(Baonghean) - Trong phiên chất vấn trước Quốc hội vào chiều 20/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son đã có những phát ngôn khá ấn tượng. Như khi nói về vai trò của báo chí, lĩnh vực thuộc Bộ TT&TT quản lý, ông đã nhấn mạnh “báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải xây dựng lòng tin, tạo dựng đồng thuận xã hội”.
 
Từ câu nói này, chợt nảy ra một ý là, việc các “tư lệnh ngành” trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, cũng phải đạt được tiêu chí đó chứ không riêng gì báo chí. Nghĩa là, trong phần trả lời của mình, các bộ trưởng không chỉ trả lời cho xong theo kiểu “trả bài” cho qua kỳ vấn đáp  những việc thuộc về trách nhiệm quản lý của mình mà phải làm sao để thông qua những câu trả lời đó tạo dựng được lòng tin cũng như sự đồng thuận của đại biểu và cử tri cả trước trong phân định vai trò, trách nhiệm và phương án xử lý, khắc phục những vấn đề bức xúc, nổi cộm thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Tiếc rằng, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa rồi chưa đáp ứng được.
 
Sở dĩ nói như vậy là vì, trong các phiên chất vấn vừa qua đã nổi lên một số vấn đề chưa ổn. Trước hết là về nhận thức trách nhiệm. Có thể nói, qua phát ngôn của một số bộ trưởng tại nghị trường hoặc ở các phiên chất vấn thì “quả bóng trách nhiệm” vẫn bị tâng lên, hạ xuống, đá qua, đá lại. Ví như khi đề cập trách nhiệm của Bộ Công thương trong quy hoạch mạng lưới thủy điện, thay vì nói là “tôi” hoặc “chúng tôi” thì ông Bộ trưởng lại sử dụng cụm từ “chúng ta nói về chúng ta...”.  khiến không ít đại biểu bất bình. Cho dù ông nói “chúng ta” cũng có phần đúng bởi trong đó cũng có phần trách nhiệm của các vị đại biểu khi giơ tay biểu quyết về phát triển thủy điện.
 
Nhưng trước hết việc quy hoạch thủy điện không phù hợp dẫn đến gây hại cho nhân dân thì trách nhiệm của Bộ Công thương là lớn nhất. Phải dũng cảm nhận trách nhiệm về mình để rồi có hướng khắc phục, xử lý cho hiệu quả. Còn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong phiên trả lời chất vấn của mình tuy không quy trách nhiệm về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đang gây nhiều bức xúc trong xã hội cho “chúng ta”, nhưng ông lại im lặng, làm lơ không trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề này.
 
Không dám thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình thì hệ quả tất yếu là không dám nhìn thẳng vào thực trạng của vấn đề. Như Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi được hỏi có hay không có tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức và có chuyện chạy chức, chạy quyền và cả chạy việc hay không, lẽ ra chỉ nên khẳng định một cách ngắn gọn là có  hay không có thì ông lại trích dẫn nhiều văn bản, nghị quyết thay cho câu trả lời. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội phải ra tay “giúp” cả bên hỏi và bên được hỏi bằng việc giải thích thêm là “Có tiêu cực, có tham nhũng không? Bộ trưởng trích nghị quyết trung ương ra đọc cho đại biểu nghe. Đọc như vậy có nghĩa là có. Tôi xin khẳng định lại như vậy”.
 
Hệ quả tất yếu tiếp theo là một khi không nhìn thẳng vào thực trạng thì cũng không thể đưa ra giải pháp giải quyết một cách cụ thể và phù hợp được. Vì thế, khi đại biểu hỏi là có biện pháp đột phá nào trong công tác tổ chức cán bộ hay không, Bộ trưởng cũng chỉ trả lời chung chung về các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao hiệu quả thực thi công vụ theo thẩm quyền. Giới báo chí nhận xét, phiên chất vấn về đội ngũ cán bộ có quá nhiều khoảng lặng giữa các nhịp trả lời của Bộ trưởng. Rất nhiều điệu cười khó hiểu của Đại biểu Quốc hội.
 
Chủ tịch Quốc hội liên tục nhắc Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi. Cử tri đếm hết một bàn tay chưa hết những “sẽ nghiên cứu”, “sẽ có hướng dẫn”, “sẽ ban hành”, “trong thời gian tới”… Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì trả lời chất vấn trong một bộ dạng khá là uể oải, mệt mỏi khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải đỡ lời: “Bộ trưởng mới đi chống lụt về nên đang mệt”. Vì “mệt” cho nên chất lượng của lần “vấn đáp” này không cao và không có kết quả cụ thể.
 
Tóm lại, như lời nhận xét của một đại biểu tỉnh Tây Ninh thì những gì các bộ trưởng giải trình trong phiên chất vấn mới là “đề ra giải pháp và đánh giá nguyên nhân... khách quan”. Còn vấn đề về nhìn nhận trách nhiệm “cũng có, nhưng chung chung, chứ chưa có địa chỉ cụ thể. Mục đích của các phiên chất vấn, trước hết là để xác định được trách nhiệm, đặc biệt là của các “tư lệnh ngành” trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ do pháp luật và Quốc hội giao; là đề ra giải pháp để xử lý cụ thể và có tính khả thi cao. Trong các phiên chất vấn vừa qua, hai mục đích đó đều chưa đáp ứng được khiến các đại biểu Quốc hội “không hài lòng”, còn cử tri thì lại thấy đau lòng và thiếu vắng niềm tin rằng, liệu những vấn đề bức xúc, nổi cộm liên quan cuộc sống đang hiện hữu sẽ được các bộ, ngành giải quyết thấu đáo trong thời gian tới?
 
Nói như vậy không nhằm để phủ định bất cứ ai hay bất cứ vấn đề gì mà chỉ muốn là trong các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội tới đây, các “tư lệnh ngành” thật sự coi đó là dịp soi rọi lại trách nhiệm bản thân và của bộ, ngành mình một cách đầy đủ, trung thực và thẳng thắn để xây dựng lòng tin và sự đồng thuận trong cử tri cả nước. Vì một lẽ, không có niềm tin, không có sự đồng thuận của cử tri- dân chúng thì sẽ không làm được gì hết.
 
Điều tiên quyết là phải tạo dựng được niềm tin và sự đồng thuận.
 
Duy Hương