“Vũ khí” chống lại Covid-19

Nếu như cả châu Âu đang hỗn loạn bởi “cơn bão" đại dịch Covid-19 thì Nga - quốc gia châu Âu duy nhất có chung đường biên giới rất dài với Trung Quốc, lại ghi nhận số lượng các ca dương tính với SARS-CoV-2 ở mức cực kỳ thấp. Ca nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận từ tháng 1/2020. Với những biện pháp quyết liệt được thực hiện từ rất sớm, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, đất nước đang cố gắng ngăn chặn tốc độ lây lan của virus và tình hình đã “trong tầm kiểm soát". 

image_4309148_2832020.jpgNga đã thành lập Trung tâm thông tin Covid-19 tại Moskva. Ảnh: CNN

Theo các cơ quan chức năng của Nga, chiến lược của Tổng thống Putin đã phát huy hiệu quả. Tính đến 13h ngày 28/3, tại Nga - đất nước với 146 triệu dân, có 1.036 người bị nhiễm bệnh, 4 ca tử vong. Một số chuyên gia cho rằng, các biện pháp ứng phó sớm của Nga như đóng cửa biên giới dài hơn 4.100 km với Trung Quốc từ ngày 30/1, hay thiết lập các khu cách ly quyết liệt, đã góp phần làm chậm quá trình lây lan của virus, từ đó giúp Nga kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, kéo dài thời gian đối diện với đợt bùng phát toàn diện. 

“Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm" là lời kêu gọi của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng. Thế nhưng, tiến sĩ Melita Vujnovic, đại diện của WHO tại Nga cho biết, Nga đã bắt đầu thực hiện xét nghiệm từ cuối tháng 1, thậm chí áp dụng đồng loạt các biện pháp khác theo khuyến cáo như xác định các trường hợp nhiễm, truy tìm dấu vết, và việc cách ly cộng đồng cũng thực hiện từ rất sớm.

Rospotrebnadzor, Cơ quan giám sát người tiêu dùng của Nga cho biết, đã tiến hành xét nghiệm nhiễm SARS-CoV-2 hơn 156.000 trường hợp. Để so sánh, theo số liệu của CDC, Mỹ mới chỉ bắt đầu tăng tốc xét nghiệm vào đầu tháng 3, trong khi Nga đã bắt đầu xét nghiệm hàng loạt kể từ đầu tháng 2. Đặc biệt, chú trọng xét nghiệm ở các sân bay, tập trung vào khách du lịch từ Iran, Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Tổng thống Putin mặc đồ bảo hộ đến thị sát trung tâm y tế nơi chữa cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Kremlin

Hầu hết các ca nhiễm đều ở thủ đô Moskva. Ngay từ tháng trước, hàng nghìn người của thành phố bị bắt buộc cách ly tại nhà trong 14 ngày, bao gồm những người trở về từ các quốc gia có dịch, tiếp xúc với bệnh nhân hoặc bị chẩn đoán nhiễm virus với triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, khoảng 100.000 camera nhận diện khuôn mặt, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI được lắp đặt khắp Moskva được xem đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tất cả những biện pháp ráo riết đó không đồng nghĩa với việc không có lỗ hổng trong cách phòng thủ của Nga trước dịch bệnh. Nga đã không xét nghiệm đối với những người đến từ Italia hoặc hạn chế kiểm soát đối với những người đến từ các nước trong châu Âu, chỉ đơn giản là đo thân nhiệt và thực hiện cách ly 2 tuần. Theo các quan chức y tế, phần lớn các ca nhiễm Covid-19 ở Nga đều đến từ Italia.

Có một số ý kiến tỏ ra nghi ngờ chính phủ Nga đã che giấu và kiểm soát thông tin về dịch bệnh. Tuy nhiên, cơ quan y tế tại Moskva đã bác bỏ những cáo buộc này và khẳng định rằng họ đã thực hiện xét nghiệm trên các bệnh nhân viêm phổi để xác định virus. Chính Tổng thống Putin đã thẳng thắn cho rằng, chính phủ có thể đã không thâu tóm được bức tranh đầy đủ về dịch bệnh. Tuy nhiên, ông khẳng định chính phủ Nga không che giấu số liệu. Trong tuần qua, số lượng người nhiễm bệnh ở Nga đang trên đà tăng lên, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi Nga mở rộng phạm vi xét nghiệm. Tuy nhiên, đại diện của WHO cho biết, Nga vẫn đang kiểm soát tốt, bởi nước này đang theo dõi từng trường hợp nhiễm bệnh và mối liên hệ dịch tễ đến những người tiếp xúc. 

Nga đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 từ rất sớm và đây được cho là lý do khiến số ca mắc ở nước này thấp. Ảnh: Sputnik

Rospotrebnadzor của Nga công bố còn tới 36.540 người đang được theo dõi nghiêm ngặt, có nguy cơ phơi nhiễm cao. Cùng lúc này, chính phủ Nga đã bắt đầu áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, hủy bỏ mọi sự kiện cộng đồng, đóng cửa biên giới với người nước ngoài, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh hoãn trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp dự kiến diễn ra vào ngày 22/4 cho đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổng thống Putin ra lệnh toàn quốc sẽ được nghỉ làm có lương từ 28/3 - 5/4 trừ bộ máy công quyền và một số ngành thiết yếu, đồng thời kêu gọi tất cả người dân nhìn nhận nghiêm túc làm theo hướng dẫn của giới chức y tế. 

“Đổ thêm dầu vào lửa”

Đối lập với Nga, Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil - đất nước lớn nhất khu vực Mỹ Latin lại công kích giới truyền thông và các đối thủ chính trị, đồng thời kêu gọi người dân trở lại nơi làm việc, các không gian công cộng và hoạt động thương mại. Các đối thủ chính trị đã lên tiếng bác bỏ và cho rằng lập luận của tổng thống còn nguy hiểm hơn cả sự lây lan của dịch bệnh.

“Hầu hết các hãng truyền thông đang lan truyền cảm giác sợ hãi bằng cách ưu tiên thông tin về số lượng lớn nạn nhân ở Italy. Đó là kịch bản hoàn hảo để truyền bá sự kích động” - vị tổng thống 65 tuổi Bolsonaro phát biểu trước toàn quốc qua truyền hình hôm 24/3 và kêu gọi mọi người không cần phải lo lắng nếu nhiễm virus, bởi “ngay cả khi bị nhiễm, nó cũng chỉ như một cơn cảm cúm nhẹ”. 

Tổng thống Brazil Bolsonaro gọi bệnh Covid-19 chỉ là "cúm nhẹ" và kêu gọi người dân quay trở lại làm việc. Ảnh: Getty

Thay vì trấn an người dân trước sự lây lan nhanh chóng của đại dịch, những phát ngôn của Tổng thống Bolsonaro được cho là “đổ thêm dầu vào lửa”. Brazil hiện đang dẫn đầu khu vực Mỹ Latin cả về số ca nhiễm và tử vong vì SARS-CoV-2 với 3.477 người nhiễm và 93 người tử vong, tính đến 13h ngày 28/3. Các chuyên gia y tế còn cảnh báo về những thông tin sai lệch nghiêm trọng mà ông Bolsonaro tiếp tục lan truyền. Theo Hiệp hội Dịch tễ học Brazil, việc ông so sánh Covid-19 với bệnh "cảm nhẹ" đang gây "ấn tượng sai lầm với người dân rằng những biện pháp kiểm dịch là không phù hợp".

Tổng thống Bolsonaro đối mặt với việc mất dần đồng minh. Những thống đốc từng ủng hộ ông đang đi theo con đường riêng của họ, bởi cho rằng, phát ngôn của tổng thống đã đi ngược lại với các khuyến nghị của chuyên gia y tế, gây nguy hiểm cho người dân.

Theo AP, tại cuộc họp trực tuyến đầu ngày giữa Tổng thống Bolsonaro và các thống đốc vùng Đông Nam Brazil, João Doria - thống đốc của bang Sao Paulo cảnh báo sẽ kiện chính phủ, nếu cố gắng can thiệp vào nỗ lực của bang để chống lại virus. Còn Wilson Witzel - Thống đốc bang Rio de Janeiro, một đồng minh cũ của Tổng thống Bolsonaro, đã tuyên bố, ông sẽ không thực hiện lời kêu gọi của tổng thống trong việc nới lỏng cách ly xã hội. Trước đó, Thống đốc Witzel đã tuyên bố sẽ đóng cửa các sân bay và trục đường chính. 

Các chuyên gia cho rằng, con số người nhiễm có thể tăng vọt trong tháng Tư và sẽ khiến hệ thống y tế của nước này sụp đổ. Đặc biệt, nguồn lây nhiễm có thể bùng phát từ các khu ổ chuột, bởi tình trạng đông đúc và thiếu vệ sinh tại đây. Trong khi đó, gần như tất cả cư dân thuộc tầng lớp thấp hơn đều phụ thuộc vào hệ thống y tế cộng đồng, nơi vốn đã chạm đến giới hạn và hỗn loạn trước cả khi Covid-19 bùng phát.

Nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 có thể bùng phát từ các khu ổ chuột ở Brazil, bởi tình trạng đông đúc và thiếu vệ sinh tại đây. Ảnh: THX

Tuy nhiên, đối với ông Bolsonaro, tình hình chưa tệ đến mức đó. Ông cho rằng các thống đốc bang đang làm quá vấn đề một cách không cần thiết như triển khai cách ly cộng đồng, đóng cửa trường học, trung tâm thương mại…Các nhà phân tích nhận định, Tổng thống Bolsonaro dường như đang đặt cược rất lớn, bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia về nền y tế và kinh tế bị đánh gục trong tương lai.

Cách ứng phó của nhà lãnh đạo Brazil khá giống với Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuy nhiên “ông ấy quên rằng, Brazil không có nguồn lực tài chính như Mỹ. Hai đất nước hoàn toàn khác nhau”, Fernanda Magnotta, nhà khoa học chính trị ở Sao Paulo đánh giá.