Có cũng như không?
Theo New York Times, đến ngày 2/4 (giờ địa phương), con tàu thủy màu trắng cỡ lớn mà các quan chức từng hứa hẹn sẽ đem đến sự giúp đỡ trong lúc hoạn nạn, khó khăn cho một thành phố đang mấp mé bên bờ vực, vẫn nằm lặng ngắt, hầu như trống khoang.
Lãnh đạo các bệnh viện địa phương không nén nổi cơn giận, khi hay tin 1.000 giường trên con tàu phần lớn đều chưa được sử dụng, và 1.200 thành viên thủy thủ đoàn cũng gần như rảnh rỗi, không có gì để làm.
Theo nguồn tin từ các quan chức, hiện mới chỉ có đúng 3 bệnh nhân được chuyển tới tàu bệnh viện này, kể cả trong bối cảnh các bệnh viện tại New York đang vật lộn tìm chỗ trống cho hàng nghìn người dương tính với chủng mới virus Corona (Covid-19).
Tương tự, trên một tàu bệnh viện khác của Hải quân Mỹ là U.S.N.S. Mercy, hiện đang cập cảng tại Los Angeles, cũng chỉ có vỏn vẹn 15 bệnh nhân.
Khác với sự hoành tráng và kỳ vọng ban đầu, thực tế đang xảy ra trên những “siêu tàu” của Mỹ đã khiến nhiều nhân vật có chuyên môn trong lĩnh vực y tế phải ngao ngán.
Đơn cử, Michael Dowling - người đứng đầu Northwell Health, hệ thống bệnh viện lớn nhất của New York nói: “Nếu được nói thẳng, tôi thấy nó như trò đùa. Mọi người có thể nói “Cảm ơn vì đã tạo ra những địa điểm tuyệt vời này và mở ra những hội trường hầm hố này”. Nhưng chúng ta hiện đang gặp một cuộc khủng hoảng tại đây, chúng ta đang trên chiến trường”.
Ban đầu, con tàu có cái tên dễ nghe Comfort được điều tới New York nhằm giảm bớt sức ép mà các bệnh viện tại thành phố này đang phải chống chịu trong lúc điều trị bệnh nhân mắc các bệnh khác ngoài Covid-19.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã vội chấm dứt chuỗi 9 ngày tự cách ly trong Nhà Trắng để tới Norfolk, bang Virginia, đích thân tiễn con tàu này khởi hành đến New York, khẳng định rằng nó sẽ đóng một “vai trò mang tính sống còn”.
Vì vậy, khi con tàu cập bờ hôm 30/3, nó đã được hưởng ứng như thể đó là một trong số thời khắc tươi sáng ít ỏi giữa lúc thành phố đang phủ một màn sương u ám vì dịch bệnh.
Nhưng đời không như là mơ, thực tế diễn ra hoàn toàn khác. Một mớ hỗn độn gồm các thủ tục của quân đội lẫn các trở ngại mang tính quan liêu đã ngăn tàu Comfort tiếp nhận nhiều bệnh nhân.
Ngoài các quy định nghiêm ngặt không cho phép người nhiễm virus lên boong, Hải quân Mỹ hiện cũng từ chối điều trị nhiều trường hợp khác. Các hướng dẫn được phổ biến đến các bệnh viện bao gồm danh sách 49 tình trạng y tế mà theo đó sẽ loại trừ bệnh nhân được tiếp nhận lên tàu.
Không chỉ vậy, xe cấp cứu không thể trực tiếp vận chuyển bệnh nhân đến tàu bệnh viện Comfort; trước hết họ phải đưa bệnh nhân tới một bệnh viện trong thành phố, trải qua quá trình kiểm tra đánh giá mất thời gian - bao gồm xét nghiệm virus - rồi sau đó mới một lần nữa vận chuyển họ để đưa tới tàu.
"Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra"
Sự chậm trễ, nhiêu khê này khiến lãnh đạo nhiều bệnh viện tỏ ra rất bực bội. Ông Dowling cho biết đã phải xé nhỏ các bệnh viện của mình ra, trưng dụng bất kỳ không gian nào chưa được sử dụng đến, bao gồm các sảnh và phòng hội nghị, để biến thành phòng bệnh.
Các cơ sở của ông hiện đang tiếp nhận điều trị 2.800 bệnh nhân mắc Covid-19, tăng đáng kể so với con số 100 bệnh nhân vào ngày 20/3, trong đó 25% hiện đang trong tình trạng nguy kịch, được điều trị tại các đơn vị chăm sóc tích cực.
Khắp nơi tại New York, các bệnh viện đều đang quá tải. Bệnh nhân tử vong ngay tại hành lang, không kịp chờ đến lượt được gắn một trong số những máy thở ít ỏi hiện có. Các bác sỹ, y tá phải dùng đi dùng lại thiết bị bảo hộ, và hiện cũng bắt đầu có dấu hiệu ngã bệnh. Số người chết quá lớn, đến nỗi thành phố này đang thiếu hụt cả túi đựng thi thể.
Trong khi đó, số lượng bệnh nhân không mắc virus Corona lại không cao lắm. Bởi lẽ hầu hết người dân New York đã và đang tự cách ly tại nhà, nên ít trường hợp thương vong do tai nạn xe cộ, xả súng hay tai nạn lao động cần đến phòng cấp cứu hơn trước.
Do vậy, ông Dowling cùng nhiều người khác cho rằng, nếu tàu Comfort từ chối tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19, thì sẽ có rất ít bệnh nhân được chuyển tới đó. Và đặt trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nghiêm trọng tại thành phố New York, nơi tính đến ngày 2/4 đã ghi nhận gần 50.000 ca dương tính, thì việc phân ra bệnh nhân mắc hay không mắc virus này là điều vô ích.
Giải pháp được ông Dowling cùng những người khác đề xuất là mở cửa tàu Comfort để đón cả bệnh nhân nhiễm Covid-19. “Thật nực cười. Nếu các anh không tới để giúp đỡ chúng tôi chăm sóc những đối tượng chúng tôi cần hỗ trợ, vậy thì mục đích tới đây là gì?”, ông đã phải thốt lên.
Trước câu hỏi đặt ra của báo giới, viện dẫn những chỉ trích của ông Dowling, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhắc lại các tuyên bố của Tổng thống Trump về tàu Comfort trong buổi họp báo thường nhật. Ông chủ Nhà Trắng chỉ nói rằng, con tàu này không tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Corona.
Tối 2/4, Thống đốc bang New York Andrew M. Cuomo đã đạt thỏa thuận với ông Trump, theo đó đưa bệnh nhân Covid-19 tới Trung tâm Hội nghị Javits, một địa điểm dã chiến khác do quân đội Mỹ vận hành, có sức chứa 2.500 giường.
“Sáng nay, tôi đã đề nghị Tổng thống Trump cân nhắc yêu cầu và tính cấp bách của vấn đề, và Tổng thống chỉ thông tin rằng ông nhất trí với đề nghị của New York”, ông Cuomo cho biết trong một tuyên bố. Tuy nhiên, không hề có từ nào đề cập đến động thái tương tự đối với tàu U.S.N.S. Comfort.
Thách thức với “siêu tàu”
Đại úy Patrick Amersbach, sỹ quan chỉ huy đội ngũ y tế trên tàu Comfort, phát biểu tại một buổi họp báo, cho biết, hiện ông được lệnh chỉ tiếp nhận các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona. Ông nói thêm, nếu nhận được lệnh tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, tàu có thể được bố trí lại để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Ngay từ đầu, việc chuẩn bị sẵn sàng tàu bệnh viện để sử dụng trong đại dịch vốn dĩ đã đặt ra thách thức. Tàu Comfort được thiết kế để vận hành trong điều kiện chiến trận, và các bác sỹ của tàu chỉ quen điều trị các quân nhân trẻ, khỏe bị thương do súng bắn hay bom nổ.
Trong khi đó, hầu hết những người nhập viện vì Covid-19 đều nhiều tuổi hơn và mang một mầm bệnh mới mà ngay cả các nhà nghiên cứu y học hàng đầu thế giới vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ.
Không thể bác khả năng rằng, bất kỳ ổ dịch nào trên tàu đều có khả năng lan nhanh và khiến tàu mất khả năng hoạt động. Để phòng ngừa điều đó, thủy thủ đoàn của tàu đã phải tự cách ly 2 tuần trước khi khởi hành nhận nhiệm vụ đến New York. Họ sẽ phải ở trên boong trong suốt khoảng thời gian thực thi sứ mệnh của mình tại thành phố này.
Điểm lại trong quá khứ, “siêu tàu” từng phải chật vật nỗ lực để hoàn thành các sứ mệnh dân sự. Như năm 2017, sau khi cơn bão Maria càn quét Puerto Rico, tàu Comfort đã được điều đến để giảm tải cho các bệnh viện, nhưng rốt cuộc cũng chỉ điều trị được vài bệnh nhân mỗi ngày.
Một bác sỹ quân y từng làm nhiệm vụ trên các tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ cho biết, các điều kiện trên boong chỉ phù hợp với lính tráng, còn những chiếc giường tầng chật chội chứ không phải giường bệnh hiện đại thì không phải điều kiện lý tưởng để điều trị cho dân thường.
Nhưng ông cũng nói thêm, dù quân y quen với điều kiện chiến trận, nhưng xét cho cùng họ cũng được đào tạo bài bản, và ắt phải có khả năng xử lý tình huống căng thẳng trong đại dịch nếu được lệnh điều trị bệnh nhân Covid-19: “Là bác sỹ quân y, chắc chắn họ sẽ làm hết sức mình”./.