Liên tiếp trong nhiều năm qua, dư luận cả nước rúng động về các vụ thảm án đau lòng, gây hoang mang, kinh hãi ở nhiều địa phương. Trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà đối tượng phạm tội và nạn nhân đều là người trong một gia đình, là anh em ruột, là cha con, vợ chồng…
Nguyên nhân của nhiều vụ việc xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình như: tranh chấp đất đai, hôn nhân không hạnh phúc, nợ nần… Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, xảy ra án mạng thì mọi việc mới được sáng tỏ. Và lúc này nhiều người tự hỏi: Cán bộ cơ sở ở đâu, tổ dân phố ở đâu, tổ hòa giải dân cư ở đâu?
Thực tế công tác quản lý tại địa bàn cơ sở cho thấy, ngoài các thành viên thuộc cấp ủy, ban cán sự (hoặc ban quản trị) đều có thành phần và các tổ chức đoàn thể như: Ban (tổ) công tác Mặt trận, chi đoàn thanh niên, chi hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, tổ dân cư, tổ hòa giải...
Nghĩa là tại các thôn, khối, xóm, bản dân cư đều có đầy đủ các thành phần ban bệ tham gia công tác cộng đồng thông qua việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các tổ chức này còn thực hiện việc theo dõi, giám sát đời sống để có giải pháp giữ ổn định địa bàn cơ sở, góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương.
Riêng đối với tổ (hoặc ban, đội) hòa giải dân cư, thành viên của tổ có thể cũng đồng thời là thành viên, hội viên từ chi hội khác hoạt động dưới sự lãnh đạo, hướng dẫn của chi bộ, ban cán sự và ban công tác Mặt trận cơ sở. Thực tế, việc ra đời và hoạt động của tổ hòa giải còn được quy định thông qua Luật Hòa giải năm 2013. Không gì khác - chức năng của tổ hòa giải là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời phản ánh lên cấp ủy cơ sở.
Đặc biệt là tham gia giải quyết mâu thuẫn giữa các hộ dân và mỗi gia đình trong cộng đồng dân cư. Thực tế cho thấy, nhiều mẫu thuẫn nhỏ phát sinh từ nội tại đời sống, sau khi có sự tham gia vận động, giải thích của tổ hòa giải đã được giải quyết. Nên nhớ, nếu mâu thuẫn dù là vụn vặt nếu không được giải quyết triệt để, thấu tình đạt lý sẽ là mối họa âm ỉ về sau.
Vậy nhưng sau khi xảy các thảm án như: anh sát hại cả gia đình em trai tại huyện Đan Phượng - Hà Nội, vụ anh trai cuồng sát cả gia đình em gái ở thành phố Thái Nguyên, hay nhiều vụ án hình sự khác phát sinh từ địa bàn dân cư, người ta đã không nhìn thấy bóng dáng của lực lượng làm công tác hòa giải. Phải chăng, hoạt động của đội ngũ làm công tác hòa giải đang dần mờ nhạt, yếu thế trước sự biến đổi nhanh của cuộc sống, hoặc giả không ai muốn mình “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, cũng có thể công việc này với nhiều người sẽ là “không phải đầu cũng phải tai”...? Trong khi đó, những người tham gia tổ hòa giải gần như không có phụ cấp mà chủ yếu dựa vào nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của họ trước cộng đồng. Họ phần lớn là những đảng viên được cấp ủy cơ sở phân công nhiệm vụ này.
Không nắm bắt được những biến chuyển của đời sống, chưa sát sao cơ sở, không thấu hiểu những mẫu thuẫn tại địa bàn dân cư và không đưa ra được giải pháp xử lý triệt để điểm nóng có thể những lý do bùng phát các sự cố đáng tiếc. Cách đây vài năm ở thành phố Vinh báo chí đưa tin một vụ quyên sinh của một phụ nữ. Chị này thuê một phòng của nhà nghỉ và tìm đến cái chết tại đó. Theo bức thư tuyệt mệnh để lại, người phụ nữ này tìm đến cái chết vì không biết bấu víu vào đâu khi chồng bỏ đi, con bị bệnh mà không có tiền để chạy chữa. Người ta cũng kể cho nhau nghe vụ việc xót xa khác xảy ra ở miền Tây Nam bộ: Một phụ nữ tìm đến cái chết để lấy tiền phúng điếu chữa bệnh cho con…
Chừng đó đã đủ để nhìn thấy những góc khuất bi kịch của đời sống chưa! Nếu như có sự nắm bắt, vào cuộc sớm hơn của các tổ hòa giải, các ban bệ, thành phần tại địa bàn cơ sở thì cuộc sống đã bình yên hơn, đỡ xót xa hơn.