhau rất tự nhiên. “Điệu ví giặm là em” đã thoát thai từ phong cách ví giặm để đi xa hơn, có tính cách đại chúng với nhiều vùng miền hơn. Đó cũng là cách Quốc Nam vừa làm “sống dậy hồn quê” của người xa xứ, vừa là cách để trả ơn vùng đất phương Nam nơi tác giả lời thơ, ông Lê Quang Thắng, và những người Nghệ xa quê đã cho ông cảm xúc để viết nên bản nhạc này.
 
Quốc Nam tâm sự, một đời gắn bó với dân ca ví giặm, đến nay điều thôi thúc ông hằng ngày vẫn nằm trong 6 chữ: “sưu tầm”, “bảo tồn” và “phát triển” giá trị di sản ví giặm. Và ông không lúc nào thôi trăn trở, làm cách nào để chắp cánh cho dân ca ví giặm bay xa... 
 
Ngô Kiên