(Baonghean.vn) - Chợ quê Nghệ An là nơi phản ánh không khí đón Tết Nguyên đán rõ nhất ở nông thôn. Càng gần Tết, chợ quê càng nhộn nhịp kẻ bán người mua.
30/01/2022 - 09:22
Tầm 25 tháng Chạp, chợ quê ở các huyện trong tỉnh đã tràn ngập không khí Tết. Hàng hóa trong chợ phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Càng gần Tết, chợ càng nhộn nhịp. Trong ảnh: Chợ Rồng xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn). Ảnh: Hoàng Nam
Những ngày trời nắng ráo, việc đi lại, mua bán khá thuận tiện. Khắp các ngả đường quê, nhà nhà náo nức đi sắm tết. Chợ quê họp tràn ra cổng, thậm chí họp ngay cả trên đường làng. Gió mùa về, đi chợ Tết vất vả hơn. Ảnh: Huy Thư
Chợ quê ngày Tết có nhiều mặt hàng đặc trưng, trong đó lá dong, cây giang là những mặt hàng tiêu biểu nhất. Hiện nay, phần lớn các gia đình ở quê vẫn còn giữ truyền thống gói, nấu bánh Tết, do đó người đi chợ Tết nhất thiết phải mua được những thứ này. Trong ảnh: Hàng lá dong ở chợ Cồn xã Thanh Dương (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
Giá lá dong từ 10.000 - 40.000 đồng/bó (10 lá). Giang 5.000 - 10.000 đồng/ống. Từ 26 - 28 Tết, lá giong, ống giang bán chạy nhất. Ngày tất niên, ai không bán được 2 mặt hàng này coi như ế. Trong ảnh: Niềm vui của một thanh niên xa quê về đi chợ Tết. Ảnh: Huy Thư
Hoa quả chợ quê ngày Tết khá dồi dào. Một số lái buôn đã vận chuyển những xe chuối từ miền Nam về bán ở chợ quê. Do đi đường xa, chuối ngự bán chưng Tết đã chín vàng, giá từ 15 - 30.000 đồng/nải. Ảnh: Huy Thư
Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ mọi nhà dịp Tết, nên các bà, các mẹ đi chợ luôn nhớ để sắm "một nắm trầu cau" . Giá cau quả chợ quê từ 5.000 - 10.000 đồng/quả. Ảnh: Huy Thư
Mong muốn 1 năm mới ngọt ngào, suôn sẻ, nhiều gia đình thường chưng cây mía trong dịp Tết. Chợ quê ngày Tết có nhiều người bán mía. Mía chưng Tết thường chặt sát gốc, để cả ngọn xanh. Một người đàn ông ở xã Thanh Lương (Thanh Chương) đi chợ Tết cho biết, năm nào ông cũng đi chợ Tết để mua mía. Mía tím năm nay khá đắt, ông đã mua 1 cặp mía đẹp với giá 70.000 đồng. Ảnh: Huy Thư
Không khí chợ quê ngày Tết khá nhộn nhịp, lắm kẻ bán, người mua. Thời gian họp chợ cũng kéo dài hơn, họp sớm hơn và vãn muộn hơn. Để phòng dịch Covid-19, người đi chợ Tết ở các địa phương luôn có ý thức đeo mang khẩu trang đầy đủ. Ảnh: Huy Thư
Mỗi dịp Tết, trẻ em vẫn thường được người thân đưa đi chợ mua sắm quần áo mới. Niềm vui được đi chợ Tết và được mua quần áo mới thể hiện rõ trong ánh mắt trẻ thơ. Ảnh: Huy Thư
Những năm gần đây, chợ quê có thêm mặt hàng thư pháp trái cây. Những quả dừa được sơn màu và viết thư pháp trên vỏ quả. Những quả dưa được khắc những dòng chữ "Phúc lộc thọ" , :Vạn sự như ý" hay hình ảnh song ngư, rồng phượng khá đẹp mắt. Trong ảnh: Một thanh niên khắc chữ trên dưa hấu tại chợ Đàng (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
Chợ quê xứ Nghệ thường bán câu đối Tết in trên giấy gắn liền với tục treo câu đối Tết có từ xa xưa. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng nhiều gia đình vẫn lưu giữ nét đẹp truyền thống này... Đi chợ quê ngày Tết để mua sắm, để cảm nhận hương vị Tết quê và để trở về với những hoài niệm ngày Tết thân thương. Ảnh: Huy Thư