(Baonghean) - Mấy ngày gần đây, chuyện phòng, chống tham nhũng, lãng phí lại nóng lên trong nghị trường lẫn dư luận báo chí. Bên cạnh những đánh giá tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm mà còn diễn ra tinh vi hơn, phức tạp hơn; nhiều đại biểu quốc hội còn gay gắt lên tiếng về tình trạng lãng phí ghê gớm đang xảy ra trên nhiều lĩnh vực và đang là một “quốc nạn”.

Quả thực, cùng với tham nhũng, tình trạng lãng phí của cải, tài sản, trí tuệ, công sức đang ở mức báo động đỏ. Không thể không báo động khi mà bằng mắt thường, người dân nhìn đâu cũng thấy lãng phí.  Đó là những công trình xây dựng dang dở đang “dãi nắng dầm sương” vì thiếu vốn; đó là nhiều công trình giao thông vừa khánh thành đã xuống cấp nghiêm trọng, là những trục đường giao thông vừa khánh thành đã nứt, lún; đó là 30% công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” như nhiều quan chức đánh giá; đó là một loạt trường đại học ra đời để rồi tạo ra hàng loạt cử nhân thất nghiệp…

Ở Nghệ An, tình trạng lãng phí các cơ sở vật chất cũng không ít, dư luận từng lên tiếng các chợ đầu mối nông sản ở nhiều huyện bị bỏ hoang phế hoặc sử dụng sai mục đích; một số công trình nước sạch ở miền núi cũng lâm vào tình trạng tương tự. Cũng cần phải kể đến một loạt dự án thủy điện và công trình xây dựng gần đây bị UBND tỉnh rút giấy phép đầu tư vì không triển khai dự án hoặc tiến độ thực hiện dự án quá chậm… Gần đây, theo báo chí phản ánh, khu tái định cư cho dân vạn chài ven sông Lam ở Khe Mừ (xã Thanh Thủy, Thanh Chương) dù đã đưa vào sử dụng nhưng đã trở nên quá thảm hại. Trong đó, nhà mẫu giáo của khu tái định cư này trở thành… chuồng trâu bò theo đúng nghĩa đen. 

fsfedfe
Tình trạng lãng phí đang xảy ra ở nhiều nơi                  -ảnh minh họa

Có một sự lãng phí ít người nhắc đến là nhiều đề tài, nghiên cứu khoa học hay công trình phát minh sáng chế bị “mốc meo” trong ngăn tủ hoặc không được ứng dụng rộng rãi. Trong khi đó, nhiều văn bản ban hành từ cấp trung ương lại xa rời thực tế, không khả thi, gây bức xúc trong dư luận. Đó không chỉ là sự lãng phí chất xám ghê gớm mà còn gây kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội không nhỏ.

Cùng với tham nhũng, rõ ràng lãng phí xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp và đủ loại lãng phí đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải tệ nạn trầm trọng này, trong đó có thể nói, chính một số chủ trương xa rời thực tiễn, thiếu tính khoa học là một trong những nguyên nhân gây lãng phí lớn nhất; trong đó việc xây dựng hàng loạt công trình thủy điện vừa và nhỏ mà gần đây dư luận lên án là một ví dụ.

Chẳng thế mà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét mới đây tại kỳ họp Quốc hội rằng, “Thời UB Kế hoạch Nhà nước không có chuyện xây dựng bừa bãi như bây giờ. Thời đó có ít công trình nhưng công trình nào ra công trình đó, có bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các địa phương và các bộ. Còn, bây giờ không có chuyện này, không có chuẩn bị đầu tư, cứ nghĩ ra là làm thôi, không nghiên cứu”. Nếu đúng như lời bộ trưởng nói thì có thể đây là nơi gây ra lãng phí nhiều nhất chăng?

Việt Long