NGHỀ KHÔNG BẰNG CẤP

Sinh năm 2002, mặc dù chỉ mới 19 tuổi nhưng Nguyễn Viết Thế (Hà Tĩnh) đã có 3 mùa Tết gắn bó với công việc cắm lan. Thế đến với nghề cắm hoa từ khi chưa được 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 2. “Thành tích học tập của em không tốt, em lại muốn đi làm đỡ đần bố mẹ sớm nên nghỉ học và ra Hà Nội phụ việc tại một shop hoa. Thời gian phụ việc ở đây em nhận ra mình thích công việc này và quyết định lấy toàn bộ tiền công để đóng học phí, học hành một cách bài bản về nghề này luôn” - Thế thổ lộ.

bna_viet_the114634_3012022.jpgĐể có tốc độ cắm lan nhanh, Viết Thế cho rằng người thợ cần có kỹ thuật, sự tập trung và hình dung trước về sản phẩm. Ảnh: D.T

Theo chia sẻ của Thế, mỗi khóa học cắm lan nói riêng và cắm hoa nói chung có mức học phí từ 15-25 triệu đồng cho 15-30 ngày học. Trong thời gian đó, học viên sẽ vừa phụ việc, vừa học nghề. Được đánh giá là có năng khiếu, Thế tiếp thu khá nhanh và thành thạo công việc chỉ sau khoảng 10 ngày học hỏi. Hiện Thế đang làm cho một tiệm hoa và có thể tranh thủ làm thêm ca tối hoặc ngày nghỉ ở những cửa hàng khác. Với mức thù lao 15 nghìn đồng/cành lan, Thế có thể kiếm thêm trên dưới 1,5 triệu đồng trong 3 tiếng.

Ảnh: D.T

Cũng không bằng cấp, không trường lớp bài bản, anh Đinh Văn Quỳnh (Bến Tre) - một thợ cắm lan đã xây dựng tên tuổi của mình chỉ nhờ vào sự khéo léo của đôi tay. Hàng năm, tầm tháng 11 âm lịch là anh và nhóm bạn của mình lại vào Vinh cắm lan thuê. Anh chia sẻ: “Tôi làm nghề đã 5 năm rồi, trước cũng tính công 15 nghìn đồng/cành nhưng nay tay nghề cao hơn, được nhiều người thuê hơn nên họ trả tôi 25 nghìn đồng/cành. Làm tầm 20 ngày trước Tết, mỗi người sẽ có khoảng 20 - 25 triệu đồng”. Tuy công cao hơn nhưng trung bình anh Quỳnh mất khoảng 1 tiếng để cắm xong 10 bông hoa và mất nhiều thời gian nhất ở khâu chọn hoa.

Bên cạnh những khóa đào tạo ngắn hạn, nhiều thợ cắm lan không chuyên tự học kỹ năng qua quan sát và tìm hiểu trên internet. Ảnh: D.T

Dù không bằng cấp nhưng ít nhất Thế và anh Quỳnh đều qua các khóa đào tạo để trở thành thợ. Còn với chị Nguyễn Thị Lan (phường Hà Huy Tập), kiến thức làm nghề được tích góp chỉ từ kỹ năng quan sát và bắt chước. Chị Lan cười: “Tôi vốn làm nghề bán đồ lễ, hoa cúng Rằm. Mấy năm trước, tôi có đi cắm hoa Tết thuê cho người ta, quan sát người ta làm thì mình làm theo. Về nhà thì mở Youtube lên xem, bắt chước. Tự thấy đã thạo việc nên năm nay tôi lấy 500 cốc lan về cắm bán”. Cũng theo chị Lan, để biết cắm lan không khó, nhưng muốn cắm đẹp thì người thợ phải có tư duy thẩm mỹ và sự khéo léo.

CẦN CÓ ĐAM MÊ

Với nhu cầu phong phú của khách hàng, những chậu lan được cắm đủ loại, từ chậu nhỏ để bàn đến chậu lớn trưng ở sảnh, từ chậu 1 màu trang nhã đến chậu 5 màu rực rỡ, từ chậu 1 tầng hoa đến chậu 3-4 tầng hoa… Không chỉ thế, các chậu hoa còn được gắn thêm chủ đề như “Mã đáo thành công”, “Tài lộc”, “Sung túc”, "Thuận buồm xuôi gió"… để thu hút khách hàng. 

Lan được cắm đa dạng theo nhu cầu của khách về giá cả, chủng loại, chủ đề... Ảnh: D.T

Để cắm một chậu lan, người thợ sẽ dựa vào những gì mình có và yêu cầu của khách hàng, từ đó tư duy tổng thể về hình dáng, bố cục, màu sắc… sao cho phù hợp. Bước đầu tiên sẽ là nhồi xốp vào chậu để tạo độ cao cho từng lớp hoa. Sau khi đạt được độ cao đáy chậu hợp lý, người thợ sẽ dùng thanh gỗ mảnh để ghim chặt các cốc lan vào xốp. Từ các chậu sẽ cắm thêm các thanh kim loại dẻo để tạo dáng cho cành lan. Gắn với nhau bằng những cái kẹp càng cua nhỏ hoặc những sợi dây kẽm mảnh, cành lan sẽ đứng lên hoặc sà xuống tùy vào dáng của thanh kim loại. Công đoạn “make up” sẽ là công đoạn cuối cùng. Người thợ sẽ sử dụng những vật liệu trang trí để khéo léo che đi những chỗ chưa đẹp và khiến chậu lan sinh động hơn, vui mắt hơn và gắn với chủ đề Tết hơn… Với những tác phẩm cắm lan lên lũa gỗ còn cầu kì và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nữa.

Chỗ ăn ngủ, làm việc tạm bợ của một nhóm thợ cắm lan miền Nam. Ảnh: D.T

Công việc cắm lan, nhất là những chậu lan kích thước lớn, đòi hỏi người thợ phải đứng liên tục nhiều giờ đồng hồ, cơ thể thường xuyên ở những tư thế gây mỏi như vươn tay, ngước đầu, cúi, khom… Vì vậy, sự khỏe mạnh và dẻo dai là một lợi thế cho những ai muốn làm nghề này. Với thợ cắm lan Tết, những ngày cao điểm nghĩa là sẽ ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, thậm chí không có thời gian để kịp ăn, uống. “Dù mưa lạnh và nhiều muỗi nhưng chúng tôi vẫn dựng bạt ngủ ngay tại cửa hàng để tiện làm việc. Thường thì mọi người sẽ đi ngủ trong trạng thái mỏi nhừ người” - Anh Đinh Văn Quỳnh chỉ vào chiếc giường ghép từ những tấm ván đơn sơ, thổ lộ.

Cắm lan dịp Tết có mức thu nhập cao nhưng người thợ cần có sự đam mê, học hỏi với nghề. Ảnh: D.T

Có chứng kiến người thợ cắm lan mới hiểu rằng, so với công sức đã bỏ ra, thu nhập của nghề này không “hời” như mọi người vẫn nghĩ. Mân mê đôi tay đầy những vết chai, vết sẹo, Nguyễn Viết Thế trải lòng: “Công việc cắm lan Tết là thời vụ nhưng để gắn bó đến cùng thì cần có đam mê. Em mừng vì em đã sớm tìm ra đam mêcủa mình và sẽ quyết tâm theo đuổi nó để trở thành một nghệ nhân cắm hoa có tên tuổi”.