Nỗ lực ngăn chặn

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 lây lan từ Trung Quốc từ hồi tháng 1. Nhưng với sự giám sát và kiểm dịch chặt chẽ, quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này đã ngăn được “cơn thủy triều” Covid-19 với các biện pháp nhận được nhiều sự khen ngợi từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) như nỗ lực truy tìm người lây nhiễm, các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, những quy định hạn chế đi lại kịp thời. Cách chống dịch ở Singapore cũng cho thấy dịch bệnh có thể được kiềm chế mà không cần phải sử dụng đến các biện pháp phong tỏa. Không ít quốc gia nhìn về Singapore với sự ngưỡng mộ như một hình mẫu cho toàn thế giới về kiểm soát dịch hiệu quả khi quốc gia này có thể duy trì tỷ lệ nhiễm bệnh ở mức rất thấp, trong khi các trường học, trung tâm thương mại vẫn mở cửa và cuộc sống thường ngày của người dân không có nhiều xáo trộn.

image_5027763_442020.jpgKhung cảnh vắng vẻ của công viên Merlion nổi tiếng tại Singapore khi nước này bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh. Ảnh: Reuters

Mặc dù cách tiếp cận của quốc đảo được WHO đánh giá là “đã thử mọi biện pháp có thể ngăn chặn dịch bệnh”, nhưng Singapore vẫn không thể thành công hơn trong cuộc chiến chống Covid-19, thậm chí đang bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng. Chỉ riêng trong ngày 1/4 Singapore đã ghi nhận thêm 74 trường hợp dương tính với virus, và ngày 2/4 ghi nhận 49 ca mắc mới. Đầu tháng 3, Singapore chỉ có hơn 100 ca nhiễm, thì đến nay sau 1 tháng, nước này cán mốc hơn 1.100 ca bệnh. Hơn 70% số ca nhiễm là trong nước. Sự gia tăng lây nhiễm trong cộng đồng khiến các nhà chức trách “đau đầu” bởi các ca không rõ nguồn gốc, hay không có sự liên quan với các bệnh nhân Covid-19 trước đó. Điều này cho thấy một thước đo mới về mức độ lan truyền của bệnh trong cộng đồng, và bức tranh dịch bệnh đã không còn lạc quan như trước. Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota nhận định: “Cách tiếp cận của Singapore cho đến nay vẫn là một trong những cách tốt nhất. Thực tế dịch bệnh ở nước này chỉ ra cho thế giới, đây là loại virus khó đánh bại và kìm hãm”. 

Trong khi đó, giới chức y tế Singapore cho rằng, phong tỏa hoàn toàn chưa chắc tiêu diệt được virus, mà mọi biện pháp được đưa ra thời gian tới cần phải bền vững trong một đợt bùng phát có thể kéo dài trong nhiều tháng. Các biện pháp cứng rắn hơn sẽ được thực hiện như đóng cửa trường học và văn phòng. Teo Yik Ying, Hiệu trưởng trường Y tế cộng đồng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore cho hay: “Nói một cách thẳng thắn, chúng ta lo lắng bởi ngày càng có nhiều trường hợp không liên kết. Và đó là dấu hiệu cho thấy sự lây truyền nhỏ lẻ trong cộng đồng mà chúng ta khó có thể xử lý được”, đồng thời nhận định thêm rằng, nếu người dân Singapore từ chối thực hiện các biện pháp đơn giản thì “dù chính phủ có làm gì, dịch bệnh cũng không thể kiểm soát được”. 

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm Covid-19 tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: TTXVN

Giữa bối cảnh các nghiên cứu mới chỉ ra rằng, virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm thậm chí trước khi bệnh nhân có các triệu chứng, các chuyên gia đều nhấn mạnh hơn đến tầm quan trọng của biện pháp giãn cách xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, Singapore vẫn lỏng lẻo trong việc thực hiện biện pháp này, minh chứng ở chỗ chỉ 40% nhân viên ở các công ty đang làm việc ở nhà. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam khuyến cáo, người dân cần quyết liệt hơn khi thực hiện giãn cách xã hội, bởi “các biện pháp hiện nay vẫn chưa đủ để đánh bại dịch bệnh. Thay vào đó, dịch bệnh sẽ đánh bại chúng ta bởi việc thiếu ý thức sẵn sàng của một bộ phận người dân”. 

Tuần tới, Singapore sẽ đóng cửa các nơi làm việc từ ngày 7/4, các trường học từ ngày 8/4. Các dịch vụ thiết yếu như chợ, siêu thị, phòng khám, bệnh viện, dịch vụ vận tải và ngân hàng vẫn sẽ mở cửa. Tất cả các nơi giải trí như công viên, bảo tàng, casino, phòng tập thể thao, bể bơi... đều bị đóng cửa. Đây được xem là những biện pháp nghiêm ngặt mới nhất của Singapore trong bối cảnh dịch bệnh khó lường. 

Sự bình tĩnh “siêu thực”

Khác các nước láng giềng như Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy, Thụy Điển đang “một mình một kiểu” chống dịch Covid-19 với việc không đóng cửa biên giới, các trường học, doanh nghiệp, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Dường như có một sự bình tĩnh “siêu thực” ở quốc gia châu Âu với hơn 10 triệu dân này, và đứng trước lời cảnh báo nửa dân số Thụy Điển sẽ nhiễm virus cho tới cuối tháng 4. 

Người dân thoải mái đi dạo ngắm hoa anh đào tại Kungstradgarden ở Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: AFP

Đại dịch toàn cầu đã “đóng băng” các nền kinh tế hàng đầu châu Âu, và giữ chân hàng triệu người trên khắp lục địa làm việc tại nhà. Thế nhưng, ở Thụy Điển vẫn từ chối thực hiện nhiều biện pháp chống dịch quyết liệt như nhiều quốc gia ở châu Âu khác. Siêu thị, các quán bar và nhà hàng vẫn phục vụ, nhà ga và xe buýt vẫn đưa đón mọi người trên khắp đến nước. Không có lệnh phong tỏa nào được ban bố dù số ca nhiễm bệnh của quốc gia này vẫn đang tăng lên từng ngày. 

Để giảm bớt lo ngại của người dân khi không mong muốn hình ảnh gây sốc từ các bệnh viện của Italy và Tây Ban Nha một ngày nào đó có thể xảy ra ở Thụy Điển, giới chức đã siết chặt thêm nhiều quy định khác, như hạn chế tụ tập quá 50 người thay vì mức 500 người trước đó. Chính phủ cũng ban hành hướng dẫn cho công dân tránh đi lại trong giờ cao điểm, những người trên 70 tuổi hạn chế tiếp xúc xã hội, không tới thăm người thân dịp lễ Phục sinh. Các sự kiện thể thao như đá bóng cũng được yêu cầu không tổ chức. 

Cơ quan y tế cộng đồng Thụy Điển là đơn vị chính đưa ra các biện pháp phản ứng của đất nước trước dịch bệnh. Rõ ràng, cách tiếp cận này khác biệt và “phớt lờ” những cảnh báo của các đồng nghiệp trên thế giới. Giới chức y tế Thụy Điển cho biết họ không phủ nhận mức độ nguy hiểm của Covid-19 nhưng tin rằng họ có thể kiểm soát một cách nhẹ nhàng được dựa vào ý thức trách nhiệm của cộng đồng, bên cạnh những khuyến cáo thường xuyên. Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển cho hay: “Đó là cách chúng tôi hoạt động. Tất cả hệ thống kiểm soát dịch bệnh của chúng tôi đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện”.

Hàng trăm giường bệnh được xếp sẵn tại một bệnh viện dã chiến đang được xây dựng bên trong khu hội chợ quốc tế tại Stockholm. Ảnh: AFP

Chính cách tiếp cận này đã vấp phải sự chỉ trích từ chính bên trong Thụy Điển. Sự hoảng loạn là điều mà cộng đồng khoa học và y khoa của quốc gia trên bán đảo Scandinavia này đang cảm nhận rõ rệt. Một bản kiến nghị được hơn 2.000 bác sĩ, nhà khoa học và giáo sư ở Thụy Điển, bao gồm cả Chủ tịch của Quỹ Nobel - Giáo sư Carl Henrik Heldin đã ký, kêu gọi chính phủ đưa ra các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt hơn. Giáo sư Cecilia Söderberg-Nauclér, nhà nghiên cứu miễn dịch virus tại Viện Karolinska nhận định: “Chính việc chưa xét nghiệm, chưa theo dõi và cách ly đủ sẽ dẫn chúng ta đến thảm họa”. 

Hiện Thụy Điển đang đứng ở vị trí 19 trong danh sách các nước chịu ảnh hưởng của Covid-19 trên thế giới, với 6.131 ca nhiễm và 358 người tử vong (tính đến 13h ngày 4/4). Cách phòng chống dịch của Thụy Điển đang khiến các quốc gia láng giềng gần gồm Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy cảm thấy lo ngại, thậm chí còn miêu tả “những gì diễn ra ở Thụy Điển như đang xem bộ phim kinh dị”, mặc dù tổng số người chết của 3 nước này gộp lại vẫn ít hơn Thụy Điển./.