(Baonghean) - Cơn mưa xuân nhẹ rắc lên những hàng liễu non xanh một màu thầm lặng. Bờ hồ Goong hơi sương giăng mờ huyền ảo, phủ lên không gian quạnh quẽ ngày mới với vẻ đẹp thanh tân đến lạ kỳ. Chậm rãi đếm từng giọt cà phê rơi trong đáy cốc, đưa mắt ngắm trọn cả con đường ven hồ đang he hé sáng lên cùng những đợt sương tan dần trong gió, thấy lòng tĩnh lặng dâng lên thứ tình yêu phố mới…

images1140316_dsc_0068.jpgĐường Phan Sỹ Thục.
 
Có lữ khách nào ghé Thành Vinh mà không biết đến con đường này, góc hồ thơ mộng này? Đường đã làm nên nét duyên cho hồ Goong? Hay chính hồ đã huyền ảo phố? Tôi đã bao lần tự hỏi lòng như vậy, trong vô số lần không thể tính đếm nổi, ngồi trên gác lửng quán cà phê quen nhìn ra mặt hồ gợn sóng. Hồ nên thơ đến độ, khó có thể nghĩ đến sự hòa hợp nào dù là nhỏ nhất với lịch sử tên gọi “Goong” thuở nào. Người già trên phố, vốn là số ít những công nhân của Nhà máy xe lửa Trường Thi năm xưa, thủ thỉ kể về cái “gốc” của hồ Goong một thuở: thời thuộc Pháp, hàng ngàn nhân công khắp vùng An - Tĩnh được huy động để xây dựng một nhà máy xe lửa lớn nhất miền Trung thời bấy giờ. Hàng tháng trời ròng rã, đất ruộng được đào lên, đắp nền cho diện mạo khang trang ấy, để lại một vùng lòng hồ với diện tích hơn 5 ha.
 
Cái tên hồ Goong, xuất phát từ cách gọi chệch chiếc xe goòng mà ngày ngày, phu phen khắp nơi dùng để chuyên chở đất, đá, phục vụ công trình xây dựng bề thế thời bấy giờ. Công trình Nhà máy xe lửa Trường Thi trải bao biến động của thời cuộc, giờ chẳng mấy người còn nhắc nhớ đến, nhưng diện mạo tuyệt mỹ của Hồ Goong cùng những chỉnh trang, kiến thiết không gian hồ thêm phần hòa hợp đã làm nên điểm nhấn cảnh sắc thành Vinh thời hội nhập.
Cùng ngôi nhâm nhi chén nước bên hồ nhìn ra khoảng trông mênh mông cho chúng ta những cảm giác thật thoải mái
 
Con đường Phan Sỹ Thục uốn quanh, ôm lấy vòng hồ thơ mộng như đôi tình nhân không tuổi, bất chấp bốn mùa xuân – hạ - thu – đông vẫn toát lên vẻ quyến rũ rất riêng. Đường vừa trẻ trung, vừa đầy chiêm nghiệm. Thì nào hãy thử ghé đường vào một sáng mùa hạ thênh thang, thấy rười rượi trong lòng nét thanh tân phố mới, với hàng loạt quán cà phê, quán ăn vặt tuổi teen… xập xình nhạc trẻ, dập dìu dáng thanh niên thời đại, vận đồ sành điệu tự tin bước vào chốn quán xá thân quen. Hay muốn ngẫm về phố với dáng vẻ trầm mặc, thì còn ngần ngại gì mà không vãn nhịp sống vội của ngày, dong chuyến xe xuyên giá rét mùa Đông, để thấy từ chính vẻ cằn cỗi của những hàng cây trút lá, sự mờ ảo của màn sương tím buốt, thoáng xôn xao ngoài mặt đường vọng vào… cũng làm nên nốt lặng đầy giá trị của cuộc sống. Cữ mùa này, ngồi trên dọc đường ven hồ đã lát gạch block lục lăng thẫm đỏ, thấy mình như đang sống ở miền thanh sơ mà những vẩn đục chẳng thể nào chạm đến, vân vi dăm ba câu chuyện với người đồng hành thân thiết, ngỡ đời thênh thang đến thế là cùng!
 
Nhưng ấy là tôi đang kể với bạn về những liên tưởng thơ mộng phố, kỳ thực, phố ấy, còn những góc độ thực tế hiện hữu ngày ngày. Mặt đường Phan Sỹ Thục ngoài sôi động dịch vụ kinh doanh, còn được biết đến là nơi tọa lạc của nhiều doanh nghiệp tư nhân. Mấy chục năm về trước, hẳn đường Phan Sỹ Thục còn lổn nhổn diện mạo cấp phối, nhà thưa thớt ngói vảy cá và lem nhem giấy dầu dặm vào. Quãng lâu sau đó, đường cũng chẳng mấy khấm khá lên, gần như nguyên dáng vẻ ấy cho đến mãi đầu thập niên 1990, khi nhiều gia đình lần lượt chuyển đến định cư, dần dà ken dày mặt phố. Nghe bảo thời kỳ trước, đường Phan Sỹ Thục chẳng phải là vị trí được nhiều người lựa chọn, bởi vẻ heo hút mặt hồ Goong gợi nên những nỗi ngần ngại mơ hồ; lẽ khác, mạn phía ấy thời bấy giờ còn vắng cư dân, mới tập trung nhiều ở mấy phố chính trong này. Giờ thì thời thế đổi dời, đường Phan Sỹ Thục mấy năm trước lên cơn sốt đất, nhà mặt đường nhìn ra hồ được xem là “mốt” đắc địa, là thú tận hưởng cuộc sống mới của những gia đình có điều kiện kinh tế. Nhiều người khách phương xa còn ví, đường Phan Sỹ Thục giờ từa tựa như đường ven hồ Tây của Thủ đô Hà Nội…
 
Có người Vinh yêu phố bằng thứ tình yêu vị kỷ, thì khăng khăng rằng, phố ấy là của riêng thành Vinh, chẳng thể giống bất kỳ nơi nào khác trên đời. Phố là phố Vinh không tuổi. Phố cõng nắng, chở mưa, đi qua dặm dài thời gian và xuyên mạch không gian, ấp iu bao kỷ niệm, hồi ức, để người con xa quê trở về tìm đến phố, vẫn thấy vẹn nguyên vẻ đẹp của sự đợi chờ nhẫn nại ấy. Sau quãng dài làm duyên cho nét hồ Goong, đường gấp khúc đổ ra lộ lớn Phan Đăng Lưu. Quãng này, đường xôn xao nhịp sống thường nhật của cư dân đôi mặt phố. Kiến trúc nhà dân nơi đây cũng là điều đáng kể, khi những diện mạo tầng cao hiện đại đã góp thêm vẻ khang trang và hiện hữu khát khao vươn lên của đô thị loại 1. Cư dân bản địa có phần vãn đi nhiều, mấy năm lại nay, dân ngụ cư trên phố chiếm số lượng không nhỏ, nhưng dù là người phương nào đến phố, cũng đều nhanh chóng thấm vào tâm trí sự bình yên dáng phố mà chiêm nghiệm lẽ sống cho riêng mình. Dân phố này, không kể đến những hộ kinh doanh mà chút ồn ã thập phương khó tránh khỏi, thì nổi tiếng với lối sinh hoạt giản dị, đoàn kết, thân thiện. Cữ đầu Xuân, năm mới, đi trên phố, ngoài cảm cái vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình toát lên từ hồ Goong, còn rộn ràng vui trước không khí tươi sáng của lá cờ Tổ quốc phấp phới bay, thổi vào hồn người khí thế và niềm tin vận hội tương lai!
 
Bài, ảnh: Phước Anh
 
Tiến sĩ Phan Sỹ Thục - một đại quan tài năng, thanh liêm rất mực mang cốt cách của con người xứ Nghệ. Ông sinh năm 1822 trong một gia đình nông dân nghèo theo đòi Nho học, thân phụ là cụ Phan Sỹ Cung -  một người nhân từ, làm nghề thầy thuốc. Năm 1840, Phan Sỹ Thục đậu Tú tài, năm 1846 đậu Cử nhân, năm 1849 đậu Tiến sĩ. Sau khi đi phúc khảo trường thi Thừa Thiên, trường thi Hà Nội, tháng 4 - 1851, ông được bổ Tri phủ Cam Lộ (Quảng Trị) bắt đầu cuộc đời làm quan dưới triều Nguyễn. Tư tưởng sống thương dân, vì dân là đạo lý lớn của người làm quan được Tiến sĩ Phan Sỹ Thục ghi nhớ suốt đời. Tháng 10 - 1854, làm tri phủ Kiến Thụy - một vùng dân trí không yên, bằng đức độ tài năng của mình, ông đã dần dần làm cho vùng đó yên ổn. Năm 1861, ông được bổ làm Ngự sử đạo Nam Trung, rồi được bổ chức Thị độc quản đạo Phú Yên. Năm 1864, làm đốc học Nghệ An, năm 1868, được điều về Kinh nhận chức Lang trung Bộ Lại. Năm 1872, ông làm Bố chánh Quảng Ngãi, rồi được chọn làm Chánh sứ sang nhà Thanh để giải quyết những vấn đề phức tạp về biên giới. Năm 1876, Phan Sỹ Thục được cử làm Bố chánh Quảng Bình rồi thăng tuần phủ Quảng Trị. Mẫu thân qua đời, ông xin từ chức về chịu tang, mãn tang lại giữ chức cũ. Vua Thành Thái ban chế khen Phan Sĩ Thục là người “mẫn cán gánh vác việc công, đạt nhiều thành tích, nêu cao gương sáng, đáng được lựa chọn ở chốn triều đình” thăng thụ cho ông là Triều liệt đại phu Quang lộc tự Thiếu khanh cử làm đốc học Nghệ An. Đây là lần thứ hai cụ được giao làm Đốc học tỉnh nhà. Tháng Giêng năm Thành Thái thứ 3 (1891) dẫu 70 tuổi ông xin hưu nhưng quan tỉnh yêu cầu lưu lại. Ngày 12 tháng 11 năm ấy Tiên sinh mất tại công sở.