(Baonghean) Khi bàn đến việc chống tham nhũng, nhiều người, trong đó có các học giả, các vị đại biểu Quốc hội nói rằng nên tăng lương cho cán bộ viên chức để chống tham nhũng! Họ lập luận nếu tiền lương đủ sống thì cán bộ viên chức sẽ không hoặc ít nghĩ đến tham ô, tham nhũng. Do đó xã hội sẽ lành mạnh hơn!
Cũng vậy, khi bàn đến sự xuống cấp nghiêm trọng của giáo dục hiện nay, nhiều người cũng đổ lỗi cho việc trả lương thấp và đề nghị tăng lương như là biện pháp hữu hiệu để đổi mới giáo dục. Tất nhiên, giáo viên hay cán bộ viên chức Nhà nước được tăng lương, có đời sống ổn định thì hẳn xã hội sẽ có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Đó là điều ai cũng mong ước.
Tuy nhiên, có 2 điều chúng ta còn phải tự hỏi: Một là, nước ta đã đủ giàu có để có thể tăng lương nâng cao đời sống cho tất cả giáo viên và cán bộ viên chức? Hai là, có thật cứ tăng lương thì xã hội hết tham nhũng và sự nghiệp giáo dục trong tình trạng hiện nay bỗng nhiên sẽ trở nên tốt đẹp? Về điều thứ nhất, chúng ta thấy ngay là nước ta không những chưa giàu mà còn đang rất lúng túng trong việc làm giàu. Các xí nghiệp nhà nước của chúng ta càng làm ăn càng thua lỗ, thậm chí đã để thất thoát của cải đến hàng ngàn, hàng vạn tỉ đô la. Kinh tế Nhà nước như vậy, thử hỏi lấy gì mà tăng lương đại trà cho giáo viên, cán bộ? Giáo sư Hoàng Tụy nói: Thật đau lòng, những cán bộ kinh tế phụ trách tập đoàn này, tập đoàn nọ để mất mát của cải đến như thế mà lương của họ hàng tháng vẫn gấp hai, ba chục lần tiền lương của các nhà khoa học, của các giáo sư đại học đầu ngành. Đó là chưa nói đến những khoản thu nhập khác có thể có của họ. Từ ý kiến đó của giáo sư, chúng ta nghĩ rằng Nhà nước rất nên rà soát lại để chấn chỉnh, nếu có sự bất công quá đáng trong hệ thống tiền lương hiện tại giữa các ngành nghề, đặc biệt là đối với khoa học và giáo dục.
Lương tối thiểu được tăng 8 lần từ năm 2003 đến nay. Ảnh minh họa: Internet
Trở lại vấn đề tăng lương để chống tham nhũng. Chúng ta ủng hộ việc tăng lương cán bộ nhưng không đồng tình với lập luận tăng lương là để chống tham nhũng. Người tham nhũng đâu phải người nghèo mà nghĩ đến việc tăng lương cho họ. Tham nhũng là tệ nạn thường rơi vào kẻ có chức quyền, lương cao hơn các cán bộ khác, thậm chí họ là những người giàu có trong xã hội. Rõ ràng, những người đó dù đã giàu hơn những người khác nhưng họ vẫn tham nhũng.
Vậy muốn tăng lương để cho họ không tham nhũng nữa thì phải tăng bao nhiêu cho vừa lòng họ? Phải tăng "vô tận" chăng? Dù tăng lương vô tận chắc chi đã thỏa mãn cơn khát. Rõ ràng, không thể dùng biện pháp tăng lương để chống tham nhũng. Cũng như vậy, cơn bệnh trầm kha của giáo dục nước ta hiện nay không thể đơn giản là dùng biện pháp tăng lương giáo viên để chữa trị. Phải xác định lại mục tiêu đào tạo của giáo dục. Sản phẩm cuối cùng của giáo dục là con người, nhưng con người như thế nào? Khái niệm con người XHCN là hay, là đẹp nhưng chung chung, khó thích hợp với con người năng động, sáng tạo, luôn đổi mới, luôn thích nghi với sự đòi hỏi của thị trường kinh tế và sự cạnh tranh quyết liệt trong cuộc hội nhập kinh tế toàn cầu. Giáo dục phải đổi mới toàn diện, triệt để từ mục tiêu đào tạo đến hình thức quản lý, từ chương trình, phương pháp đến kết cấu hệ thống phổ thông, đại học, dạy nghề cho đến cả việc đổi mới bản thân ngành Sư phạm để đào tạo giáo viên có trình độ và phẩm chất thích ứng với sự đổi mới đó...
Tăng lương tuy không chống được tiêu cực xã hội, nhưng chúng ta cũng hoan nghênh Chính phủ nếu có chủ trương và cố gắng dàn xếp nâng cao được mức sống cho một bộ phận cán bộ, viên chức, giáo viên và đặc biệt là các nhà khoa học đáng kính!