(Baonghean) - Trong mỗi con người đều có sự biểu hiện của “cá nhân chủ nghĩa” nhất định và không phải lúc nào cũng có thể giữ vững bản lĩnh.

Trong mỗi con người đều có sự biểu hiện của “cá nhân chủ nghĩa” nhất định và không phải lúc nào cũng có thể giữ vững bản lĩnh. Có không ít cán bộ trong lúc tranh đấu để bảo vệ lẽ phải, cái đúng thì đấu tranh rất hăng hái, không sợ hiểm nguy, thiệt thòi; nghĩa là có công rất lớn trong cuộc đấu tranh loại bỏ cái xấu. Song, đến khi được tập thể ghi nhận, thậm chí là suy tôn, giao phó những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền, lại đâm ra thỏa mãn, công thần, kiêu ngạo, quan liêu, không tự giác, thậm chí còn vi phạm quy chế, quy định...

Cũng có những cán bộ, đảng viên khi còn là một nhân viên bình thường thì hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao, đạt đúng chuẩn mực cán bộ, công chức. Nhưng khi được đề bạt, bổ nhiệm, có quyền quyết định một số vấn đề của đơn vị, địa phương thì “rơi” vào vòng xoáy tham ô, nham nhũng...

Hoặc có đồng chí là người có chuyên môn khá tốt, được đào tạo bài bản, thế nhưng đồng chí đó lại không được tập thể thừa nhận, trong công tác lãnh đạo, điều hành không hiệu quả... Nguyên nhân chủ yếu là do đồng chí đó luôn tự cho mình là trí tuệ, là hơn người, là cần phải có cái gì đó “khác biệt”, ví như: Tự cho mình nhiều lúc không tham gia sinh hoạt đầy đủ, đúng giờ; không chịu chấp nhận lắng nghe ai góp ý, nhắc nhở;  cố tình đưa ra các quan điểm, ý kiến đối lập với xu hướng phát triển, tình hình hoạt động của đơn vị…

Những hiện tượng trên, chung quy lại đều từ “chủ nghĩa cá nhân” mà ra. Vấn đề là chúng ta phải kiên quyết, dũng cảm để ngăn chặn, đẩy lùi “căn bệnh” nguy hiểm này. Muốn trị được bệnh, trước hết chúng ta phải phát hiện và chỉ ra được những cán bộ, đảng viên nào đang bị “nhiễm bệnh”. Đồng thời cũng phải nhận thức và chỉ rõ cho đồng chí của mình rằng, họ không phải không biết, hoặc không được phép không biết đến những quy định và những điều cán bộ, đảng viên không được làm và không nên làm. Thực tế là do họ không tu dưỡng đạo đức tốt, không tự đấu tranh rèn luyện để vượt qua chính mình, vượt qua cái gọi là “chủ nghĩa cá nhân”. Bởi xung quanh những người bị sa sút đạo đức, lối sống và phẩm chất vẫn là số đông những cán bộ, đảng viên tốt, biết tu dưỡng đạo đức và làm chủ được mình, giữ vững phẩm chất cách mạng và không dễ dàng sai phạm.

 Do đó, để đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh thì dứt khoát phải đẩy lùi được “chủ nghĩa cá nhân”. Muốn vậy, trước tiên mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện để có bản lĩnh vững vàng, tránh bị tác động bên ngoài. Trong quá trình sống, làm việc không ai không mắc phải lỗi lầm, khuyết điểm. Điều quan trọng là cá nhân đó có dám nhận khuyết điểm trước tổ chức hay không để tổ chức có những góp ý cụ thể giúp cá nhân đó hoàn thiện hơn, sống tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở “Sợ mất oai tín và thể diện mình, không dám tự phê bình là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng lê lết quả dưa”.

Bác Hồ cũng đã chỉ rõ: “Người mắc khuyết điểm hôm nay, ngày mai chưa chắc đã mắc khuyết điểm. Người hôm nay chưa mắc khuyết điểm, chưa chắc ngày mai cũng không mắc khuyết điểm”. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức và thông suốt rằng, thực hiện tự phê bình và phê bình là việc cần phải được làm thường xuyên, liên tục; là một việc  thông thường để giúp ta phòng bệnh, chữa bệnh và loại trừ, cắt bỏ những “khối u ác tính”. Đồng thời người cán bộ, đảng viên cần phải xác định: đã là cán bộ, đảng viên bao giờ cũng gắn với tổ chức của mình. Chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức để tổ chức nhắc nhở, động viên và bảo vệ để kịp thời sửa chữa khuyết điểm, trở thành cán bộ, đảng viên tốt, không bị sai phạm, không bị xâm hại, tổn thương. Đừng bao giờ nghĩ mình to hơn tổ chức.

Để “Chủ nghĩa cá nhân” không vượt quá mức quy định, dẫn đến sai phạm, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên phải thường xuyên, nghiêm túc, thẳng thắn, chân thành thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình.


Phương Nguyên