(Baonghean) Trong 4 ngày (4- 8/3), Lễ hội Đền Cuông năm 2012 tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu đã diễn ra trang nghiêm, thành kính, sôi nổi, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Đông đảo du khách thập phương về đền Cuông dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng biết ơn tới công lao của Thục An Dương Vương.

Sáng ngày 7/3, đúng ngày Rằm tháng Hai, dòng người đổ về đền Cuông mỗi lúc một đông. Ai cũng ăn mặc chỉnh tề, trên khuôn mặt mỗi người đều rạng ngời, thành kính dâng lễ vật: hoa tươi, quả ngọt, hương thơm... tưởng nhớ Thục Phán- vị vua đã có công sáng lập nên Quốc gia Âu Lạc.


Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu - Nguyễn Ngọc Võ đánh trống khai hội. Dàn trống hội do TTVH thực hiện. Sau lễ khai hội tại sân đền, tại sân hội tổ chức các hoạt động: khai mạc giải kéo co, biểu diễn võ cổ truyền, các hoạt động văn hoá văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc (chọi gà, đu quay, chơi cờ người...) sôi nổi, hấp dẫn hoà chung tiếng cười của người con đất biển và du khách thập phương về tham gia lễ hội.

773818_small_72197.jpg

                Màn múa sư tử chào mừng khai mạc Lễ hội Đền Cuông.


Cũng như mọi người dân đất biển, năm nào bác Trần Văn Vinh (60 tuổi) ở xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích cũng tạm dừng đi biển để vui hội đền Cuông. Không riêng bác Vinh, nhiều cụ ở xã Diễn An như cụ Tứ, cụ Hải, cụ Trân... tuổi đã ngoài 80, không còn đủ sức để tham gia vào ban đội tế, đội nhạc, đội cỗ... nhưng ngày hội đền Cuông năm nào các cụ cũng về đền dâng hương và tham dự lễ hội.

Đền Cuông thờ Thục An Dương Vương toạ lạc trên núi Mộ Dạ thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Hằng năm, vào dịp Rằm tháng Hai âm lịch, nhân dân trong vùng, du khách thập phương về trẩy hội vui xuân, dâng hương hoa cầu cho mọi điều tốt lành đến với mọi nhà, trời yên biển lặng, cá tôm đầy khoang, ruộng đồng tươi tốt.


Ở đền Cuông không tổ chức lễ hội như ở Cổ Loa mà mỗi năm có một kỳ đại tế lễ tế thần gọi là Quốc tế vào ngày 15 tháng Hai âm lịch. Lễ tế thần phải đủ tam sinh (trâu hoặc bò, lợn và gà). Kỳ đại tế hàng tổng rất long trọng. Khu đền rợp cờ, lọng, tàn. Một lá cờ đại to trên đỉnh tam quan. Trống chiêng vang dậy cả khu rừng. Người về dự lễ, người đi xem đủ lứa tuổi nườm nượp khắp đường. Từ ngày 14/2 (âm lịch) đã bắt đầu lễ cáo yết. Kiệu rước từ làng Cao Ái về.


Năm nay, điều dễ nhận thấy, lễ hội được tổ chức ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo vui tươi, tiết kiệm, an toàn, góp phần giữ gìn và tôn vinh những nét đẹp văn hoá giàu bản sắc quê hương đất biển Diễn Châu. Kết quả đó, trước hết phải kể đến sự quan tâm đúng mức và thích hợp của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, địa bàn nơi có lễ hội diễn ra. Công tác chỉ đạo thông suốt và tuân thủ theo kế hoạch đề ra, phù hợp với đặc điểm lễ hội, đặc điểm địa bàn, dân cư. Tính chất dân gian truyền thống của lễ hội được đề cao hơn. Tất cả đã thể hiện sâu sắc ý nghĩa thành kính và ước vọng của nhân dân, cầu cho "Quốc thái, dân an", mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng, cá bạc đầy khoang, ruộng đồng tươi tốt..., tăng thêm tình đoàn kết giữa các vùng miền.


Có thể khẳng định rằng, qua lễ hội, các giá trị văn hoá của quê hương được bảo tồn và phát huy một cách tích cực. Minh chứng là nhiều loại hình nghệ thuật, thể thao và các trò chơi dân gian lành mạnh, bổ ích và ý nghĩa đã được quan tâm đưa vào lễ hội như: Ca trù, thơ, cờ người, đu quay, kéo co, chọi gà... Tiêu biểu nhất là các làn điệu dân ca, múa sư tử, biểu diễn võ thuật dân tộc.


...23 giờ Rằm tháng Hai, trăng sáng vằng vặc, dòng người đổ về đền, sân lễ hội chật kín người. Thêm vui, thêm say trong không khí Lễ rước Vua và Công chúa vi hành, sau đó là đốt lửa trại. Niềm vui kéo dài thâu đêm, không ai muốn rời xa. Chắc rằng, khi hội đền Cuông khép lại, trong lòng mỗi người có thêm những kỷ niệm đẹp, những niềm vui của những ngày du xuân cùng Lễ hội Đền Cuông.


Thu Hương