Mặc dù đã bước sang tháng cuối năm nhưng thời điểm này, phía đình Tây chợ Vinh, đầu mối sỉ các mặt hàng bánh kẹo, nước ngọt, các loại mứt, hạt… phục vụ Tết khá yên ắng. Chị Võ Hằng, một tiểu thương kinh doanh bánh kẹo mứt và hải sản khô ở đình Tây chợ Vinh cho biết: “Giờ mới chỉ dám nhập về một lượng ít để chào hàng. Hiện khách sỉ các huyện cũng chưa thấy đặt hàng nên không dám ôm nhiều. Chờ vài tuần nữa xem tình hình dịch bệnh, sức mua của người dân như thế nào mới dám lấy hàng về”.
Bình thường, bắt đầu từ tháng 11 dương lịch thì các tiểu thương ở chợ Ga Vinh đã ồ ạt lấy hàng bán dịp Tết nhưng năm nay lại khá đìu hiu, vắng vẻ. Chỉ một số gian hàng trưng bày một số mẫu bánh kẹo, mứt dán nhãn “Chào Xuân 2022”, “Đón Tết Nhâm Dần”.
Chị Nguyễn Hoa Quỳnh, một tiểu thương chợ Ga Vinh cho biết: “Hàng Tết có bao bì, mẫu thiết kế riêng nên chỉ bán được trong vòng 1 tháng, để qua Giêng là đã lỗi, đã không còn được lựa chọn. Do đó, nếu ôm hàng nhiều trong khi sức mua giảm thì sẽ phải chịu thua lỗ nên đang cân nhắc chỉ nhập một số mặt hàng thật sự thiết yếu, người dân cần”.
Các mặt hàng gia dụng, hàng trang trí cũng sức mua cũng giảm sút mạnh. Tại các chợ lớn trên địa bàn như: Chợ Vinh, chợ Ga Vinh, chợ Hưng Dũng… các quầy hàng hoa lụa, đèn trang trí, cốc, chén, bát, đĩa… khá vắng vẻ, ít người hỏi mua, lượng hàng bán ra nhỏ giọt, không ồ ạt như các năm trước.
Chị Lê Mỹ Dung, chủ một quầy hàng hoa khô và đồ gốm, sứ ở đình chính chợ Vinh cho biết: “Các mặt hàng này thường bán chạy nhất vào thời điểm cuối năm khi các gia đình đều có nhu cầu trang hoàng lại nhà cửa, mua thêm đồ dùng gia dụng song năm nay rất ế ẩm. Dịch bệnh đang khá phức tạp nên hầu như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không tổ chức các hoạt động liên hoan tất niên nên các mặt hàng quà tặng như lọ hoa, cốc, chén, bát, đĩa… bán ra hạn chế, doanh thu giảm khoảng 50-70% so với mọi năm”.
Các mặt hàng thường được ưu tiên mua sắm nhiều vào dịp cuối năm như: đèn nháy, đèn led trang trí, cây cảnh, hoa lụa, hoa khô; đồ gỗ mỹ nghệ; đồ dùng gia dụng… thì năm nay, đều ế ẩm dù giá cả không có nhiều biến động.
Không chỉ các chợ đầu mối ở địa bàn thành phố mà hầu hết các trung tâm mua sắm, các chợ ở nông thôn cũng chung tình cảnh, doanh thu của các ki-ốt ở các chợ giảm 50- 70%, hiện nhiều quầy vẫn đóng cửa nghỉ bán.
Mặt khác, dịch bệnh kéo dài từ đầu năm đến nay, nhất là đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng đến lao động, việc làm, thu nhập của người dân nên việc mua sắm cho tết Nguyên đán sẽ hạn chế hơn các năm trước. Bên cạnh đó, do giá xăng dầu tăng, cước phí vận chuyển tăng nên nhiều mặt hàng đã tăng giá 10-15% khiến các tiểu thương cũng thận trọng khi trữ hàng Tết.
Nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, Sở Công Thương và các doanh nghiệp thương mại đã tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chủ động nguồn hàng, không để xảy ra khan hàng, sốt giá.
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; có phương án bảo đảm hàng hóa, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát vào thời điểm tết Nguyên đán. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ bố trí điểm bán hàng lưu động; chuẩn bị sẵn các điểm trung chuyển hàng hóa kiên quyết không để khan hàng, sốt giá…”.