Quanh quẩn tại nhà
Alberto Pinãr, sinh ra và lớn lên tại Seville, hiện 28 tuổi và làm việc tự do trong 5 năm qua. Anh sống một mình ở trung tâm thành phố phía Nam Tây Ban Nha này, nhưng đã cố gắng xoay xở để có thể về nhà cha mẹ nằm tại khu vực ngoại ô, ngay trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. “Ở đây có không gian làm việc thoải mái hơn, và ít ra thì tôi không phải một thân một mình”, Pinãr chia sẻ.
Không chỉ riêng cuộc sống của Pinãr bị ảnh hưởng, dịch bệnh do chủng mới virus Corona bùng phát đã giáng một cú “thôi sơn” vào Tây Ban Nha. Tính đến ngày 30/3, tại đây đã ghi nhận hơn 85.000 ca dương tính và hơn 7.300 trường hợp tử vong, biến nước này thành quốc gia chịu tổn hại nặng nề thứ hai ở châu Âu do Covid-19. Để kiểm soát virus lây lan, chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố phong tỏa bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 16/3 và gần đây gia hạn đến ngày 12/4. Người dân tự cách ly trong nhà, chỉ được phép rời nơi sinh sống để đi mua lương thực, thực phẩm, đưa thú nuôi đi dạo, chăm nom cho người thân khi cần hoặc đi làm trong trường hợp hết sức cần thiết.
Với họa sỹ truyện tranh Iratxe Fernández, khi có thêm đứa con 1 tuổi đang chập chững tập đi, tình trạng phong tỏa cũng đồng nghĩa với một thế giới đầy căng thẳng. Cả cô cùng chồng đều làm việc toàn thời gian tại nhà trong giai đoạn này, và thay phiên nhau chăm sóc con. “Con gái chúng tôi rất bám bố mẹ. Thật khó để tập trung. Làm việc toàn thời gian và nuôi dạy một đứa trẻ không tương thích với nhau”.
Fernandez ý thức rõ về những quyền lợi mà bản thân đang được hưởng. Sống trong một căn hộ có diện tích khá rộng rãi, còn có cả ban công, vì thế, cô tự cảm thấy có lỗi khi vẫn đòi hỏi có thêm thời gian cho cá nhân: “Chúng tôi yêu con gái vô cùng, vì thế tôi cảm thấy thật tệ khi bản thân khao khát chút thời gian riêng tư một mình. Tôi nghĩ những người khác trong cùng cảnh ngộ như mình có thể sẽ cảm nhận tương tự”.
Cách đó hàng trăm kilomet, tại Madrid, nhà sinh học Italy Massimiliano Saladino đang làm việc tại nhà nhưng việc liệu ông có tiếp tục được tuyển dụng tại một phòng khám hỗ trợ sinh sản hay chăng lại là điều không thể nói chắc. Chẳng ai biết trước chuyện gì sẽ xảy đến, ông hiện đang quanh quẩn với mối lo rằng bản thân có thể chịu ảnh hưởng do quy định tuyển dụng tạm thời của Tây Ban Nha, theo đó các công ty được phép sa thải bớt người lao động trong thời gian phong tỏa.
Nền tảng bị tấn công
Thất nghiệp là một vấn đề không hề nhỏ, nếu không muốn nói là rất lớn tại Tây Ban Nha. Theo một số nguồn tin, Bộ Lao động và An sinh xã hội của nước này đang bị “choáng ngợp” trước hàng loạt yêu cầu xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nền kinh tế của quốc gia tọa lạc trên bán đảo Iberia phụ thuộc nhiều vào cả dịch vụ lẫn du lịch, và được dự báo sắp sửa đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính căng thẳng. Hiện cả 2 lĩnh vực nói trên đang bị đóng băng.
Khoảng 5 triệu người dân, tức 12% dân số Tây Ban Nha, làm việc trong ngành “công nghiệp không khói”. Năm 2019, khoảng 84 triệu du khách tới thăm điểm đến xinh đẹp này, giúp du lịch chiếm tỷ trọng 14% GDP. Chuyên gia về du lịch Pablo Díaz làm việc tại Đại học mở Catalonia nhận định, tổn thất do kỳ nghỉ lễ Phục sinh không diễn ra như thông lệ các năm “dự kiến sẽ hơn 30 tỷ euro (33 tỷ USD)”. Không chỉ có vậy, theo vị chuyên gia này, nếu động thái phong tỏa vẫn buộc phải tiếp diễn tới mùa Hè, thì con số tổn thất nhiều khả năng sẽ còn tăng gấp đôi.
Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát trong lãnh thổ Tây Ban Nha, thì du khách đến từ các nước cũng ít có xu hướng đi du lịch sớm. Khách du lịch từ Pháp, Đức, Anh và các nước Bắc Âu chiếm phần đông nhóm khách đến Tây Ban Nha, nhưng đây là những nước hiện vẫn đang xoay sở với các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch. “Có lẽ người Italy sẽ đi du lịch Tây Ban Nha khi lệnh phong tỏa được thu hồi, vì họ có số ca nhiễm tương đương, nhưng vì các quốc gia ở phía Bắc chịu tác động nhỏ hơn, nên họ sẽ có xu hướng tránh tới khu vực này trong một khoảng thời gian”, Díaz phân tích.
Chính phủ hành động đã đủ?
Tây Ban Nha vừa qua đã và đang chứng kiến sự gia tăng ồ ạt số ca nhiễm virus Corona, nhảy vọt từ 14.500 hôm 18/3 lên hơn 85.000 hôm 30/3. Nguyên do lây nhiễm lan nhanh có lẽ một phần liên quan đến sự phản ứng chậm chạp từ chính phủ, nhưng chừng đó là chưa đủ để lý giải tình hình hiện nay.
Evangelina Martich, phó giáo sư tại Đại học Carlos III đồng thời là chuyên gia nghiên cứu chính sách y tế công cộng phát biểu: “Việc Tây Ban Nha là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai tại châu Âu là ngẫu nhiên. Đó có thể là bất kỳ quốc gia nào khác. Dịch tễ học không phải là một môn khoa học chính xác và khó có thể đoán trước tại sao một căn bệnh lại tấn công một số quốc gia mạnh hơn những quốc gia khác”.
Khi một quốc gia bước vào vòng xoáy lây nhiễm nhanh, tình thế trở thành một cuộc đua để bảo vệ hệ thống chăm sóc y tế khỏi gặp sự cố. “Không một hệ thống nào sẵn sàng trước một đợt sóng bệnh nhân như thế, kể cả hệ thống tốt nhất thế giới. Tôi cho là hệ thống của Tây Ban Nha đang phản ứng khá tốt trước thách thức và chính phủ đã có các bước đi nhằm bảo vệ nó không bị quá tải, chẳng hạn hoãn các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ và các cuộc phẫu thuật không cần thiết”, Martich nêu quan điểm.
Tuy nhiên, rốt cuộc thì phòng bệnh cũng là một vấn đề mang tính chính trị; các chính phủ ra quyết định khi họ có thể thực thi chúng và phải cân đối giữa tổn thất tài chính với các biện pháp phong tỏa. Thủ tướng Pedro Sánchez đã xoay sở để thành lập một chính phủ thiểu số vào đầu năm nay, nhưng quyền lực trong tay ông không nhiều. Vốn dĩ từng bị tổn thương bởi tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Tây Ban Nha hiện là điểm nóng bất bình trước các biện pháp khiến kinh tế suy yếu. Nhà sinh học Saladino cho rằng, chính phủ nước này đã làm hết khả năng, nhưng không phải tất cả mọi người đều có chung suy nghĩ ấy. Một số đang bày tỏ sự bất mãn với chính trị ngay từ ban công nhà họ, khua nồi đánh chảo ầm ĩ vào 9h tối trong những ngày biểu tình theo kế hoạch.
Gác chính trị sang một bên, theo Martich, tốc độ là yếu tố cốt yếu. Trong đại dịch, các hệ thống y tế công cộng có 2 giai đoạn phản ứng: thứ nhất là phòng ngừa, sau đó là điều trị. “Tây Ban Nha đã thông qua các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế lây nhiễm. Có lẽ đáng ra chính phủ đã có thể phản ứng sớm hơn nhưng họ đã áp dụng các thủ tục đúng đắn. Thiếu phương thuốc điều trị, cách tốt nhất là ban hành sắc lệnh phong tỏa”, Martich phát biểu.
Trong bối cảnh phong tỏa đã bước sang tuần thứ ba, người dân nước này đang bắt đầu cảm nhận rõ tác động của việc cách ly dài ngày. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn đang được duy trì nhờ vào tinh thần cộng đồng nơi đây. Những tranh vẽ tếu táo được chia sẻ rộng rãi trên mạng, người dân giúp đỡ hàng xóm mua sắm khi họ thuộc nhóm dễ bị virus xâm nhập hơn, và sự biết ơn được biểu lộ mỗi ngày đối với các nhân viên y tế khiến Covid-19 tại Tây Ban Nha cũng không đáng sợ như người ta vẫn nghĩ.