Hồi chuông cảnh báo
Cái chết của Bộ trưởng Tài chính bang Hesse (Đức) Thomas Schaefer, không phải do virus Corona mà do áp lực loại virus này mang đến. Chính quyền địa phương tin ông Schaefer đã tự tử (hôm 28/3) vì lo không gánh nổi hậu quả mà Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế. Đây là một thông tin gây sốc với giới chức Đức cũng như châu Âu và là hồi chuông báo hiệu một cuộc khủng hoảng tồi tệ sắp ập đến lục địa này.
Kinh tế vốn là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất ở châu Âu thời hiện đại. Cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước ven bờ Địa Trung Hải, dòng người tị nạn lớn nhất từ sau Thế chiến thứ hai và câu chuyện Anh rời khỏi EU (Brexit) đã làm xáo trộn, gây tổn thất to lớn cho các trung tâm tài chính châu Âu nhưng chưa “nhấn chìm” nó.
Tuy nhiên, khi những “vết thương cũ” chưa lành, châu Âu lại hứng chịu cuộc tấn công khốc liệt của dịch bệnh Covid-19, khiến “lục địa già” trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết. Không còn nghi ngờ gì nữa, virus đang đe dọa sự sống còn của đồng euro và có lẽ của chính Liên minh châu Âu (EU).
Tổn thất do đại dịch mang lại đối với các nền kinh tế châu Âu là không thể tính toán trong giai đoạn này, vì có rất nhiều biến số. Không ai biết đại dịch này sẽ kéo dài bao lâu và chính sách phong tỏa của nhiều quốc gia trong khối sẽ tiếp tục trong mấy tuần hay mấy tháng nữa. Đó là chưa kể, châu Âu cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” của đợt suy thoái kinh tế ở Mỹ, Trung Quốc hay các khu vực khác của châu Á.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngay cả những chuyên gia kinh tế lạc quan nhất cũng khó đưa ra dự đoán cụ thể. Một số dự đoán sự phục hồi sẽ theo “hình chữ V”, nghĩa là kinh tế châu Âu sẽ “bật” mạnh sau đợt giảm hiện tại trong khi những người khác cho rằng sự phục hồi sẽ theo “hình chữ U”, nghĩa là mất một thời gian sau dịch bệnh kinh tế mới phát triển trở lại.
Dù là kịch bản nào thì rõ ràng, châu Âu cũng đang đối diện với một thách thức chưa từng có. Các thống kê ban đầu từ các quốc gia thành viên EU riêng lẻ cho thấy tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng này sẽ rất lớn. Chẳng hạn, trong vài ngày qua, cơ quan thống kê của Pháp tiết lộ, sản lượng kinh tế của nước này đã giảm 35% và cuộc khủng hoảng Covid-19 năm nay sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp giảm 3% nếu việc phong tỏa đất nước kéo dài 1 tháng, và 6% nếu kéo dài 2 tháng.
Trong khi đó, các số liệu nghiên cứu khác cũng chỉ ra, đối với các thành viên còn lại, hầu hết các ước tính hiện nay đều cho thấy mức giảm 15% GDP trong quý II năm nay và khoảng 10% trong cả năm 2020 - những con số tương đương với những gì được ghi nhận trong những ngày đen tối nhất của cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930 và tồi tệ hơn khoảng 10 lần so với sự suy giảm kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.
Mầm mống của sự phân ly?
Tác động tiêu cực đến kinh tế do đại dịch mang lại là điều không thể bàn cãi. Nhưng cách thức vượt qua như thế nào, phối hợp ra sao lại là bài toán hóc búa với châu Âu vào lúc này. Sự lựa chọn thực sự mà châu Âu phải đối diện là “sinh tử có nhau” hay mỗi người tìm một hướng.
Đầu tháng 3, khi diễn biến dịch nghiêm trọng tại Italy và có dấu hiệu lan nhanh sang nhiều nước khác không thể kiểm soát, nhiều nước đã vội vã hành động cho riêng mình. Các nước Đức và Pháp ra lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng bảo hộ y tế, các nước Áo, Hungary, CH Czech… đơn phương đóng cửa biên giới, khiến Hiệp ước Schengen mang tính biểu tượng của EU coi như bị “khai tử” tạm thời, và việc lưu thông hàng hóa, cứu trợ các vùng dịch, đặc biệt là Italy gặp vô vàn khó khăn.
Nhưng sự thiếu đoàn kết trong việc tìm ra những giải pháp toàn diện của cả khối trong những ngày tới còn nghiêm trọng hơn. Cứ nhìn bầu không khí của cuộc họp trực tuyến của Hội đồng châu Âu trong ngày 26/3 sẽ thấy rõ điều đó. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thừa nhận quan điểm của ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel còn “hơn cả sự bất đồng, mà là đối đầu mạnh mẽ và công khai”.
Đức - quốc gia đóng vai trò “cảnh sát” của EU có nhiệm vụ giám sát các quốc gia khác tôn trọng nghĩa vụ và trách nhiệm trong các thỏa thuận tài chính không muốn phá vỡ các quy định của liên minh. Berlin cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, EU có thể kích hoạt “Cơ chế bình ổn châu Âu”, một quỹ trị giá 400 tỷ euro được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm để hỗ trợ nhu cầu vay vốn của các quốc gia trong khối. Ngoài ra, còn một gói cứu trợ khác trị giá 750 tỷ euro mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cam kết chi tiêu mua trái phiếu của các quốc gia thành viên khu vực đồng euro.
Tuy nhiên, việc tiếp cận với các quỹ này đi kèm với các điều kiện ràng buộc ngặt nghèo, chẳng hạn yêu cầu các quốc gia thành viên giữ thâm hụt ngân sách không quá 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ công không vượt quá 60% GDP. Tuy nhiên, với các nước Italy hay Pháp, nợ công đã ở mức 130% và 100% ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra và nay còn có thể cao hơn nhiều.
Đó là lý do tại sao tuần trước, các nhà lãnh đạo của Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Luxembourg, Slovenia, Bỉ và Hy Lạp đã yêu cầu tạo ra một “công cụ nợ chung”, theo gợi ý của thủ tướng Italy, được đặt tên là “Trái phiếu Corona”. Trái phiếu này được đảm bảo bởi tất cả các quốc gia thành viên EU, không có điều kiện ràng buộc.
Tất nhiên, Đức không chấp nhận ý tưởng này. Thủ tướng Merkel trong cuộc họp ngày 26/3 đã nói từ chối đến 4 lần khi người đồng cấp Italy nêu ra. Hà Lan, Áo hay Phần Lan cũng ủng hộ quan điểm của Đức với lo ngại các nước láng giềng sẽ khai thác khủng hoảng để thúc đẩy một loạt các khoản nợ công, từ đó làm suy yếu đồng tiền chung euro…
Cuộc khẩu chiến trở nên vô cùng gay gắt cho thấy EU đang bị chia rẽ sâu sắc trong cách lựa chọn hướng đi cho nền kinh tế chung của khối trong bối cảnh bị Covid-19 tàn phá. “Mầm mống của sự phân rã đang trở lại” - cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu và một trong những kiến trúc sư trưởng của EU thời hiện đại, Jacques Delors, cảnh báo.
Ông Jacques Delors cũng cho rằng “sự thiếu đoàn kết gây nguy hiểm chết người cho sự tồn vong cho EU”. Rõ ràng, đây trước hết là thời điểm mà uy tín và sự tồn tại của châu Âu đang bị đặt dấu hỏi. Nếu châu Âu chỉ là một khối thị trường chung khi mọi thứ đều ổn thì sẽ chẳng còn giá trị gì. Vậy nên, hơn lúc nào hết, châu Âu đang cần một “liều thuốc mạnh” và liều thuốc ấy chỉ có được từ sức mạnh đoàn kết của cả khối trong giai đoạn hoạn nạn hiện nay.