(Baonghean) - Số lượng cán bộ, công chức lớn đang trở thành gánh nặng về ngân sách trả lương và các khoản kinh phí đảm bảo duy trì bộ máy, trong khi chất lượng, hiệu quả hoạt động bộc lộ rất nhiều bất cập.
 
Thời gian qua, các đại biểu Quốc hội cũng như công luận cho rằng hiện đang có tỷ lệ lớn cán bộ, công chức “ngồi chơi xơi nước”, không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được việc thực thi các chức năng nhiệm vụ quy định, thiếu trách nhiệm, vô cảm, quan liêu, chất lượng tham mưu các văn bản chỉ đạo, quản lý chưa cao, hiệu quả thực thi pháp luật cũng như thực hiện quản lý nhà nước theo pháp luật còn yếu kém... Khi nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng cho rằng có khoảng 30% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Ấy thế mà, ngày 20/11, khi đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại cho rằng chỉ khoảng 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Quả là khôi hài, không nói cũng biết con số mà vị bộ trưởng này đưa không phản ánh đúng thực tế, vì thế, ngay cả người điều hành phiên họp cũng như các đại biểu Quốc hội đều thấy không thỏa đáng. Còn người dân, nhất là cán bộ, công chức khi theo dõi phiên họp qua báo, đài, nghe bộ trưởng nói vậy thì chỉ biết... phì cười.
 
images881126_anhbai20gocnhin31_51.jpgẢnh minh họa
Cứ như ông bộ trưởng này nói thì chỉ có 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, có nghĩa là 99% còn lại hoàn thành nhiệm vụ. Có nghĩa là những chủ trương, chính sách, chương trình hành động, nội dung kế hoạch hoạt động của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đều được triển khai thực hiện tốt? Có nghĩa là từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác điều hành, quản lý, công tác tham mưu và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, cơ chế... đều vận hành tốt? Có tin được không, khi mà hàng loạt văn bản “trời ơi đất hỡi” vẫn được đều đều ban ra trong sự phản ứng dữ dội của công luận? Khi mà hàng ngày, hàng giờ hàng loạt vụ việc tiêu cực, sai phạm được lật tẩy, tố giác? Khi mà vẫn còn những án oan sai tày đình rúng động dư luận? Khi mà việc điều hành nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được coi là “đầu tàu” nhưng lại trở thành “đầu kéo” kéo nền kinh tế xuống những ổ voi ổ gà nợ công, thất thoát, lãng phí? Khi mà giá cả, thị trường tài chính, xăng dầu, vàng, viễn thông... như con rối trong tay các “nhóm lợi ích” nhưng lại luôn quay mặt với người dân và nền sản xuất? Vân vân và vân vân...
 
Cứ lấy hiệu quả công việc làm thước đo mà đánh giá, thì dân Nghệ sẽ cho rằng ông bộ trưởng đang “nói cho... Pháp nghe!”.        
 
Đức Dương