Song tại phương Tây, việc sử dụng khẩu trang chậm chạp hơn nhiều, và Cố vấn y tế của Anh Chris Whitty đến này còn tuyên bố đeo khẩu trang là không cần thiết.
Ấy nhưng không phải lúc nào đeo khẩu trang cũng là xu hướng của châu Á.
Ít ra chắc chắn không phải là điều xảy ra trong đại dịch cúm năm 1918, kéo dài từ tháng 1/1918 đến tháng 12/1920, và khiến 1/3 dân số thế giới, tức khoảng 500 triệu người bị nhiễm, 50 triệu người tử vong, trong đó nửa triệu người là công dân Mỹ.
Có nhiều điểm tương đồng giữa 2 đại dịch: dịch cúm 1918 và dịch Covid-19.
Dù vẫn còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc xuất hiện virus năm 1918, song nó đã được gán cho tên một quốc gia cụ thể: Cúm Tây Ban Nha. Toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho virus lây lan khi binh lính tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đưa bệnh cúm này đi khắp thế giới.
Lúc ấy cũng như bây giờ, nhà kho được chuyển đổi thành bệnh viện cách ly. Và một con tàu biển chở theo nhiều bệnh nhân bị lây nhiễm đã trở thành chủ đề tranh luận.
Nhưng có một điểm khác biệt thấy rõ, đó là khi ấy Mỹ là quốc gia đi đầu thế giới trong việc đeo khẩu trang.
Vào tháng 10/1918, khi San Francisco đón làn sóng thứ hai của đại dịch, các bệnh viện bắt đầu báo cáo về sự gia tăng số lượng bệnh nhân bị nhiễm.
Ngày 24/10/1918, cơ quan lập pháp do dân bầu ra của thành phố này, ban giám sát San Francisco, nhận thấy rằng cần phải có động thái quyết liệt với hơn 4.000 ca nhiễm bệnh, nhất trí thông qua Pháp lệnh khẩu trang phòng cúm.
Đeo khẩu trang tại nơi công cộng lần đầu tiên trở thành việc bắt buộc trên đất Mỹ.
“Phổ cập” khẩu trang
Sau khi San Francisco buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, một chiến dịch tăng nhận thức đã được khởi động.
Thị trưởng thành phố này, cùng với các thành viên Ban Y tế, đã cho phép Hội chữ thập đỏ dùng khẩu ngữ đánh vào nhận thức của dân chúng: “Hãy đeo khẩu trang và cứu sống bản thân! Khẩu trang có 99% khả năng chống lại bệnh cúm”.
Nhiều bài hát về đeo khẩu trang được sáng tác, trong đó có câu: “Hãy tuân thủ luật pháp, và đeo khẩu trang. Hãy bảo vệ hàm của bạn khỏi những ngón tay bị nhiễm khuẩn”.
Bất cứ ai bị phát hiện ra ngoài mà không đeo khẩu trang có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí là bị bỏ tù.
Chiến dịch trên đã phát huy tác dụng và các thành phố khác của California làm theo, bao gồm Santa Cruz và Los Angeles, rồi đến nhiều bang khác trên khắp nước Mỹ.
Và không chỉ ở nước Mỹ, tại bờ bên kia Đại Tây Dương các biện pháp tương tự cũng đã được thực hiện. Ủy ban Academie de Médicine của Paris đã khuyến cáo đeo khẩu trang tại thủ đô nước Pháp vào đầu tháng 11/1918. Dr. Niven, người đứng đầu cơ quan y tế Manchester, miền Bắc nước Anh cũng làm vậy.
Lịch sử dường như lặp lại, tuần này, thị trưởng Los Angeles đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài mua sắm ở nơi công cộng.
Trở lại với dịch cúm 1918, khi khẩu trang dần trở nên phổ biến tại châu Âu và Bắc Mỹ, vấn đề nguồn cung trở nên cấp thiết. Chỉ có một số lượng nhỏ các nhà máy sản xuất khẩu trang chuyên dụng, chẳng hạn Công ty sản xuất Prophylacto tại Chicago, và họ không thể đáp ứng được lượng cầu tăng đột biến.
Lời giải là sản xuất tại gia. Ở nhiều khu vực của Mỹ, các nhà thờ, các nhóm cộng đồng và các chi hội Chữ thập đỏ hợp sức cùng nhau, tìm cách có được càng nhiều khẩu trang càng tốt, và tổ chức các buổi sản xuất khẩu trang đồng loạt.
Nhiều tờ báo, cùng chính quyền nhiều bang tại Mỹ, đã liên hệ khẩu trang với cuộc chiến đang diễn ra trên các chiến trường châu Âu vào tháng 10/1918 - “Mặt nạ phòng độc trên hầm hào; mặt nạ phòng cúm tại gia” là thông tin được đăng trên tờ Washington Times ngày 26/9/1918, theo đó hứa hẹn sẽ cung cấp 45.000 khẩu trang cho lính Mỹ để phòng “cúm Tây Ban Nha”.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất khép lại vào ngày 11/11, các nhà sản xuất mặt nạ phòng độc đã hoàn tất các đơn hàng của chính phủ và chuyển sang sản xuất khẩu trang phòng cúm.
Chính sách đeo khẩu trang
Các quy định đeo khẩu trang nhìn chung khi ấy đã nhận được sự ủng hộ của dân chúng và hầu như được tán thành thực hiện.
Tucson, Arizona, ban hành pháp lệnh đeo khẩu trang ngày 14/11/1918, ngoại trừ các nhà thuyết giáo, ca sỹ và diễn viên trong rạp hát và giáo viên tại các trường học - tất cả các trường hợp được cho là giữ khoảng cách đủ xa với người nghe.
Không lâu sau đó, Cảnh sát trưởng Bailey nói với công dân Tucson rằng không phải ông đang đe dọa bắt giữ những người phá luật, mà theo quan điểm của ông, không cuộc tụ tập nào là hợp thời, trừ phi người tham dự đeo khẩu trang đầy đủ.
Trở lại với Bờ Tây, San Francisco vẫn tiên phong trong việc thúc đẩy việc sử dụng khẩu trang. Ngày 25/10/1918, trang nhất tờ San Francisco Chronicle đăng loạt ảnh các thẩm phán cấp cao và các chính khách hàng đầu của thành phố này đều đeo khẩu trang.
Khi đó, không còn chuyện trốn tránh việc đeo khẩu trang nữa. Mọi chuyến tàu đến các ga ở Bờ Tây đều được các ủy ban khuyến khích đeo khẩu trang kiểm tra. Đây là nhóm các tình nguyện viên nữ phân phát khẩu trang cho những ai không thể mua được chúng ở ngoài bang.
Dĩ nhiên, vẫn có một số kẻ không tuân thủ các quy định. Tại một trận đấu đấm bốc ở California, một bức ảnh chụp dưới ánh đèn flash cho thấy 50% khán giả nam không đeo khẩu trang. Cảnh sát đã phóng to bức ảnh này và dùng nó để nhận diện những người đó.
Mỗi người vi phạm phải “đóng góp tự nguyện” cho một tổ chức từ thiện ủng hộ những người đang chiến đấu ở nước ngoài, hoặc phải đối diện với việc bị truy tố.
Đeo khẩu trang có hiệu quả không?
Trong đại dịch cúm 1918, nghiên cứu khoa học quanh việc sử dụng khẩu trang nhìn chung vẫn chưa đủ độ tin cậy, và câu chuyện hấp dẫn về một con tàu thủy đã thu hút sự chú ý của mọi người.
Đầu tháng 12/1918, tờ Times tại London đưa tin rằng các bác sỹ ở Mỹ đã xác định bệnh cúm “lây qua đường tiếp xúc và do đó có thể phòng ngừa”.
Tờ Times lưu ý rằng tại một bệnh viện ở London toàn bộ y bác sỹ và bệnh nhân đều được phân phát và hướng dẫn liên tục đeo khẩu trang. Tờ báo dẫn cả thành công của khẩu trang trên một con tàu.
Tàu này hành trình qua lại giữa Mỹ và Anh, và đã bị lây nhiễm ở mức khủng khiếp từ New York. Khi trở về Mỹ, thuyền trưởng đã phát lệnh đeo khẩu trang đối với thủy thủ đoàn và hành khách, sau khi đọc về việc sử dụng chúng tại San Francisco.
Trên hành trình trở về không phát hiện ca nhiễm nào, dù khi đó tại Manhattan lẫn Southampton, nơi con tàu rời đi, đều ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao. Không thể biết được liệu các quy định đeo khẩu trang trên chuyến tàu trở về đã giúp giảm ca nhiễm, hay đó là cách báo chí diễn giải chúng.
Trước đó từng có một vài tiền lệ đằng sau hướng dẫn đeo khẩu trang.
Trong dịch hạch Mãn Châu 1910-1911, khiến các nhà khoa học Trung Quốc, Nga, Mông Cổ và Nhật Bản họp lại cùng nhau chống dịch bệnh lan rộng tại miền Bắc Trung Quốc, khẩu trang được cho là có hiệu quả.
Nhà báo khoa học Laura Spinney, tác giả của cuốn sách về bệnh cúm Tây Ban Nha 1918 xuất bản năm 2017, đã lưu ý rằng sau trải nghiệm tại Mãn Châu, người Nhật đã nhanh chóng đeo khẩu trang nơi công cộng năm 1918.
Giới chức Nhật Bản lập luận rằng khẩu trang là một cử chỉ lịch thiệp để bảo vệ những người khác khỏi vi khuẩn và từng có hiệu quả trong các dịch bùng phát ở Nhật trước đó.
Và đeo khẩu trang dường như còn có tác dụng hạn chế tăng tỷ lệ lây nhiễm.
Vào cuối tháng 12 năm đó, các thành phố và các bang tại Mỹ cảm thấy đủ tự tin để dỡ bỏ các lệnh đeo khẩu trang, bởi các ca nhiễm mới giảm xuống chỉ còn một con số tại hầu khắp các nơi.
Một thế kỷ sau
Năm 1918, Mỹ phổ bắt đầu việc đeo khẩu trang bằng hình phạt.
Nhưng một thế kỷ sau đó, chính các quốc gia châu Á mới là nơi nhớ rõ những bài học mà Mỹ đã nhận được về lợi ích của đeo khẩu trang trong việc làm chững lại sự lây lan các ca nhiễm.
Có lẽ đó là vì những năm qua châu Á đã phải ứng phó với dịch tả, thương hàn và các bệnh truyền nhiễm khác, rồi đến SARS năm 2003 và dịch cúm gia cầm gần đây.
Những dịch bệnh ấy đã giúp duy trì văn hóa đeo khẩu trang.
Mỹ và châu Âu không chứng kiến các dịch bệnh tương tự với tần suất thường xuyên như vậy.
Vì thế, có vẻ như khái niệm khẩu trang như một biện pháp dự phòng đã không có trong nhận thức của một vài thế hệ. Nhưng dịch Corona có thể sẽ thay đổi điều đó.