(Baonghean) - Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân thời gian qua vẫn chưa được chú trọng do ý thức của các doanh nghiệp chưa cao.

Hiện công đoàn các cấp đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân trên cơ sở thực hiện Đề án "Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

 

Trong nhiều năm qua, công đoàn Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh, thuộc Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn luôn được đánh giá là một trong những đơn vị vững mạnh, tiêu biểu trong việc chăm sóc đời sống văn hóa cho cán bộ, công nhân viên.

Tại đây các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, các phong trào đều được duy trì đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong sản xuất kinh doanh. Đời sống công nhân viên luôn được đảm bảo với mức thu nhập bình quân 4.800.000 đồng/người/tháng; các hoạt động thăm hỏi, động viên công đoàn viên đau ốm, khó khăn được tổ chức công đoàn và lãnh đạo công ty quan tâm.

Ông Nguyễn Kim Hòa, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho hay: "Trong bối cảnh chung nến kinh tế sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng quỹ phúc lợi của công ty dành cho việc chăm lo đời sống công đoàn viên luôn đảm bảo. Trong năm 2011, Công đoàn công ty đã tổ chức được 7 chuyến du lịch cho công đoàn viên chức trong đó, có 5 chuyến đi Nha Trang - Đà Lạt; 2 chuyến đi Trung Quốc. Tổng số công đoàn viên chức được đi tham quan du lịch là 166/225 người. Chính nhờ việc tổ chức tốt các phong trào nên trong các hội thao, hội diễn của Tổng Công ty và Liên đoàn Lao động các cấp, công đoàn công ty luôn đạt giải cao".


Tương tự là các tổ chức công đoàn của Công ty cổ phần Gạch ngói Hưng Nguyên, Cảng Nghệ Tĩnh, Nông trường Tây Hiếu I... Đời sống văn hóa của các công nhân luôn được chăm lo đầy đủ với nhiều hoạt động sôi nổi. Trong các công đoàn công ty này đã hình thành các mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao, từ đó tham gia đầy đủ các hoạt động văn, thể trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, hầu như mới chỉ có tại những đơn vị, công ty của Nhà nước nay đã chuyển đổi thì đời sống văn hóa của công nhân mới được chăm lo, đảm bảo tốt; còn với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân thì rất hiếm có đơn vị làm tốt điều này. Theo đó, trong hơn 4.000 doanh nghiệp chỉ có khoảng 1/10 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Như vậy, trong 9/10 số doanh nghiệp còn lại, đời sống văn hóa công nhân viên chưa được quan tâm đúng nghĩa.


Đi sâu tìm hiểu việc nhiều công ty tư nhân mặc dù có rất đông lao động nhưng không có tổ chức công đoàn, thì được biết: Các công ty này đã tìm cách lách luật bằng cách không có tổ chức công đoàn và ký hợp đồng thời vụ ngắn hạn để không đóng bảo hiểm cho công nhân, hoặc quản lý theo mô hình "gia đình trị" bóp nghẹt tổ chức công đoàn. Vì thế, quyền lợi của người lao động đã không được đảm bảo nói gì đến đời sống văn hóa.


Ông Trần Phúc Đông, Phó Ban Tuyên giáo, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho hay: Đời sống văn hóa của công nhân ở nhiều đơn vị có truyền thống lâu nay (các công ty sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp, công thương, xây dựng ) thì vẫn được chăm lo, đảm bảo tốt với các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi. Hạt nhân văn nghệ, thể thao ở các hội diễn, hội thao vẫn chính là những công nhân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đời sống văn hóa của công nhân ở nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong tỉnh chưa được chăm lo cơ bản vẫn do việc phát triển sản xuất kinh doanh theo kiểu manh mún, thiếu bài bản chuyên nghiệp. Làm ăn nhỏ lẻ nên thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí, nhà ở, trường mẫu giáo chưa đồng bộ là điều dễ hiểu; công nhân vẫn theo một nhịp điệu sáng vào ca, chiều tan ca về phòng trọ...

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân vẫn còn có những yếu kém, tồn tại. Đời sống vật chất của công nhân còn nhiều khó khăn, tác động cản trở công nhân lao động tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Trình độ văn hóa, chuyên môn, tư tưởng, nếp sống và tác phong lao động của công nhân còn nhiều hạn chế. Nhu cầu và mức hưởng thụ về văn hóa của công nhân còn nghèo nàn. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Hoạt động văn hóa, thể thao trong công nhân chưa thường xuyên. Môi trường văn hóa doanh nghiệp còn hạn chế.


Trong thời gian tới, đời sống văn hóa của công nhân chắc chắn sẽ được đặc biệt quan tâm chăm lo hơn, nhất là từ xu thế phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà, nhiều khu công nghiệp ra đời, số lượng công nhân trong tỉnh tăng lên. Trong tháng 3 này, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ ra mắt Công đoàn Khu công nghiệp trực tiếp đại diện cho quyền lợi của công nhân lao động ở các khu công nghiệp nói chung. Hoạt động của Công đoàn Khu công nghiệp tập trung vào công tác vận động xí nghiệp, nhà máy; trực tiếp tham mưu để có các hình thức chế tài đối với đơn vị này nếu đời sống công nhân lao động không được đảm bảo.


Ông Nguyễn Tử Phương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho hay: Thực hiện Đề án "Xây dựng đời sống văn hoá công nhân ở các khu công nghiệp đến 2015, định hướng đến 2020 của Chính phủ,Liên đoàn Lao động đang gấp rút xây dựng chương trình hành cộng cụ thể để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành, triển khai.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho công nhân và người sử dụng lao động về xây dựng đời sống văn hóa. Ngoài công tác tuyên truyền, các cấp công đoàn sẽ chủ động tham gia cùng chính quyền đồng cấp đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần của công nhân ở các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, công đoàn các cấp sẽ phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp xây dựng các khu tập thể công nhân; khu nhà trọ công nhân văn minh, sạch đẹp, an toàn. Ngoài ra, sẽ phối hợp với chủ sử dụng lao động xây dựng văn hóa doanh nghiệp với các nội dung: xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương, pháp luật, quan hệ lao động hài hòa, công nhận "Doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa" theo các tiêu chuẩn.


Thành Chung