(Baonghean.vn) - Trong hàng ngàn kỷ vật kháng chiến hiện đang lưu giữ tại bảo tàng Quân khu 4 có rất nhiều kỷ vật liên quan đến các mẹ, các chị. Đó là các nữ dân quân tự vệ, là những nữ thanh niên xung phong hay chỉ là một người dân rất đỗi bình thường. Qua những kỷ vật đấy, chân dung của Phụ nữ Việt Nam hiện lên thật bất khuất, kiên cường…
Dòng chú thích ngắn ngủi đăng trên cuốn “Nghệ An - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975” về chị “Nguyễn Thị Hường, dân quân xã Thanh Lam (Thanh Chương) với chiếc liềm trong tay đã dũng cảm xông vào buộc tên Mỹ to lớn phải hạ vũ khí đầu hàng” đã thôi thúc tôi đến với Bảo tàng Quân khu 4 để tận mắt xem chiếc liềm đặc biệt đó. Chiếm liềm được làm bằng sắt, đã úa màu thời gian và câu chuyện của chị thuyết minh bảo tàng đã đưa tôi về đường 15A, giữa những ngày ác liệt nhất với trọng điểm Truông Bồn.
Bức thư của chị Võ Thị Tần
Đó là những ngày cuối cùng của tháng 8/1966, khi đấy nhằm mục đích băm nát tuyến đường huyết mạch để ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường Miền Nam nên đế quốc Mỹ liên tục ném bom xuống đường 15. Ngày 27/8, hàng chục máy bay phản lực thi nhau ném xuống Truông Bồn. Lực lượng pháo cao xạ của ta không ngừng bắn trả và một trong nhiều số đó đã bị bốc cháy. Lúc đó, chị Lê Thị Hường đang chăn trâu luân phiên cho hợp tác xã, phát hiện một tên phi công Mỹ nhảy dù xuống rú Tranh cách chị khoảng 50m. Không để cho tên địch kịp tháo dù và liên lạc bộ đàm ứng cứu, với chiếc liềm trên tay chị băng qua con suối, lấy một hòn đá to ném vào đầu gối làm tên phi công khỵu xuống, nhanh như cắt, chị lao đến chụp dù vào đầu hắn, dùng chiếc liềm đánh bay khẩu súng trên tay tên giặc Mỹ bay xuống đồi. Chị quay liềm dí vào đầu hắn: “Nằm im, không tao bắn !”. Tưởng chị có súng và bị bất ngờ trước hành động dứt khoát và dũng cảm của cô dân quân bé nhỏ, tên phi công ngoan ngoãn đầu hàng để cho chị dùng dây dù trói chặt tay và áp giải xuống núi. Xuống đến chân đồi thì lực lượng bộ đội và dân quân của ta đã có mặt kịp thời bắt sống tên thiếu tá phi công giao cho cấp trên.
Ngày một mình bắt tên giặc lái, Nguyễn Thị Hường mới ngoài hai mươi và gia nhập vào “Đội cảm tử rà phá bom mìn”, thuộc dân quân xã Thanh Lam (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) được vài năm. Cùng với anh chị em trong đơn vị đội quân của chị ngoài nhiệm vụ chính là rà phá bom mìn còn vận chuyển và bảo vệ an toàn hàng chục tấn lương thực, đạn dược, khí tài quân sự và các nhu yếu phẩm khác qua vùng bị bắn phá ác liệt. Chiến công của cô gái nhỏ đã được nhiều báo chí ca ngợi như một biểu tượng đẹp của phụ nữ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, cùng với chị Nguyễn Thị Út, chị Nguyễn Thị Định hay “o du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai ở Hà Tĩnh.
Chiếc liềm của chị Nguyễn Thị Hường
Trở vào Hà Tĩnh, câu chuyện khiến nhiều người nghe xúc động là chuyện về 10 cô gái quả cảm ở ngã ba Đồng Lộc. Ngày các chị hi sinh, một chút hạnh phúc nhỏ nhoi cho bản thân thôi cũng chưa kịp thực hiện, "Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu / Ngày bom vùi tóc tai bết đất / Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được / Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang / Cho mọc dậy vài cây bồ kết / Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…” . Sự hi sinh, xả thân không tiếc mình của những cô gái trẻ khiến cho người đời sau và cả những kẻ bên kia chiến tuyến không khỏi khâm phục. Đặc biệt, đọc bức thư mà chị Võ Thị Tần viết gửi mẹ 5 ngày trước khi chị ra đi, chúng ta mới hiểu vì sao những cô gái chưa chồng, những cô gái mới mười tám, đôi mươi lại có thể quả cảm, anh dũng như thế. Bức thư viết trong đêm, viết dưới nòng súng giặc, viết dưới đạn bom khói bụi mịt trời: “Mẹ ơi, chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một lần nữa. Con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên ngã ba Đồng Lộc. Với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa. Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu là đường xá đã bị tan nát vì trận mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt cũng như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con”.
Chiến trường ác liệt là vậy, nhưng mỗi một câu, một chữ trong bức thư lại luôn căng đầy tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng: “Mẹ ơi, ở đây chúng con vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng thắp đèn cho chúng con làm đường. Ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con… Mẹ ơi, dạo này địch bắn phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được những bài hát mới ”…
Đọc những dòng thư đó, không ai nghĩ rằng Võ Thị Tần lại vốn là cô gái út, nhõng nhẽo, được bố mẹ cưng chiều nhất trong nhà. Thế mà chỉ hơn hai năm tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong rồi trực tiếp nhận nhiệm vụ ở đường 15, ở ngã ba Đồng Lộc chị và các chị em trong đơn vị đã trưởng thành và chững chạc lên nhiều lần. Những vần thư cuối cùng mà các chị gửi lại như là một thông điệp, một niềm tin vào ngày chiến thắng. Để rồi dù các chị đã đi xa, nhưng địa danh Ngã ba Đồng Lộc với 10 cô gái Thanh niên xung phong anh dũng, kiên cường thì vẫn sống mãi, trường tồn bất khuất cùng với lịch sử của Dân tộc…
Và câu chuyện về các chị cũng chính là những câu chuyện đẹp nhất về Phụ nữ Việt Nam, những người phụ nữ xứng đáng với 8 chữ vàng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Câu chuyện từ những kỷ vật
Song Hoàng