(Baonghean) - Tháng 11 tới, cả nước lại thực hiện thi tuyển công chức. Việc này liên quan đến vấn đề bằng cấp: Bằng chính quy, bằng tại chức, bằng công lập, bằng dân lập… Trước hết, điều muốn nói là hãy để ý xem quan niệm về bằng cấp trong công tác tuyển dụng cán bộ hiện nay như thế nào?!
- Tháng 12/2010, Đà Nẵng ra chỉ thị không tuyển dụng sinh viên hệ tại chức vào các cơ quan Nhà nước.
- Tháng 9/2011, giáo viên dạy hợp đồng tiếng Anh không có bằng chính quy phải nghỉ việc.
-Tháng 10/2011, Hải Dương thông báo không tuyển sinh viên tại chức.
- Tháng 1/2012, Hà Nam không tuyển sinh viên tại chức và các hình thức học liên thông, liên kết, từ xa vào các cơ quan Nhà nước.
- Tháng 8/2012, Quảng Nam thông báo tuyển 600 cán bộ viên chức với yêu cầu không tuyển các loại bằng cấp tại chức.
- Cũng tháng 8/2012, Nam Định thông báo tuyển công chức với điều kiện là phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy dài hạn.
- Tháng 9/2012, Quảng Bình ban hành quyết định tuyển dụng con em tỉnh nhà tốt nghiệp đại học chính quy, không tuyển hệ tại chức vào cơ quan Nhà nước…
Như vậy có thể thấy hầu hết các địa phương đều có ý thức muốn tuyển dụng cán bộ Nhà nước từ những sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy. Thế nhưng, ngày 3/10/2012, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Tuấn Anh khẳng định: Luật Công chức không phân biệt giá trị các loại bằng cấp. Khi tuyển công chức, không phân biệt bằng chính quy, tại chức, công lập hay dân lập. Lệnh trên như thế thì dưới phải chấp hành. Dư luận chung nhất trí với Bộ Nội vụ là tuyển công chức cần đạt yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác của cán bộ; bằng cấp chưa đủ để quyết định toàn bộ vấn đề. Vấn đề là ở chất lượng tuyển chọn, có vô tư, có khách quan, có đúng quy trình, đúng luật hay không?
Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, việc kiểm tra, kiểm soát quá trình tuyển chọn cán bộ còn nhiều bất cập. Một số người cho rằng quy định như các địa phương chỉ tuyển chọn những người có bằng cấp chính quy là “chắc ăn” hơn, với lý do một phần hơi buồn cười là quá trình tuyển chọn còn có sai sót, thì người được tuyển chọn cũng đã có bằng cấp học hành tử tế, có thể tin tưởng được! Nay, việc tuyển chọn công chức phải thực hiện theo chỉ thị của Bộ Nội vụ. Có điều, mở rộng diện xét chọn là hợp lý, nhưng để việc tuyển chọn có chất lượng, Bộ này nên có thêm quy định về quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện công việc tuyển chọn sao cho thật chặt chẽ, bảo đảm tính nghiêm túc, nghiêm cẩn để việc tuyển chọn đạt chất lượng cao, tránh những tiêu cực thiếu sót đáng tiếc.
Bằng cấp và tuyển dụng
Thạch Quỳ