Dự hội nghị về phía Trung ương có các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội 16 tỉnh, thành phố triển khai mô hình thí điểm.
Khẳng định ưu điểm của mô hình
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh, hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Kết quả thực hiện các hoạt động thí điểm về hòa giải và đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp thông tin và bài học thực tiễn phục vụ cho việc hoạch định chính sách và xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thiện Hồ sơ Dự án Luật và trình Quốc hội. Hội nghị lần này nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm về hòa giải, đối thoại trên cơ sở đó đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng pháp luật và triển khai thiết chế này rộng rãi trên toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, ghi nhận những kết quả tích cực của mô hình thí điểm hòa giải, đối thoại tại Nghệ An với tỷ lệ hòa giải thành đạt 82% với tổng số hơn 3.000 vụ việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, việc thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, khiếu kiện hành chính đã được tỉnh Nghệ An triển khai đồng bộ. Sau thời gian thí điểm, mô hình này được đánh giá rất nhân văn, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, góp phần tăng hiệu quả công tác dân vận, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Nêu rõ các kết quả thí điểm mô hình đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, tại các địa phương thực hiện thí điểm, thường trực các Thành ủy, Tỉnh ủy đã quan tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Sau gần 1 năm thực hiện thí điểm, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985/47.492 vụ, việc, đạt 78,08%; đồng nghĩa với việc các tòa án không phải thụ lý 36.985 vụ, việc.
Tại hội nghị, đã có nhiều tham luận trình bày, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả tại địa phương trong thực hiện mô hình hòa giải, đối thoại; trong đó nhiều tham luận được hội nghị quan tâm, đánh giá cao như tham luận về công tác thí điểm hòa giải, đối thoại của Tòa án nhân dân cấp tỉnh của Nghệ An, công tác thí điểm hòa giải, đối thoại của Tòa án nhân dân cấp huyện ở quận Bình Tân,TP Hồ Chí Minh, Tham luận của Hòa giải viên, Đối thoại viên kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả khi đối thoại các khiếu kiện hành chính ở Long An,…
Qua trao đổi, tham luận, hội nghị khẳng định 9 ưu điểm đạt được thông qua thực hiện mô hình đổi mới, tăng cường hòa giải, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố thời gian qua. Trong đó nhấn mạnh việc đã tạo điều kiện cho các bên thực thi quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất. Đồng thời đáp ứng mong muốn của các bên tranh chấp, ít tốn kém chi phí cho đương sự và nhà nước. Trung bình 1 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành qua thí điểm chỉ bằng 22% chi phí cho xét xử sơ thẩm 1 vụ việc dân sự, hành chính; thời gian giải quyết nhanh và đặc biệt là vụ việc được giải quyết kín đáo, bảo mật thông tin.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương lưu ý 2 trong 5 quan điểm về công tác dân vận trong thực hiện mô hình hòa giải đối thoại. Thứ nhất là cần phát huy quyền làm chủ và quan tâm đến lợi ích hợp pháp của nhân dân. Cán bộ đối thoại, hòa giải làm trung gian để hai bên đều được nói, được quan tâm quyền và lợi ích. Thứ hai là góp phần xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, cụ thể là xây dựng hệ thống tòa án trong sạch vững mạnh, xứng đáng là nơi để người dân gửi gắm niềm tin vào công lý, công bằng. "Hòa giải, đối thoại tại tòa án chính là làm công tác dân vận, vì vậy cần phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân" - đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Dịp này, Tòa án Nhân dân tối cao đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 2 cá nhân, Chánh án TAND tối cao tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.