Tranh chấp vì trâu bò đi lạc

Bản Tân Sơn xã Môn Sơn huyện Con Cuông là một trong những bản xa nhất của xã biên giới Môn Sơn. 204 hộ dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn thả gia súc, trồng keo, mía và một số nông sản khác. Gia súc trâu, bò vẫn thường được thả rông trong các vùng gia trại hoặc các khoảnh đất rừng, đất đồi quanh bản. Bởi vậy, việc trâu bò đi lạc sang nhà khác, nhận nhầm trâu bò vẫn thường xảy ra. Và khi các hộ tranh cãi nhau về vấn đề này, thậm chí xảy ra xô xát ẩu đả thì tổ hòa giải của bản luôn là những người đứng ra “xử án”, trong đó vai trò chủ chốt là ông Hà Văn Cảnh - tổ trưởng tổ hòa giải, trưởng bản Tân Sơn.

bna_ong_ha_van_canh_5754968_112020.jpgÔng Hà Văn Cảnh chia sẻ những kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở. Ảnh trên góc phải: cán bộ tư pháp xã Môn Sơn hướng dẫn người dân làm các thủ tục tại UBND xã. Ảnh: Hoài Thu

Ông Cảnh nhớ lại, năm 2018 trong bản xảy ra xích mích giữa 5 hộ gia đình thả rông bò ở 2 gia trại gần nhau. Đàn bò của mỗi bên khoảng chục con, trong đó có 2 con bò đực đầu đàn có “diện mạo” khá giống nhau và bằng tuổi nhau.

Một hôm, 1 con bò đực bỗng dưng biến mất, vậy nên một hộ ở phía Nam đã tự ý đi bắt con bò đực còn lại về nhà mình và khẳng định đó là bò của mình, mặc dù các hộ khác trong nhóm đều khẳng định không phải bò của ông. Sau khi hai hộ phía Nam và phía Bắc tranh chấp viết đơn mời tổ hòa giải đến xử kiện, tại nhà của hai bên gia đình đã xảy ra tranh cãi, đã ba lần bàn bạc nhưng vẫn không ai chịu ai, cả hai bên đều nhận là bò của mình. Trước tình hình đó, tổ hòa giải yêu cầu dẫn con bò đang tranh chấp thả chung với bầy bò, trong bầy bò đó có con bò mẹ của nó.

Năm 2019, toàn tỉnh có 5 tập thể và 21 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì những thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có ông  Hà Văn Cảnh và ông Phạm Ngọc Khối.  

Mọi người so sánh màu lông bò và kết luận hai con này là bò mẹ bò con, tức là con bò đó là của gia đình phía bắc. Song người bắt giữ bò vẫn không đồng ý. Ông Hà Văn Cảnh lúc đó đã quyết định thả rông tất cả đàn bò và lùa đi lên núi, chỉ giữ lại con bò đực đang tranh chấp. Cả đàn bò nhanh chóng theo đường cũ lên núi tìm cỏ, duy chỉ có con bò mẹ sau khi đi được mấy bước thì ngoái đầu quay lại, cất tiếng kêu để gọi con đi cùng. “Lúc đó, mọi người đều ồ lên vui mừng và đều khẳng định đó chính là hai mẹ con nhà bò. Chính người bắt giữ bò cũng công nhận và đồng ý trả bò. Vậy là tình mẫu tử của bò đã giúp các hòa giải viên “xử án” thành công, hóa giải xích mích giữa các hộ dân” - ông Hà Văn Cảnh vui vẻ kể lại.

Bị hàng xóm giận 10 năm

Cũng là một hòa giải viên, ông Phạm Ngọc Khối xóm 7 xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu năm nay đã 70 tuổi, có thâm niên hơn 30 năm tham gia công tác thôn xóm với vai trò là bí thư chi bộ, trưởng thôn kiêm tổ trưởng tổ hòa giải xóm 7.

Là quân nhân về hưu, ông Khối điều hành, tham gia các phong trào địa phương với tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát. Nói về những vụ việc hòa giải ở thôn xóm, ông Phạm Ngọc Khối cho hay, vài năm lại nay các vụ việc mâu thuẫn gia đình, xích mích giữa các hộ giảm hẳn. Thi thoảng chỉ còn một vài vụ việc tranh chấp đất đai và thường là phải nhờ đến sự can thiệp của cấp xã, cấp huyện.

Trong quãng thời gian mấy chục năm tham gia công tác địa phương, ông nhớ nhất là việc bị bác hàng xóm giận 10 năm khi ông thuyết phục, vận động mở đường xây dựng nông thôn mới.

Các hòa giải viên xã Quỳnh Bá, Quỳnh Thanh huyện Quỳnh Lưu tham gia hòa giải ở cơ sở. Ảnh: Hoài Thu

Ông Phạm Ngọc Khối nhớ lại, đó là những năm đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại cũng chưa thuận tiện. Ban cán sự xóm vận động người dân phát dọn cây cối, hiến đất hiến cây để mở con đường chính dẫn vào xóm. 135 hộ dân của xóm thì phần lớn đều đồng thuận và tích cực ủng hộ. Duy chỉ có 1 hộ gia đình không đồng ý cho phá bụi pheo (tre) của nhà mình. Bụi pheo đó choán gần nửa con đường nhưng nhất định ông không cho phá.

Trước tình thế đó, ông Phạm Ngọc Khối đã trực tiếp đến thuyết phục cụ ông hàng xóm đồng ý cho phá bụi pheo. Trước lúc đến nhà để thuyết phục, ông Khối đã bố trí lực lượng chờ sẵn, chỉ cần ông “ra hiệu lệnh” là phải lập tức chặt phá ngay. Và sau một thời gian khá lâu trò chuyện, tâm sự, thuyết phục, nhân khi cụ ông hàng xóm đã bắt đầu chịu lắng nghe, ông Khối liền bảo với mọi người lập tức “hành động”. Nhờ vậy, con đường mới có thể hoàn thành. Song, “mỗi lần cụ đi qua nhà tôi, tôi cất tiếng chào cụ thật to nhưng cụ giận nên không trả lời. Cụ giận tôi 10 năm đấy, sau này dần dần cụ quên chuyện cũ nên mới vui vẻ trở lại” - ông Phạm Ngọc Khối kể lại.

Cán bộ tư pháp xã Quỳnh Thanh hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Một cửa. Ảnh: Hoài Thu

Lúc kể về những lần hòa giải ở cơ sở, ánh mắt ông Phạm Ngọc Khối lại sáng lên đầy vui tươi. Ông Phạm Ngọc Khối là người thích làm thơ, những vần thơ ca ngợi phong cảnh quê hương, tình nghĩa tốt đẹp giữa con người trong cuộc sống. Ông từng dành toàn bộ số tiền nhận được trong dịp nhà nước trao Huy hiệu 35 năm tuổi đảng để in sách thơ tặng bạn bè. Xin mượn những vần thơ của ông Phạm Ngọc Khối để nói về tấm lòng nhiệt huyết của các hòa giải viên cơ sở, họ là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” với tâm nguyện góp sức mình xây dựng tình đoàn kết xóm làng:

 “Những việc đúng chăm lo thực hiện

Dù khó khăn vững tiến không lùi

Vì nhân dân chớ vì “tôi”

"Dời non lấp biển” ắt thời thành công

 Là người dầy tớ chuyên hồng
 “Trăm nghe, một thấy” chữ ĐỒNG khắc ghi”